Tín dụng chính sách giúp làng nghề truyền thống phát triển
Tạo việc làm cho lao động địa phương
Gia đình ông Trần Công Tiến ở khu phố 5, thị trấn Hòa Vinh là một trong những hộ sử dụng vốn vay phát triển làng nghề hiệu quả. Năm 2012, ông Tiến vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Đông Hòa, cộng thêm vốn tự có, để làm trại phơi gốm và xây lò nung. Từ ngày được mở rộng, cơ sở làm gốm của gia đình ông Tiến giải quyết việc làm cho 10 lao động với mức lương khoán sản phẩm khoảng 100.000 đồng/người/ngày. Ông Tiến cho biết: “Cả làng có hơn 30 hộ làm gốm nhưng chỉ vài hộ có lò nung. Vì vậy, ngoài việc tự làm gốm thành phẩm, tôi còn thu mua gốm “sống” (chưa nung) của người dân trong vùng về nung rồi bỏ mối cho khách hàng quen. Hiện cơ sở của gia đình tôi sản xuất bọng giếng, âu, chậu, bếp lò, vò nước, ấm đất, nồi đất,… phân phối ở thị trường các tỉnh: Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa và các địa phương trong tỉnh”.
Cũng vay vốn ưu đãi để phát triển nghề gốm nhưng gia đình bà Trần Thị Chiên ở khu phố 5, thị trấn Hòa Vinh đầu tư vào dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ. Ngoài các sản phẩm truyền thống như bếp lò, chậu trồng lan, âu,… hiện bà Chiên còn làm lục bình, đèn ngủ ốp tường, đôn chậu cảnh, đồ trang trí, tượng… bằng gốm. “Làm gốm mỹ nghệ tuy mất công sức, mất thời gian nhưng tốn ít đất và có giá trị cao gấp 10 lần gốm truyền thống. Vì vậy, nếu được hỗ trợ tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm, trong tương lai, dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ sẽ đem lại thu nhập đáng kể cho người làm nghề”, bà Chiên chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan ở thôn Phước Lộc 1, xã Hòa Thành thì vay vốn phát triển nghề làm đậu phụ. Tháng 11/2013, bà Lan vay 20 triệu đồng để sửa lò, mua thêm dụng cụ và nguyên liệu làm đậu. Hiện cơ sở của gia đình bà Lan có 3 lò, ngày bình thường chế biến 2 tạ đậu phụ, đến ngày rằm hoặc đầu tháng có thể làm được từ 20 đến 30 tạ đậu phụ. Bà Lan cho biết: Hiện giá đậu nành, nước muối để làm đậu và trấu để đốt lò ngày càng tăng nhưng giá đậu không thể tăng thêm nên lợi nhuận mang lại từ việc bán đậu phụ không nhiều như trước. Tuy nhiên, làm nghề này có thể tận dụng các sản phẩm phụ như nước đậu, xác đậu… để bán và nuôi gia súc nên mang lại giá trị cao. Hiện mỗi ngày, ngoài người trong gia đình, bà Lan còn thuê thêm 4 lao động tính công nhật 100.000 đồng/người/ngày. Đến ngày rằm, đầu tháng, bà thuê thêm 2 lao động nữa và trả tiền công 200.000 đồng/người/ngày.
Tiếp tục cho vay khi có dự án
Theo Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đông Hòa Nguyễn Ngọc Huy, từ năm 2012 đến nay, đơn vị cho vay 3 dự án phát triển làng nghề với tổng dư nợ 1,17 tỷ đồng. Trong đó, 20 hộ ở thị trấn Hòa Hiệp Trung vay 400 triệu đồng để chế biến cá cơm trụng, 14 hộ ở xã Hòa Thành vay 270 triệu đồng phát triển làng nghề chế biến đậu phụ, 33 hộ ở thị trấn Hòa Vinh vay 500 triệu đồng phát triển làng nghề gốm truyền thống. Ngoài giải quyết việc làm cho lao động hiện có, các dự án này còn thu hút thêm hơn 100 lao động địa phương, chủ yếu là lao động nữ. Qua kiểm tra, vốn vay được sử dụng đúng mục đích, tạo nguồn thu ổn định cho những gia đình tham gia dự án; đồng thời giúp khôi phục, phát triển những làng nghề truyền thống đang dần bị mai một ở huyện Đông Hòa…
Bà Trần Thị Chiên chia sẻ: “Trước đây, vì thiếu tiền nên chúng tôi thường làm trại tạm bợ, lợp mái trại bằng tôn mỏng. Mỗi mùa mưa bão hay chỉ cần có gió mạnh là trại bị tốc mái, chúng tôi tốn tiền sửa chữa đã đành, còn không có chỗ làm gốm, phơi sản phẩm. Khi được vay vốn ngân hàng, phần lớn người trong làng nghề dùng tiền đầu tư “phần cứng” như dựng trại, xây lò… Đến hạn trả nợ, chúng tôi mong muốn ngân hàng cho vay mới để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề”. Bà Nguyễn Thị Kim Lan cũng đề nghị được vay lại vốn khi dự án kết thúc, vì theo bà Lan: Người dân cần vốn để quay vòng làm ăn, mua nguyên vật liệu dự trữ để tránh bị thương lái ép giá.
Liên quan đến vấn đề này, ông Huy cho biết thêm: Thời gian tới, NHCSXH huyện Đông Hòa tiếp tục tuyên truyền, thông báo rộng rãi đến người dân ở các xã, thị trấn có nhu cầu vay vốn. Ngân hàng cũng phối hợp với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể nơi có làng nghề để vận động, hướng dẫn người dân thành lập dự án và nhóm vay, trình tỉnh xét duyệt cho vay. Khi các dự án kết thúc, làng nghề được duy trì thì địa phương tiếp tục lập dự án để tỉnh xem xét cho vay lại; nếu không, hộ nào có nhu cầu, NHCSXH huyện Đông Hòa sẽ thẩm định, cho vay vốn theo chương trình tín dụng giải quyết việc làm.
Bài và ảnh Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Intellect Core Banking - nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
- » Hiệu quả từ cho vay NS&VSMTNT ở Khánh Hòa
- » Điểm tựa vững chắc để làm giàu
- » Tăng mức vay - thêm cơ hội thoát nghèo bền vững
- » Hiệu quả chương trình 30a ở Như Xuân
- » Nghệ An xóa “trắng” Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở Đoàn
- » Khánh Hòa cho hộ cận nghèo vay vốn
- » Đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân ở Bắc Giang
- » Mang no ấm về vùng sâu