Nghệ An xóa “trắng” Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở Đoàn

26/08/2014
(VBSP News) Đến thời điểm này vẫn còn 120/480 xã, phường, thị trấn, Đoàn Thanh niên ở Nghệ An không được quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV), chiếm hơn 30% tổ chức Đoàn cơ sở. Xoá cơ sở đoàn “trắng” Tổ TK&VV không những giúp tổ chức Đoàn có quỹ hoạt động mà điều đặc biệt quan trọng là khẳng định vai trò, vị trí của đoàn viên thanh niên trong công cuộc giảm nghèo.
Mô hình trang trại VACR của đoàn viên Vũ Văn Giáp ở xóm 2, xã Nghĩa Bình, Tân Kỳ (Nghệ An)

Mô hình trang trại VACR của đoàn viên Vũ Văn Giáp ở xóm 2, xã Nghĩa Bình, Tân Kỳ (Nghệ An)

“Bà đỡ” cho thanh niên lập nghiệp

Học xong phổ thông, Vũ Văn Giáp ở xóm 2, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đăng ký học nghề thú y tại Nghĩa Đàn 3 tháng. Ra trường với ước mơ được làm giàu trên mảnh đất vườn đồi của gia đình, Giáp đã làm đơn xin được hỗ trợ nguồn vốn vay từ NHCSXH. Em đã được tổ chức Đoàn góp “tiếng nói” để được bình xét vay 30 triệu đồng từ chương trình giảm nghèo của NHCSXH. Từ nguồn vốn đó, Giáp đã gây dựng dần, đến nay có đàn lợn với hơn 50 con lợn thịt và 5 con lợn nái; đàn gà hơn 300 con; phần diện tích hơn 4ha vườn đồi Giáp đã cùng gia đình trồng keo, sắn và đã thu hoạch được vụ đầu tiên cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Giáp tâm sự: “Nhờ có tổ chức Đoàn nên em được tiếp cận nguồn vốn để thực hiện ước mơ của mình”.

Tại xã Nghĩa Bình, từ chỗ nhận thấy tình trạng đoàn viên thanh niên thiếu vốn làm ăn, đất đai hoang hoá, rồi lần lượt thanh niên tha phương tìm việc làm nên Ban chấp hành Đoàn xã đã đề xuất được vay vốn từ nguồn vốn vay của NHCSXH, đặc biệt là từ chương trình giải quyết việc làm. Anh Lê Ngọc Anh - Bí thư Đoàn xã cho biết: “Thời điểm ấy Đoàn cơ sở không có kinh phí để hoạt động, thanh niên lại chẳng có tiếng nói gì để được tiếp cận với nguồn vốn vay, thế nên tôi đã đề xuất và trình bày những bất cập đó trước cấp ủy và Ban giảm nghèo, đồng thời thương thảo với các tổ chức hội, đoàn thể khác để họ hiểu và ủng hộ”. Kết quả là Đoàn được tin tưởng và được quản lý Tổ TK&VV tại xóm 2. Hiện nay, tổ hoạt động hiệu quả với dư nợ lên tới 1 tỷ đồng cho 42 hộ vay vốn. Từ nguồn vốn vay đó, đoàn viên thanh niên đã xây dựng được 7 mô hình trang trại, gia trại VACR, cho thu nhập bình quân mỗi mô hình từ 50 - 200 triệu đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động. Tại huyện Tân Kỳ, Đoàn Thanh niên quản lý 27 Tổ TK&VV với dư nợ đến 31/7/2014 là 23.238 triệu đồng, trong đó nguồn vốn vay xuất khẩu lao động trên 1,2 tỷ đồng với 90% đối tượng được thụ hưởng là thanh niên trên địa bàn. Từ nguồn vốn ủy thác của NHCSXH cho các tổ chức hội, đã có 100 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập từ 50 - 200 triệu đồng/năm.

Cũng bắt nguồn từ việc nhằm tạo nguồn quỹ để Đoàn hoạt động, Đoàn xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn đã đề xuất lên cấp ủy và Ban giảm nghèo được quản lý ít nhất 2 Tổ TK&VV. Qua quá trình quản lý tổ, cán bộ Đoàn xã đã chứng tỏ được năng lực quản lý vốn và tăng được số dư sau mỗi năm. Đến năm 2013, Đoàn xã Lĩnh Sơn là đơn vị được tuyên dương trong việc quản lý nguồn vốn ủy thác với 5 Tổ TK&VV. Dư nợ hiện nay lên tới 5,5 tỷ đồng. Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Cũng nhờ được quản lý các Tổ TK&VV mà hiện trên địa bàn Lĩnh Sơn có 12 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi cho thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 3 - 10 lao động với thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả thì quan trọng là tạo được niềm tin đối với cấp ủy, được nhân dân và đoàn viên thanh niên tin tưởng và vì thế phong trào Đoàn trên địa bàn cũng phát triển hơn”.

Như vậy, cùng với việc xây dựng được những kế hoạch trong việc phát triển nguồn vốn vay, tổ chức Đoàn nơi được quản lý các Tổ TK&VV không những đã tự xây dựng được nguồn quỹ để tổ chức các hoạt động Đoàn, mà còn giúp thanh niên trên địa bàn tiếp cận được các chương trình vay vốn. Tại những địa bàn Đoàn Thanh niên được quản lý các Tổ TK&VV, phong trào Đoàn có những bước tiến rõ rệt, tỷ lệ tập hợp thanh niên cũng tăng lên và có nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Xóa “trắng” Tổ TK&VV

Dù được đánh giá là địa bàn có nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay của NHCSXH, nhưng trên địa bàn huyện Tân Kỳ vẫn còn 6 xã “trắng” Tổ TK&VV do Đoàn quản lý. Ví như tại xã Tân Xuân, Đoàn xã chưa được quản lý tổ nào. Ông Lê Hồng Văn - Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban giảm nghèo xã cho biết: “Thực tế đoàn viên thanh niên ở xã rất ít, hầu như đi làm ăn xa, có chi đoàn chỉ có Ban chấp hành mà không có đoàn viên. Mấy năm lại nay không có đoàn viên nào có nhu cầu vay vốn. Hơn nữa, với nhu cầu quản lý để có kinh phí hoạt động từ nguồn hoa hồng ủy thác thì bản thân tổ chức Đoàn cũng không thấy có đề xuất. Tuy nhiên, khi nhận được ý kiến của Huyện đoàn, chúng tôi cũng đã yêu cầu Đoàn xã làm tờ trình, lập kế hoạch để bàn bạc với cấp ủy và các tổ chức hội, đoàn thể khác có phương án bàn giao cho Đoàn một vài tổ”. Khi được hỏi về nguyện vọng, anh Trương Văn Hải vừa mới giữ chức vụ Bí thư Đoàn xã, cho biết: “Đoàn xã Tân Xuân cũng rất mong muốn được quản lý một vài Tổ TK&VV, thứ nhất là để có kinh phí hoạt động từ nguồn hoa hồng ủy thác, thứ hai là để tạo được uy tín với đoàn viên thanh niên trên địa bàn. Trước thực trạng đoàn viên đi làm ăn xa nhiều, cần phải có nguồn vốn vay để động viên khích lệ họ ở lại quê hương làm ăn”.

Cũng là địa bàn mà tổ chức Đoàn chưa được quản lý Tổ TK&VV nào, nhưng khác với xã Tân Xuân, xã Phú Sơn lại kém mặn mà với nguồn vốn chính sách này. Quan điểm của anh Trần Ngọc Kỷ - Bí thư Đoàn xã Phú Sơn: “Việc quản lý vốn vay cũng không mang lại nhiều lợi thế cho đoàn viên thanh niên, vì thực tế nếu thanh niên muốn được vay vốn thì có thể vay bất cứ ở tổ chức nào miễn là phù hợp với điều kiện dành cho đối tượng được vay, còn nói về việc được hưởng lợi từ nguồn phí ủy thác thì cũng không đáng bao nhiêu. Những Tổ TK&VV mà Đoàn xã được các tổ chức hội khác nhượng lại đều có nhiều khoản nợ khó đòi nên chúng tôi cũng không có nhu cầu được quản lý các tổ này”.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 120/480 xã, phường, thị trấn mà Đoàn Thanh niên không được quản lý các Tổ TK&VV. Nhiều huyện còn nhiều xã trắng Tổ TK&VV do tổ chức Đoàn quản lý. Đơn cử như Con Cuông, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Quế Phong… Đặc biệt, tại Thành đoàn Vinh cũng có 25 phường, xã trực thuộc thì mới chỉ duy nhất Đoàn xã Nghi Đức được quản lý Tổ TK&VV. 24 phường, xã còn lại trên địa bàn thành phố trắng cơ sở Đoàn quản lý tổ. Theo số liệu từ NHCSXH tỉnh Nghệ An, tính đến 31/7/2014, Đoàn Thanh niên quản lý 849 Tổ TK&VV với số dự nợ trên 641 tỷ đồng, trong khi đó Hội Nông dân quản lý 2.631 tổ, với số dự nợ 1.965 tỷ đồng, Hội Phụ nữ quản lý 2.914 tổ với số dư nợ 2.322 tỷ đồng, Hội CCB quản lý 1.725 tổ với số dư nợ 1.259 tỷ triệu đồng.

Nguyên nhân là do lực lượng cán bộ Đoàn thường xuyên biến động, có những nơi nay bổ nhiệm, mai đã đi làm ăn xa, nên Ban giảm nghèo cấp ủy các xã còn e ngại trong việc bàn giao Tổ TK&VV cho tổ chức Đoàn quản lý. Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết: “Để tổ chức Đoàn được quản lý nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, từ đó tạo cơ hội nhiều hơn cho hội viên của mình tiếp cận nguồn vốn, tổ chức Đoàn cần phải quản lý tốt nguồn vốn được giao. Nơi nào chưa được quản lý Tổ TK&VV, cán bộ Đoàn phải trực tiếp có đề xuất tham mưu lên cấp ủy, chính quyền, Ban giảm nghèo. Đồng thời cũng phải xây dựng được những mô hình thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương, từ đó mới tạo được niềm tin đối với cấp ủy, chính quyền”.

Bài và ảnh Thanh Nga

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác