Hộ cận nghèo ở Sóc Trăng được tiếp sức

29/09/2014
(VBSP News) Sau hơn 1 năm cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đã tiếp sức cho hàng nghìn hộ cận nghèo trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên ổn định đời sống.
Hộ cận nghèo ở Sóc Trăng vay vốn nuôi bò sữa

Hộ cận nghèo ở Sóc Trăng vay vốn nuôi bò sữa

Niềm vui vẫn còn nguyên vẹn trên gương mặt của bà Trần Thị Ươl, ngụ ấp Tiếp Nhựt, xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) - một nông dân thuộc hộ cận nghèo suốt đời lam lũ chật vật kiếm sống dù tuổi đã ngoài 50. Quanh năm, vợ chồng bà Ươl chỉ dựa vào 3 công đất ruộng và luôn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuối cùng cuộc sống của gia đình bà vẫn “chạy ăn từng bữa”. Trao đổi với chúng tôi, với chất giọng “cưng cứng” của người dân tộc Khmer, bà Ươl kể: “Vừa rồi, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng hộ cận nghèo. Hôm nhận tiền, tôi mừng muốn khóc. Có được vốn trong tay, vợ chồng tôi quyết định mua 1 con bò sữa về nuôi để mong có được cuộc sống ổn định hơn. Từ khi nhận bò về nuôi đến nay nó khỏe mạnh không có biểu hiện dịch bệnh nào cả, cán bộ thú y thường xuyên xuống kiểm tra nên cũng yên tâm lắm”. Cùng chung tâm trạng đó, hộ chị Trần Thị Kim Thu, cũng ngụ ấp Tiếp Nhựt cũng không kém phần vui mừng khi được vay vốn. Nhờ 30 triệu đồng vay từ NHCSXH, vợ chồng chị Thu cũng mua 1 con bò sữa về nuôi. Ngoài việc đi làm thuê, làm mướn, giờ đây gia đình chị Thu có thêm nguồn thu nhập từ việc bán sữa bò. Theo tính toán của chị Thu, bình quân 1 con bò sẽ cho khoảng 14 lít sữa/ngày, với giá bán bình quân hơn 12.800 đồng/lít, tổng thu nhập gần 170.000 đồng/ngày.

Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo một “lối mở” cho hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Việc cho hộ cận nghèo vay vốn được xem xét phê duyệt trên cơ sở căn cứ vào kết quả đề nghị, bình xét của Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và xác nhận của UBND cấp xã. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay có hạn nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu của hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, một số tổ chức hội, đoàn thể, chính quyền cơ sở chưa thường xuyên quan tâm, tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và khuyến khích các hộ vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Đây cũng là một trong những khó khăn mà chi nhánh đang gặp phải.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Sóc Trăng Dương Đình Lạng, cho biết thêm: “Việc cho hộ cận nghèo vay vốn đã mang lại những hiệu quả tích cực. Để đồng vốn phát huy hiệu quả tối đa, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành tại địa phương trong việc định hướng cách làm kinh tế, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với từng địa phương. Thời gian tới, chi nhánh tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể và tăng cường giám sát quy trình bình xét cho vay bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng”.

Bài và ảnh Lưu Quang Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác