Nâng bước trò nghèo

18/08/2014
(VBSP News) Ngay từ những ngày đầu triển khai Chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn của Chính phủ, NHCSXH đã nối dài ước mơ đèn sách cho hàng chục nghìn lượt HSSV để các em yên tâm học tập. Với phương châm không để một HSSV nào khó khăn về tài chính phải bỏ học, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời tạo điều kiện tốt nhất về vốn vay để các em vững tin đến trường.
Cán bộ ngân hàng xuống tận cơ sở động viên hộ gia đình nghèo có con thi đỗ đại học

Cán bộ ngân hàng xuống tận cơ sở động viên hộ gia đình nghèo có con thi đỗ đại học

Mở ra chân trời mới

Thanh Hóa là tỉnh có dân số đông, cơ cấu lao động ngành nông nghiệp cao, trong khi mỗi năm có hàng nghìn học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Để đáp ứng nhu cầu về tài chính cho các em học tập là điều vô cùng khó khăn đối với nhiều gia đình trên địa bàn xứ Thanh khi nỗi lo cơm áo gạo tiền còn đang đè nặng. Chính vì vậy, Chương trình tín dụng HSSV của Chính phủ đã mở ra chân trời mới cho các em, giúp các gia đình vơi bớt nỗi lo tiền bạc mỗi mùa tựu trường. Những năm qua, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa luôn là địa chỉ tin cậy cho mỗi HSSV nghèo trên hành trình lập thân lập nghiệp. Tính riêng năm 2013, doanh số cho vay chương trình trên địa bàn tỉnh đạt gần 237,77 tỷ đồng, với dư nợ hơn 1.918 tỷ đồng, tổng số khách hàng còn dư nợ lên tới 96.332 lượt.

Để rõ hơn ý nghĩa chương trình tín dụng này, chúng tôi đã về tìm hiểu thực tế tại huyện ven biển Nga Sơn - nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Thanh Hóa. Nga Sơn có 27 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã thuộc vùng bãi ngang ven biển, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt, nước mặn xâm thực nên tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao. Nhưng không vì thế mà chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện giảm sút. Hàng năm, Nga Sơn có hàng nghìn HSSV theo học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong cả nước. Mặt khác, là huyện có nền tiểu thủ công nghiệp tương đối phát triển, cần sử dụng nhiều lao động có tay nghề, số lượng lao động được đào tạo nghề hàng năm của huyện đều tăng nên nhu cầu vay vốn để các em có thể trang trải chi phí học tập là rất lớn. Thực tế, có rất nhiều HSSV vì hoàn cảnh khó khăn đành phải bỏ học hoặc bảo lưu kết quả để đi làm phụ giúp gia đình.

Nhưng đó là chuyện trước khi có Chương trình tín dụng HSSV, giờ thì con đường học đã rộng mở với tất cả mọi người. Chị Lưu Thị Thu ở xã Nga Thủy, tâm sự: “Tôi có 3 con, các cháu học rất giỏi nhưng vì điều kiện khó khăn nên cháu đầu không thể theo đuổi ước mơ đại học, phải đi làm phụ giúp bố mẹ. Hiện, 2 cháu sau đã vào đại học, nhờ được vay vốn ưu đãi nên gia đình cũng bớt đi phần nào gánh nặng chi phí”.

“Có thể nói, Chương trình tín dụng HSSV ra đời đã góp phần làm vơi đi gánh nặng chi phí học tập cho cả HSSV và bản thân mỗi gia đình nghèo. Tính đến thời điểm này, dư nợ của chương trình tại NHCSXH huyện Nga Sơn đạt 113,5 tỷ đồng với 10.700 hộ gia đình có con là HSSV còn dư nợ. Dư nợ ở sinh viên giảm là do phụ huynh đã ý thức được nên khi các em ra trường, gia đình đã trích lương của các em để trả nợ dần”, ông Đặng Ngọc Hoàn - Giám đốc NHCSXH huyện Nga Sơn, cho biết thêm.

Dư nợ lớn

“Tính đến nay, dư nợ cho vay HSSV ở Thanh Hoá đạt gần 1.650 tỷ đồng, với trên 95.770 hộ gia đình có con là HSSV còn dư nợ”.

Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV đã khắc phục được những hạn chế, mức cho vay của chương trình đã nâng lên, đối tượng cho vay được mở rộng, từ đó tạo thuận lợi cho nhiều HSSV có điều kiện học tập. Phải nói rằng, đây là quyết sách lớn của Chính phủ, đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân, mang tính nhân văn lớn.

Qua Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, hàng trăm HSSV đã không phải bỏ học nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH. Cũng từ nguồn vốn này, các em yên tâm học tập, sau khi ra trường, đa phần các em có công việc ổn định.

Theo chân cán bộ NHCSXH huyện Quảng Xương tới thăm gia đình chị Đào Thị Thủy ở thôn Xuân Uyên, xã Quảng Phong, chúng tôi mới thấy nghị lực của người phụ nữ này khi một tay chị nuôi 3 con học đại học và người mẹ già. Năm 2005, chồng chị qua đời vì bệnh nặng, để lại gánh nặng gia đình lên vai chị, nhưng không vì thế mà các con chị phải bỏ học giữa chừng. Trong lúc kinh tế khó khăn, Chương trình tín dụng HSSV ra đời, như “liều thuốc” giúp các con chị yên tâm theo đuổi con đường học hành. Cả 3 cháu đều đỗ vào các trường đại học lớn, hiện cháu đầu đã đi làm, có thu nhập phụ giúp mẹ trả nợ ngân hàng. Chị Thủy nghẹn ngào tâm sự: “Nếu không có nguồn vốn vay của NHCSXH thì chắc giấc mơ đèn sách của các con tôi sẽ không bao giờ có thể thực hiện được. Để lo cho 3 cháu ăn học, tôi đã vay tới 90 triệu đồng, sau khi cháu đầu đi làm, cộng với tiền dành dụm được, tôi đã trả được hơn 20 triệu đồng. Tôi rất cảm ơn Chính phủ đã đưa ra chương trình thiết thực để tiếp sức cho những học trò nghèo thực hiện ước mơ đèn sách”.

Tính đến hết tháng 7/2014, doanh số cho vay Chương trình tín dụng HSSV của NHCSXH huyện Quảng Xương đạt 155,1 tỷ đồng với 7.989 lượt hộ vay, là huyện có dư nợ lớn nhất tỉnh Thanh Hóa về tín dụng HSSV. Với 592 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động ở 41 xã, thị trấn, hoạt động cho vay ủy thác ở Quảng Xương đang được triển khai khá hiệu quả. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn làm cầu nối giữa người nghèo và các đối tượng chính sách khác với ngân hàng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi, chuyền tải nhanh chóng, kịp thời đồng vốn chính sách đến với người nghèo ngắn nhất và hiệu quả nhất.

Em Trần Thị Thảo, sinh viên Học viện Nông nghiệp Hà Nội (Đại học Nông nghiệp cũ) ở thôn Lộc Xá, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tâm sự: “Do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, bố mẹ nuôi 2 anh em học đại học nên em tranh thủ đi làm thêm phụ giúp bố mẹ lấy tiền trang trải việc học. Ngoài ra, nhờ nguồn vốn vay dành cho HSSV nên bố mẹ em bớt đi một phần gánh nặng, em cũng yên tâm học hành hơn”.

Cách nhà Thảo không xa là nhà ông Vũ Văn Tạo cũng được vay hơn 70 triệu đồng từ năm 2007 qua “kênh” Hội Nông dân. “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, tôi bị dị tật bẩm sinh ở chân nên đi lại khó khăn, sức khỏe yếu, mọi công việc lớn nhỏ trong nhà đều nhờ vào người vợ tần tảo. Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, khó khăn chồng chất khi các con thi đỗ đại học. Nhiều lúc định cho con nghỉ học vì không thể lo nổi, nhưng nhờ tiếp cận nguồn vốn vay cho HSSV nên gia đình tôi bớt đi phần nào khó khăn, giúp các con yên tâm học hành”, ông Tạo khoe với chúng tôi.

Với sự tiếp sức kịp thời, nhanh chóng của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã giúp các em phấn đấu vươn lên, đạt kết quả cao trong học tập. Những thành quả đạt được trong học tập chính là tiền đề để các em góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Theo Như Quỳnh - Báo KTNT

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác