Đoàn Thanh niên huyện Tân Kỳ với quản lý vốn chính sách uỷ thác

05/09/2014
(VBSP News) Tân Kỳ là một huyện miền núi nghèo nằm về phía tây tỉnh Nghệ An, nên công tác giảm nghèo luôn được các cấp, các ngành trong và ngoài huyện quan tâm, trong đó có các chương trình tín dụng ưu đãi từ NHCSXH. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn vào phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhiều mô hình kinh tế, không những thoát được nghèo, ổn định cuộc sống mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu.
Vốn NHCSXH tiếp sức cho nhiều thanh niên tại huyện Tân Kỳ phát triển chăn nuôi, thực hiện ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương

Vốn NHCSXH tiếp sức cho nhiều thanh niên tại huyện Tân Kỳ phát triển chăn nuôi, thực hiện ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương

Chỉ tính riêng việc cho vay hộ nghèo, đến nay NHCSXH huyện Tân Kỳ đã giải quyết cho trên 28 nghìn lượt hộ được vay vốn số tiền hơn 94,8 tỷ đồng, chiếm hơn 38% tổng dư nợ, đứng ở vị trí cao nhất của 9 chương trình tín dụng ưu đãi.

NHCSXH huyện đã thực hiện phương châm cho vay “công khai, dân chủ, đúng địa chỉ, an toàn, hiệu quả”, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, đẩy mạnh công tác uỷ thác với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Đề án xóa cơ sở Đoàn thanh niên “trắng” về Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng đang được NHCSXH và huyện Đoàn Tân Kỳ triển khai thu kết quả là giúp tổ chức đoàn có quỹ hoạt động và khẳng định vai trò, vị trí của đoàn viên thanh niên trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ở khu vực nông thôn.

Tại xã Nghĩa Bình, từ chỗ nhận thấy tình trạng đoàn viên thanh niên thiếu vốn làm ăn, đất trống đồi trọc còn nhiều, rồi lần lượt thanh niên rời bỏ quê hương, đồng ruộng ra thành phố tìm việc làm nên Ban chấp hành Đoàn xã đã đề xuất được tiếp cận tới nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, anh Lê Ngọc Anh, Bí thư Đoàn xã cho hay: “Thời điểm ấy Đoàn cơ sở không có kinh phí để hoạt động, thanh niên lại chẳng có tiếng nói gì để được xếp vào đội hình vay vốn chính sách, do vậy Ban chấp hành Đoàn xã chúng tôi họp bàn, mạnh dạn đề xuất và trình bày những bất cập đó trước cấp uỷ, chính quyền địa phương, đồng thời thương thảo với các tổ chức hội, đoàn thể khác để họ hiểu và ủng hộ Đoàn thanh niên”. Kết quả là Đoàn được tin tưởng và được NHCSXH giúp đỡ, xây dựng, quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động rất hiệu quả, đạt dư nợ trên 1 tỷ đồng với 42 đoàn viên vay vốn. Từ nguồn vốn vay đó, đoàn viên, thanh niên xây dựng được 7 mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp vườn, ao, chuồng, rừng (VACR) cho thu nhập bình quân mỗi mô hình từ 50 - 200 triệu đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Tiêu biểu có anh Vũ Văn Giáp ở xóm 2, sau khi học nghề thú y đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng của NHCSXH đầu tư chăn nuôi và trồng rừng. Nhờ chăm sóc tốt cây trồng, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và biết cách sử dụng vốn vay nên anh Giáp đã có đàn lợn thịt 50 con, đàn gà đẻ trứng hơn 300 con và 4ha đồi keo xanh tốt. “Nhờ có tổ chức Đoàn mà tôi được tiếp cận dễ dàng tới nguồn vốn vay của NHCSXH để thực hiện ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương”.

Cũng bắt nguồn từ việc nhằm tạo nguồn quỹ để Đoàn thanh niên hoạt động, Đoàn xã Tân Xuân đã đề xuất lên cấp uỷ và Ban giảm nghèo được quản lý từ 2 đến 3 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Anh Trương Văn Hải, Bí thư Đoàn xã cho biết: “Mục đích của Đoàn xã là được trực tiếp quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, để có kinh phí hoạt động từ nguồn hoa hồng uỷ thác, sau là tạo uy tín với đoàn viên, thanh niên trên địa bàn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, Đoàn Thanh niên huyện Tân Kỳ đang quản lý 33 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ uỷ thác với NHCSXH là 25 tỷ đồng và 90% đối tượng được thụ hưởng là thanh niên nông thôn. Từ nguồn vốn ủy thác của NHCSXH cho các tổ chức hội, đoàn thể, đã có 100 mô hình thanh niên phát triển kinh tế đạt mức thu nhập từ 50 đến 200 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Tân Kỳ vẫn còn 6 xã “trắng” Tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn quản lý. Nguyên nhân của tình trạng này là số đoàn viên, thanh niên ở những xã đó rất ít. Hơn nữa, với nhu cầu quản lý để có kinh phí hoạt động từ nguồn hoa hồng uỷ thác thì tổ chức Đoàn cơ sở không có ý kiến đề xuất và lực lượng cán bộ Đoàn thường xuyên biến động nên Ban giảm nghèo, cấp uỷ địa phương cũng còn e ngại trong việc giao cho tổ chức thanh niên quản lý. Ông Trần Khắc Hùng, Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An cho biết: “Để tổ chức Đoàn tham gia quản lý tốt nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước từ đó tạo cơ hội cho hội viên của mình tiếp cận nguồn vốn, tổ chức Đoàn phải đề xuất tham mưu lên cấp uỷ, chính quyền, Ban giảm nghèo tại xã, đồng thời tiến hành xây dựng những mô hình thanh niên phát triển kinh tế, từ đó mới tạo được niềm tin tới lãnh đạo địa phương và NHCSXH huyện”.

Bài và ảnh Lê Diệu Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác