“Bạn đồng hành” của người nghèo

25/09/2014
(VBSP News) Thời gian qua, NHCSXH huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã có nhiều cố gắng triển khai các nhiệm vụ được giao, thực hiện hiệu quả vai trò là công cụ giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, giảm nghèo, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Cùng với nguồn vốn ngân hàng, đồng bào dân tộc ở huyện Mù Cang Chải đã nâng cao trình độ thâm canh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Cùng với nguồn vốn ngân hàng, đồng bào dân tộc ở huyện Mù Cang Chải đã nâng cao trình độ thâm canh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, trừ thị trấn huyện còn cả 13 xã của huyện đều thuộc khu vực III với tổng số 126 thôn, bản, tổ dân phố. Toàn huyện có gần 54.300 người với 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 91%, dân tộc Thái chiếm 4,8%, còn lại là các dân tộc khác. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vào cuối năm 2013 còn 66,3%. Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác là vấn đề không đơn giản trong hoạt động ngân hàng nhưng để triển khai nguồn vốn ở một huyện đặc biệt khó khăn, chủ yếu đồng bào dân tộc sinh sống là vấn đề nan giải đối với NHCSXH.

Trình độ dân trí người dân còn hạn chế, nhiều người trong đối tượng vay vốn không biết chữ, việc tìm kiếm và “đào tạo” được các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hết sức khó khăn. Địa bàn cách trở, dân cư không tập trung, cá biệt xã Chế Tạo phải đi bộ vài ba tiếng đồng hồ trong điều kiện thời tiết tốt mới có thể đến trung tâm, tại đây chưa có mạng Internet nên ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của ngân hàng.

Triển khai nhiệm vụ được giao, NHCSXH đã tham mưu cho huyện củng cố, kiện toàn Ban đại diện HĐQT NHCSXH với 9 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Ban đại diện đã tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của HĐQT, chỉ đạo NHCSXH huyện phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, bảo đảm dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch NHCSXH tỉnh giao, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra giám sát tại các xã để hoạt động vay vốn hiệu quả và bền vững. Ngân hàng thường xuyên trao đổi với lãnh đạo các xã, thị trấn và các hội nhận ủy thác để triển khai các nhiệm vụ đề ra.

Ban giảm nghèo các xã đã làm tốt việc nắm bắt đời sống đồng bào, xét duyệt đúng đối tượng, danh sách người có nhu cầu vay vốn, bảo đảm thủ tục hồ sơ hợp pháp, hợp lệ. Các thôn, bản và Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tổ chức bình xét các hộ có nhu cầu vay vốn được tổ chức công khai tại thôn, bản, quá trình triển khai cho vay thực hiện theo đúng trình tự, tạo điều kiện người khó khăn hơn được ưu tiên vay trước. Hiện nay, ở 126 thôn, bản của huyện Mù Cang Chải đã duy trì 185 Tổ tiết kiệm và vay vốn, ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể.

Cùng với việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở và tổ chức ủy thác để có được những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phù hợp, gắn bó, làm việc có trách nhiệm, hàng năm, NHCSXH huyện đã tập huấn cho đội ngũ này bằng cách cầm tay chỉ việc, thông qua chuẩn bị các bài tập cụ thể đã giúp cho các Tổ trưởng biết kê biên, sử dụng biên lai và ghi sổ sách cũng như việc nhắc nhở, hướng dẫn đồng bào sử dụng vốn đúng mục đích, nộp lãi và gửi tiết kiệm, nâng cao nhận thức của đồng bào khi đã vay là có trả, bớt dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Đội ngũ chỉ có 7 cán bộ, nhân viên nên đi đôi các biện pháp nghiệp vụ, ngân hàng đã chú trọng việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các Nghị quyết, Quyết định liên quan đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định phải duy trì tốt việc giao dịch tại xã định kỳ mỗi tháng 1 lần. Tại các Điểm giao dịch đều có đầy đủ biển chỉ dẫn, biển hiệu, nội quy giao dịch, niêm yết các thông báo về chương trình cho vay, các văn bản chỉ đạo, đặc biệt là công khai danh sách hộ vay vốn giúp cho việc đối chiếu ở cơ sở được thuận lợi.

Cùng với tổ chức giao dịch, cán bộ tín dụng đã tập trung hướng dẫn lập hồ sơ cho vay theo kế hoạch, phối hợp với các Tổ tiết kiệm vay vốn ở các xã, chủ động đội ngũ và phương án giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn của đồng bào. Các phương tiện làm việc được trang bị để các tổ lưu động ứng dụng quy trình giao dịch trên hệ thống Internet của NHCSXH phục vụ tốt các đối tượng vay vốn. Công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ được tiến hành thường xuyên nên chất lượng tín dụng được nâng lên.

Trong 5 năm trở lại đây, đã có hàng chục ngàn lượt đồng bào dân tộc của huyện Mù Cang Chải được vay vốn ưu đãi. Tổng dư nợ hiện nay lên tới 118 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng đã triển khai cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, mỗi hộ được vay 8 triệu đồng.

Nguồn vốn ưu đãi đã giúp các hộ có thêm điều kiện học tập, đầu tư khai hoang, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, phát triển các mô hình kinh tế. Hiệu quả nguồn vốn này cùng với các chính sách hỗ trợ, chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 80,4% năm 2011 phấn đấu đạt khoảng 60,3% năm 2014.

Khắc phục khó khăn của địa bàn hoạt động, cùng những chuyển biến về tập quán sản xuất cũng như cách thức sử dụng đồng vốn vay của người dân nơi đây, NHCSXH phấn đấu là “người bạn đồng hành” của người nghèo giúp đồng bào vùng cao vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no.

Bài và ảnh Trần Quốc Việt - Minh Quang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác