Vốn chính sách trợ lực cho phụ nữ phát triển sản xuất

21/08/2014
(VBSP News) Để công tác uỷ thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt kết quả cao, Hội Phụ nữ các cấp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã luôn sát cánh cùng NHCSXH thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, giúp các gia đình hội viên phụ nữ nghèo tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nguồn vốn ưu đãi.
Phụ nữ đồng bào dân tộc Tà Ôi, xã A Đớt huyện A Lưới được vay vốn ưu đãi phát triển nghề dệt vải thổ cẩm làm trang phục truyền thống

Phụ nữ đồng bào dân tộc Tà Ôi, xã A Đớt huyện A Lưới được vay vốn ưu đãi phát triển nghề dệt vải thổ cẩm làm trang phục truyền thống

Các cấp Hội Phụ nữ tích cực tham gia cùng với chính quyền, đoàn thể tại địa bàn xác định đúng đối tượng có đủ điều kiện vay vốn theo từng chương trình tín dụng, lồng ghép với việc tuyên truyền chủ trương, chính sách mới về tín dụng chính sách, với các nội dung sinh hoạt của hội.

Sự vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống của nhiều gia đình tại các làng quê từ thành phố đến miền núi Nam Đông - A Lưới có vai trò đóng góp của Hội Phụ nữ, trong đó, chị Nguyễn Thị Truyền, chủ cửa hàng tạp hóa tổ 11, phường Hương Long, TP. Huế trước đây thường xuyên thiếu vốn, phải chạy đôn chạy đáo vay nóng chịu lãi suất cao để quay vòng buôn bán. “lắm lúc lời lãi bán được chỉ đủ trả tiền lãi vay nóng ở bên ngoài, cuộc sống không khá lên được”, chị Tuyền tâm sự. Từ năm 2010 đến nay, chị được Hội Phụ nữ phường tạo điều kiện vay 20 triệu đồng, do vậy công việc buôn bán của chị thuận lợi hơn nhiều. Nhờ đồng vốn ưu đãi tiếp sức, chị đã mở cửa hàng với nhiều mặt hàng phong phú đa dạng. Chị Tuyền cho hay: “vốn ưu đãi như một đòn bẩy, tạo đà để chúng tôi phát triển kinh tế gia đình, giảm khó khăn nhọc nhằn rất nhiều”.

Chị Võ Thị Phúc. Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hương Long cho biết: Hiện nay, phường đang quản lý vốn uỷ thác từ NHCSXH trên 8 tỷ đồng, với hơn 800 hộ vay từ  5 - 20 triệu đồng/hộ. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Cũng theo chị Phúc, với lãi suất thấp và thời hạn vay lên đến 60 tháng, nguồn vốn thực sự là nguồn lực hỗ trợ rất lớn cho phụ nữ nghèo. “Số tiền mà NHCSXH cho vay tuy không nhiều nhưng chị em biết tính toán làm ăn có kế hoạch để phát triển dần từng bước chắc chắn còn hơn có người đầu tư vốn lớn ngay lúc đầu mà gặp thất bại là coi như trắng tay”, chị Phúc nói.

Việc Hội Phụ nữ các cấp ở tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả rõ rệt. Đã giúp hàng nghìn hội viên chủ động về nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và là “bà đỡ mát tay” để xuất hiện nhiều mô hình, điển hình phát triển kinh tế gia đình do phụ nữ làm chủ. Đó là mô hình phụ nữ trồng rau sạch, rau mầm và trang trại gà thịt, gà đẻ trứng ở thị trấn Sịa, các xã Quảng Thành, Quảng Phước, huyện Quảng Điền; hay như mô hình trồng nấm rơm của phụ nữ xã Phú Lương huyện Phú Vang; mô hình trồng măng, chăm sóc rừng keo và trại chăn nuôi lợn siêu lạc bán công nghiệp của phụ nữ dân tộc Cà Tu, Vân Kiều ở huyện miền núi Nam Đông, A Lưới.

Cùng với thực hiện tốt công tác uỷ thác vay vốn ưu đãi, Hội Phụ nữ các cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hội viên nhằm mục đích nâng cao chất lượng tín dụng. Một số trường hợp chị em vay vốn gặp rủi ro, Hội Phụ nữ còn vận động mọi thành viên trong Tổ TK&VV giúp đỡ để trả nợ, nộp lãi đúng đầy đủ. Những trường hợp có biểu hiện chầy ỳ, khó đòi, cán bộ hội đã kiên trì vận động để đảm bảo thu hồi nợ đầy đủ. Song song đó còn coi trong công tác hướng dẫn hội viên lồng ghép việc sử dụng vốn ưu đãi với việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời mở các lớp tập huấn hướng dẫn về khởi sự doanh nghiệp, cung cấp những thông tin về thị trường, về những chính sách mới của tín dụng ưu đãi nhằm giúp chị em nâng cao nhận thức, kiến thức, vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống.

Bài và ảnh Diệu Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác