Vốn chính sách phát huy hiệu quả trên mảnh đất cội nguồn Cách mạng

19/08/2014
(VBSP News) Với 10 Chương trình tín dụng ưu đãi, 11 năm qua, NHCSXH tỉnh Cao Bằng đã giúp hơn 81.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Đồng vốn ưu đãi đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của địa phương.
Hộ anh Nông Văn Trường vay vốn đầu tư nuôi dê và bò, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng

Hộ anh Nông Văn Trường vay vốn đầu tư nuôi dê và bò, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng

Về xã Trường Hà, huyện Hà Quảng - vùng đất nơi đầu nguồn Cách mạng, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nông Văn Trường ở xóm Nà Mạ. Ngôi nhà cấp 4 nằm gần chân núi, xung quanh là vườn cây ăn quả, ao cá và hệ thống chuồng bò, dê, chim trĩ sạch sẽ, gọn gàng. Anh Trường chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm, đất đai có nhưng không có tiền đầu tư phát triển sản xuất. Năm 2010, tôi được vay 20 triệu đồng mua bò sinh sản. Có tiền lại được tập huấn KHKT, tôi đã bắt tay vào trồng cỏ voi để phát triển chăn nuôi. Sau 3 năm đàn bò phát triển, tôi bán lấy tiền trả ngân hàng, rồi quay vòng mua thêm vài con bê, mở rộng tới 3.000m2 diện tích cỏ voi, đồng thời nuôi thêm chim trĩ nữa. Nhờ vậy mà hiện nay gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Trường Hà là xã miền núi biên giới, do nhiều nguyên nhân nên tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, chiếm tới 10,5%. Cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, xã Trường Hà đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện Hà Quảng trong việc giải ngân vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng. Hiện, dư nợ tại xã là hơn 7 tỷ đồng với 266 hộ còn dư nợ. Ông Đàm Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Trường Hà, cho biết: nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã thực sự phát huy hiệu quả đối với đồng bào dân tộc trong xã. Từ nguồn vốn trên, bà con trong xã đã đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả, nhất là đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, hiện toàn xã có trên 500 con trâu, bò. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã là trên 60%, đến nay chỉ còn 10,5%.s

Niềm vui từ nguồn vốn ưu đãi mang lại càng được nhân đôi khi mới đây hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay với mức tối đa 50 triệu đồng/hộ và giảm mức lãi suất cho vay. Năm 2010, gia đình anh La Hồng Thái ở xóm Pò Nghiều, xã Nà Sác, huyện Hà Quảng được xét duyệt vay 30 triệu đồng hộ nghèo để mua trâu và lợn nái về nuôi. Sau 3 năm không những có tiền trả cả gốc và lãi cho ngân hàng mà gia đình anh đã được công nhận thoát nghèo. Anh Thái vui vẻ tâm sự: “Nhờ có nguồn vốn ưu đãi mà gia đình tôi có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Không những vậy, gia đình tôi còn được vay vốn từ Chương trình tín dụng HSSV để cho con đi học, nay lại được Chính phủ cho vay cao hơn, tôi cảm thấy mừng lắm”.

Nói về hiệu quả đồng vốn, xã Nà Sác là một trong những địa phương đi đầu của huyện Hà Quảng. Hiện xã có dư nợ với NHCSXH hơn 7,7 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn là 0%. Người dân nơi đây không những phát huy hiệu quả đồng vốn vay mà còn ý thức được trách nhiệm của mình đối với ngân hàng trong công tác trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn, tạo được niềm tin đối với Đảng, Nhà nước.

Ở xã Bế Triều có nhiều hộ gia đình vay vốn giải quyết việc làm mua lợn nái về nuôi, mong muốn đem lại lợi nhuận cao

Ở xã Bế Triều có nhiều hộ gia đình vay vốn giải quyết việc làm mua lợn nái về nuôi, mong muốn đem lại lợi nhuận cao

Huyện Hòa An có 21 xã, thị trấn, có dân số đông so với các huyện khác của tỉnh Cao Bằng. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn khá cao. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến công tác giảm nghèo, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước, trong đó có việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bà Tống Thị Thiện - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Hòa An, cho biết: NHCSXH đã thực hiện khá tốt việc tổ chức giao dịch lưu động tại xã giúp người vay đi lại thuận tiện, tiết kiệm chi phí. Sau khi đồng vốn được giải ngân, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc các tổ chức hội, đoàn thể luôn giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và có hiệu quả.

Ông Phạm Trung Hữu - Chủ tịch Hội CCB xã Bế Triều, huyện Hòa An cho hay: “Đến hết tháng 7/2014, dư nợ của NHCSXH uỷ thác qua Hội CCB xã đạt 4,2 tỷ đồng với 175 hộ vay. Hầu hết hội viên CCB sử dụng đồng vốn ưu đãi vào việc chăn nuôi, có những hộ gia đình mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng”.

Có thể nói, đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đã phát huy hiệu quả trên mảnh đất cội nguồn Cách mạng Cao Bằng. Tổng dư nợ đến hết tháng 7/2014 đạt hơn 1.584 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 178 tỷ đồng, hoàn thành 97,9% kế hoạch tăng trưởng và đạt 99,74% kế hoạch được giao. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đáng kể trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh miền núi Cao Bằng.

Bài và ảnh Nguyễn Thanh Thụy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác