Góp sức tạo đà chuyển động ở một tỉnh đặc biệt khó khăn

09/09/2014
(VBSP News) Là 1 tỉnh vùng cao biên giới của núi rừng Tây Bắc với 110/130 xã đặc biệt khó khăn, nên Điện Biên đã và đang được Nhà nước ưu tiên đầu tư trên mọi phương diện, trong đó có 11 chương trình tín dụng ưu đãi được NHCSXH phối hợp chặt chẽ với các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể chung tay góp sức chuyển tải nhanh chóng đồng vốn chính sách đến tận tay các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, để hỗ trợ họ có nguồn lực phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Vốn chính sách đã kịp thời đến tận tay các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại tỉnh Điện Biên

Vốn chính sách đã kịp thời đến tận tay các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại tỉnh Điện Biên

Tính đến nay, doanh số cho vay gần 3.050 tỷ đồng, doanh số thu nợ trên 1.520 tỷ đồng, tổng dư nợ trên đạt 1.590 tỷ đồng, chiếm 20,4% tổng vốn đầu tư tín dụng toàn tỉnh 1.590/7.800 tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ thực hiện hiệu quả công tác uỷ thác cho vay vốn ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể và 2.149 Tổ tiết kiệm và vay vốn, việc cho vay hô nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã trở thành chương trình tín dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động suốt 11 năm qua của NHCSXH tỉnh Điện Biên. Cụ thể đã có 54.610 hộ thuộc đối tượng trên được vay vốn, trong đó có đến 11 nghìn hộ thoát nghèo, 43 nghìn hộ được cải thiện cuộc sống chuyển biến hiểu biết và cách thức làm ăn.

Đơn cử ở huyện Điện Biên có gia đình anh Lò Văn Xương, diện tộc Thái thôn Đồng Hịa, xã Thanh An đã vay 30 triệu từ chương trình hộ nghèo đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản, đào ao lập trang trại tổng hợp VAC khép kín. Chỉ sau 2 năm, gia đình anh Xương đã trả hết nợ, lại có vốn tiếp tục chăn nuôi trâu bò thương phẩm, thoát nghèo bền vững.

Còn anh Đặng Văn Chiến ở đội số 8 xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cách đây không lâu không được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi bởi không phải hộ nghèo mà chỉ là hộ cận nghèo. May sao giữa năm 2013, NHCSXH triển khai chương trình cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, thế là anh được xét duyệt vay ngay đợt đầu tiên với số tiền 30 triệu đồng để mua trâu cày kéo. Sau hơn 1 năm, đồng vốn sinh sôi, gia đình anh thu nhập từ chăn nuôi, ruộng nương khấm khá hẳn, đời sống được cải thiện rõ rệt.

Hội viên Cựu chiến binh ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn phục vụ chăn nuôi

Hội viên Cựu chiến binh ở xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn phục vụ chăn nuôi

Cũng từ vốn vay của NHCSXH, ông Bùi Sỹ Cảnh, Cựu chiến binh ở xã Pom Lót, được tiếp sức, khởi nghiệp bằng nghề thu gom nông sản tại các bản làng xa xôi về bán cho các đại lý ở thị trấn huyện Điện Biên. Làm ăn có lãi, ông Cảnh dành dụm vốn phát triển kinh tế theo hướng kinh doanh tổng hợp các mặt hàng nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, đồ gỗ nội thất… mỗi năm thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Học tập đồng đội, Cựu chiến binh Vi Văn Phú xã San Mún cùng huyện Điện Biên đã sử dụng 30 triệu đồng vay của NHCSXH đào ao nuôi cá trên núi và khoanh nuôi trồng 15ha rừng nguyên liệu giấy kết hợp trồng cây ăn quả như nhãn, xoài, hồng. Ông là gương sáng trong phong trào giúp nhau giảm nghèo làm kinh tế giỏi của tỉnh Điện Biên.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, Dương Ngọc Thế, cho hay: Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang quản lý 427 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ trên 337 tỷ đồng vốn ủy thác của NHCSXH. Chính nguồn vốn ưu đãi này đã tạo điều kiện giúp hàng nghìn hộ hội viên từng ngày vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống mới. Hội tiếp tục thực hiện công tác ủy thác, phối hợp chặt chẽ mọi hoạt động với việc vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn vay với việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế; đẩy mạnh phong trào Cựu chiến binh giúp nhau xóa nghèo, làm kinh tế giỏi.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác