Phát triển bền vững từ lý thuyết đến thực tiễn tại NHCSXH (KỲ II: GIẢI PHÁP CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG)

26/09/2014
(VBSP News) Để phát triển bền vững NHCSXH trong giai đoạn hiện nay, củng cố vững chắc cho những năm tiếp theo, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của một TCTD Nhà nước cần triển khai một số giải pháp.
NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở các Điểm giao dịch xã, phường trong cả nước

NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở các Điểm giao dịch xã, phường trong cả nước

NHCSXH cần xây dựng hoàn thiện Chiến lược phát triển, trong đó, Chiến lược phát triển của NHCSXH với vai trò là bánh lái con thuyền, nếu không có bánh lái con thuyền sẽ chệch hướng, còn nếu có bánh lái và bánh lái đảm bảo kỹ thuật, người lái thuyền có trình độ chuyên môn tốt thì con thuyền sẽ đi trúng đích, đúng hoặc vượt trước thời gian dự định. Từ tầm quan trọng đó, NHCSXH cần xây dựng hoàn chỉnh các nội dung khoa học của Chiến lược phát triển cho mình.

Cần xác định đúng mục tiêu Chiến lược phát triển phù hợp với nhiệm vụ của Nhà nước giao: Mục tiêu về doanh số, quy mô hoạt động; mục tiêu mở rộng khách hàng được vay vốn ưu đãi đúng chính sách của Nhà nước; mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, phân tích đầy đủ cơ hội và nguy cơ, điểm mạnh và điểm yếu của bản thân ngân hàng để xây dựng nội dung Chiến lược phù hợp.

Xác lập các nội dung của Chiến lược phát triển: Chính sách huy động vốn, chính sách mở rộng và tăng trưởng hoạt động, chính sách nguồn nhân lực, chiến lược marketing… Triển khai Chiến lược và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chiến lược.

Tăng cường năng lực tài chính của NHCSXH. Năng lực tài chính của NHCSXH bao gồm các nguồn vốn và cơ cấu nguồn vốn hợp lý. Nhìn chung năng lực tài chính của NHCSXH hiện nay còn hạn chế và bất hợp lý, ảnh hưởng không tốt đến khả năng phát triển bền vững, đến khả năng mở rộng các dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Để nâng cao năng lực tài chính cho NHCSXH cần tập trung thực hiện một số công việc sau:

Thứ nhất, khai thác, tập trung tối đa mọi nguồn vốn mà NHCSXH được phép huy động mới có đủ nguồn vốn cho vay, đầu tư cho các đối tượng khách hàng theo nhiệm vụ của Nhà nước giao.

Hai là, các nguồn vốn NHCSXH huy động, tạo lập được, ngân sách Nhà nước cấp hoặc tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước cần có một cơ cấu hợp lý phù hợp với nhu cầu sử dụng trong từng giai đoạn.

Ba là, NHCSXH các địa phương nên xây dựng các chương trình, dự án phát triển phù hợp với điều kiện của địa phương để lấy nguồn từ ngân sách địa phương cho việc thực hiện các chương trình, dự án này.

Về nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động của NHCSXH. Với đặc trưng hoạt động và thực hiện nhiệm vụ cơ bản là cho vay đối với khách hàng thuộc diện chính sách ưu đãi của Nhà nước. Vốn vay ưu đãi có nguy cơ xảy ra rủi ro rất cao. Do vậy quản trị rủi ro và nâng cao năng lực quản trị rủi ro là hết sức cần thiết và là một cơ sở, nền tảng để phát triển bền vững NHCSXH trong điều kiện hiện nay. Nâng cao năng lực quản trị rủi ro cần thực hiện trên các nội dung sau.

Về phía các cơ quan tổ chức quản lý, giám sát NHCSXH cần xây dựng được hệ thống chỉ tiêu an toàn phù hợp với đặc trưng hoạt động của ngân hàng này làm cơ sở tiêu chuẩn an toàn hoạt động, trong phòng tránh rủi ro để NHCSXH xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát, phòng ngừa rủi ro cho bản thân mình.

Trong quản trị rủi ro cần đặc biệt quan tâm đến bước nhận diện những rủi ro tiềm ẩn và trên cơ sở đó cảnh báo rủi ro đến các bộ phận hoạt động nghiệp vụ. Thực hiện hiệu quả bước này sẽ giúp NHCSXH giảm thiểu được thiệt hại khi xảy ra rủi ro.

Xây dựng và tổ chức vận hành hệ thống quản trị rủi ro hiệu lực, hiệu quả. Hệ thống quản trị rủi ro này phải đáp ứng một số yêu cầu:

Là một bộ phận chuyên trách trong cơ cấu tổ chức NHCSXH, trực thuộc trực tiếp Tổng Giám đốc. Hoạt động độc lập với các bộ phận nghiệp vụ của NHCSXH. Chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về công tác quản trị rủi ro, giám sát các bộ phận chuyên môn trong thực hiện các hoạt động. Có khả năng nhận diện, cảnh báo sớm các rủi ro, có sự liên hệ thường xuyên, mật thiết với hệ thống giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên.

Cần nâng cao vị thế và phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức tự định chế, nhất là Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trong việc hỗ trợ NHCSXH và các ngân hàng thành viên nâng cao năng lực nhận diện, phòng ngừa rủi ro. Hình thành nên các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp khả thi, phù hợp thông lệ Quốc tế để hạn chế rủi ro tác nghiệp trong hoạt động của đội ngũ nhân viên ngân hàng.

Nguồn nhân lực tại NHCSXH cần được chú trọng nâng cao. Nhân lực phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ nói riêng và nhân lực phục vụ cho sự phát triển của NHCSXH nói chung trong thời gian qua có nhiều tiến bộ tích cực. Tuy nhiên so với yêu cầu của nền kinh tế là phát triển bền vững NHCSXH thì còn nhiều hạn chế, đòi hỏi NHCSXH cần chủ động và có sự phối hợp với các trường Đại học mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng, nhất là các lớp chuyên sâu cho NHCSXH.

NHCSXH cần tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo nước ngoài ở khu vực và thế giới để xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Cần xây dựng cơ chế nhằm thúc đẩy hình thành Quỹ hỗ trợ đào tạo cho NHCSXH. Quỹ kinh phí này được thành lập trên cơ sở nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.

Trong đào tạo không chỉ quan tâm đến năng lực chuyên môn cần tập trung một dung lượng thời gian cũng như kiến thức đủ lớn để đào tạo, kiểm tra về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động nghiệp vụ tại NHCSXH.

Quan tâm đúng mức đến hoạt động đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của NHCSXH

Hoạt động của NHCSXH là giao dịch với các khách hàng, NHNN, Bộ Tài chính… phải được thực hiện trên một hệ thống kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tiên tiến và tương thích. Để nâng cao trình độ kỹ thuật, năng lực công nghệ cho NHCSXH cần thực hiện một số biện pháp sau.

Về phía NHCSXH cần xác định kỹ thuật công nghệ chính là một nhân tố ảnh hưởng, quyết định đến năng lực cung cấp dịch vụ, phát triển khách hàng. Cần dành một bộ phận nguồn lực tài chính đầy đủ, kịp thời để đầu tư nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ của NHCSXH.

Việc đầu tư nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ phục vụ cho hoạt động giao dịch cần đảm bảo giúp cho khách hàng tiếp cận các dịch vụ một cách thuận lợi, đơn giản nhất trong điều kiện bảo mật cao, đảm bảo tương thích với hệ thống giao dịch với các tổ chức có liên quan.

Về phía NHNN và Bộ Tài chính cần quy định mức đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ trong hoạt động NHCSXH phù hợp với nhiệm vụ phát triển từng giai đoạn.

Xây dựng chính sách khách hàng phù hợp. Bởi khách hàng là nhân tố quyết định hàng đầu trong hoạt động của NHCSXH. Do vậy, NHCSXH cần phải xây dựng chính sách khách hàng toàn diện, vừa giữ vững khách hàng truyền thống, vừa khai thác được các khách hàng tiềm năng. Chính sách khách hàng sẽ trở thành định hướng để NHCSXH triển khai các hoạt động của mình.

Phát triển bền vững NHCSXH là phát triển theo chiều sâu, phát triển một cách toàn diện từ khâu tổ chức đến giao dịch nghiệp vụ. Muốn phát triển bền vững đúng hướng cần nhận thức đầy đủ lý luận cơ bản, đánh giá rõ thực trạng phát triển để đề xuất giải pháp hợp lý cho việc triển khai trong thời gian tới.

PGS; TS. Đinh Xuân Hạng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác