Bài học kinh nghiệm về tổ chức cho vay Chương trình tín dụng HSSV

29/09/2014
(VBSP News) Với chủ trương tiếp tục tập trung nguồn lực cho việc đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, Chương trình tín dụng ưu đãi đối với HSSV chỉ thực sự trở thành chương trình tín dụng lớn và đi vào cuộc sống khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với HSSV thay thế Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg. Đây là một chính sách đúng đắn, thể hiện sự ưu việt của Đảng và Nhà nước ta và có ý nghĩa to lớn góp phần tạo sự bình đẳng về học tập trong xã hội, tạo cơ hội rộng mở cho con em các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thực hiện được ước mơ học tập của mình.
Sau 7 năm qua, Chương trình tín dụng HSSV đã giúp hàng triệu sinh viên nghèo hiếu học thực hiện ước mơ giảng đường

Sau 7 năm qua, Chương trình tín dụng HSSV đã giúp hàng triệu sinh viên nghèo hiếu học
thực hiện ước mơ giảng đường

Ngày 02/3/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg về việc lập Quỹ tín dụng đào tạo với mục đích cho vay lãi suất ưu đãi đối với HSSV đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề và chương trình tín dụng đối với HSSV được triển khai thực hiện từ đó. Tổng nguồn vốn cho vay của Quỹ là 160 tỷ đồng.

Ngày 18/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 107/2006/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV thay thế Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg với những thay đổi về chính sách và điều kiện vay vốn. Đối tượng vay vốn là HSSV có hoàn cảnh khó khăn (gồm HSSV là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo) đang học hệ chính quy tập trung tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề có thời gian đào tạo từ một năm trở lên. Phương thức cho vay thay đổi theo hướng chuyển cho vay trực tiếp đối với HSSV sang cho vay thông qua hộ gia đình HSSV. Chủ hộ gia đình là người trực tiếp nhận nợ và trả nợ, trả lãi cho ngân hàng. Mức cho vay là 300 nghìn đồng/tháng/HSSV. Sau hơn 7 năm tổ chức thực hiện, chương trình mới cho vay được gần 100 nghìn HSSV với tổng dư nợ là 290 tỷ đồng.

Đến nay chương trình đã có nhiều đổi mới về chính sách cũng như điều kiện vay vốn như: Đối tượng cho vay được mở rộng hơn, bao gồm HSSV là thành viên của hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề, không phân biệt loại hình đào tạo (công lập hay dân lập) và thời gian đào tạo trên 1 năm hay dưới 1 năm.

Mức cho vay được thay đổi 5 lần từ khi Quyết định 157/2007/QĐ-TTg có hiệu lực; mức cho vay tăng từ 800.000 đồng/tháng/HSSV (tháng 10/2007) lên 1.100.000 đồng/tháng/HSSV (tháng 7/2013); lãi suất cho vay là 0,6%/tháng (từ tháng 6/2014).

Phương thức cho vay được áp dụng thông qua hộ gia đình. Trường hợp HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, HSSV được trực tiếp vay vốn tại NHCSXH nơi nhà trường đóng trụ sở.

Ngoài những đặc điểm chung về tín dụng ưu đãi của Chính phủ, đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mà NHCSXH đang triển khai thực hiện cho vay các chương trình như ưu đãi về thủ tục, lãi suất, phương thức phục vụ… Chương trình tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn còn có những đặc điểm mang tính đặc thù riêng.

Thứ nhất, phương thức cho vay chủ yếu thông qua hộ gia đình (trừ HSSV mồ côi) nên người vay không phải là người trực tiếp sử dụng vốn vay.

Thứ hai, chương trình tín dụng chính sách có tính xã hội hóa rất cao, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương tham gia thực hiện từ việc tổ chức huy động vốn đến việc tổ chức cho vay, thu hồi nợ khi đến hạn.

Thứ ba, cho vay HSSV là cho vay tiêu dùng (vay để hỗ trợ chi phí cho việc nộp học phí, ăn, ở, đi lại, mua sắm dụng cụ học tập…). Mức cho vay cao hơn so với chương trình tín dụng khác mà không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Trong khi các chương trình tín dụng khác vay trên 30 triệu đồng thì phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Thứ tư, giải ngân nhiều lần theo từng kỳ học, mức cho vay được Chính phủ điều chỉnh phù hợp với giá cả thị trường, tình hình thực tế và mức học phí.

Thứ năm, lãi suất luôn theo hướng ưu đãi hơn so với một số chương trình khác. Trong thời gian đang theo học tại các trường cộng với một năm khi ra trường HSSV chưa phải trả nợ, trả lãi tiền vay, trường hợp người vay trả nợ trước hạn được giảm lãi.

Thứ sáu, đối tượng thụ hưởng chương trình được mở rộng, ngoài HSSV con em hộ nghèo còn có HSSV là con hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật, HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 121/2009/QĐ-TTg ngày 09/10/2009; Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó đối tượng thụ hưởng từ chương trình tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 157/2007 được bổ sung thêm đối tượng là bộ đội xuất ngũ và lao động nông thôn có nhu cầu vay vốn để học nghề.

Sau 7 năm triển khai, Chương trình tín dụng HSSV đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn rất đồng tình ủng hộ. Có thể khẳng định, đây là một chương trình tín dụng chính sách có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương cùng tham gia thực hiện từ khâu tạo lập, huy động nguồn vốn đến việc tổ chức cho vay, thu hồi và xử lý nợ. Chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế - xã hội trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đạt được kết quả trên, trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Chính phủ, chương trình đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả do nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ. Đặc biệt là nguồn vốn cho vay của chương trình đã được Thường trực Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành cân đối các nguồn ngân sách và các nguồn vốn khác để ưu tiên cho việc giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của HSSV trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, Ban đại diện HĐQT các cấp từ Trung ương đến địa phương trong quá trình thực hiện chương trình. Trong đó, Bộ Tài chính đã tích cực tham mưu cho Chính phủ cân đối, bố trí đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn hàng năm của HSSV, chủ động phối hợp với các Bộ ngành liên quan và NHCSXH tham mưu kịp thời cho Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức cho vay, lãi suất phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ khi chính sách học phí thay đổi, giá cả sinh hoạt biến động.

NHNN Việt Nam đã tích cực chỉ đạo các TCTD Nhà nước trong việc duy trì số dư tiền gửi 2% tại NHCSXH, tạo điều kiện bố trí kịp thời các nguồn vốn khác để NHCSXH có đủ vốn giải ngân theo kế hoạch, đặc biệt là những thời điểm khó khăn trong huy động vốn. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tích cực chỉ đạo các trường, các cơ sở đào tạo thuộc quyền quản lý thực hiện tốt việc xác nhận cho HSSV làm thủ tục vay vốn, ký cam kết trả nợ trước khi ra trường.

Các Bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã có sự phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình triển khai thực hiện chương trình tín dụng HSSV. Sự chỉ đạo tích cực, kịp thời của UBND các cấp, nhất là chính quyền cấp xã về chủ trương, chính sách cho vay đối với HSSV, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hạn chế tiêu cực và lợi dụng chính sách.

Sự tham gia tích cực của các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người vay và ngân hàng; đồng thời việc bình xét, xác nhận đối tượng, hướng dẫn thủ tục vay, đến việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ tiền vay khi đến hạn đã đảm bảo công khai, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách đồng thời thường xuyên tuyên truyền để người vay nâng cao ý thức, phát huy hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay.

Đến nay hộ vay đã ý thức được việc trả dần lãi, tăng cường gửi tiền kiết kiệm món nhỏ tại ngân hàng và hiểu được nhưng ưu đãi khi hộ vay trả nợ trước hạn, để góp phần bổ sung vào nguồn vốn cho vay quay vòng.

Thực hiện chỉ đạo tại Thông báo số 231/TB-VPCP ngày 31/8/2010 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về Chương trình tín dụng đối với HSSV: “Đảm bảo không có HSSV phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí”, NHCSXH đã tranh thủ sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối kết hợp với các Bộ, ngành để tiếp nhận các nguồn vốn từ ngân sách, vốn vay ưu đãi của Chính phủ; kết hợp tuyên truyền theo phương pháp hiện đại và phương pháp truyền thống tạo điều kiện cho hộ gia đình vay vốn, HSSV, nhân dân, chính quyền các cấp, các ngành hiểu chính sách tín dụng để cùng thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bám sát diễn biến thị trường, sự ủng hộ, tạo điều kiện của Bộ Tài chính, NHCSXH triển khai tích cực việc phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Đồng thời tăng cường công tác thu hồi nợ đến hạn để bổ sung vào nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của đối tượng thụ hưởng. Công tác kiểm tra, giám sát từ Trung ương đến địa phương được chú trọng thực hiện, qua đó, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập đã được tháo gỡ, giải quyết kịp thời nên hoạt động cho vay đã nhanh chóng đi vào nề nếp, ổn định, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã được truyền tải đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Tuyên truyền tốt chính sách giảm lãi đến người vay khi trả nợ trước hạn, thu hồi nợ khi đến hạn nhằm nêu cao ý thức của những hộ gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn đã được Chính phủ tạo điều kiện cho vay vốn đi học, phải có trách nhiệm sử dụng đồng vốn đúng mục đích, phấn đấu học tập tốt, ra trường có việc làm, tạo nguồn thu nhập để trả nợ ngân hàng.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg còn một số tồn tại, hạn chế như: Mức cho vay còn thấp chưa phù hợp với mức tăng của giá cả thị trường; Việc xác nhận HSSV đang theo học tại các cơ sở đào tạo còn chưa đầy đủ, kịp thời, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cho vay của NHCSXH; UBND cấp xã tại một số địa phương thực hiện việc khảo sát điều tra bổ sung chưa kịp thời hộ nghèo, hộ có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo, hộ gia đình khó khăn đột xuất về tài chính…

Để chương trình phát huy hiệu quả, ổn định, phát triển bền vững và căn cứ vào ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cử tri các địa phương kiến nghị với Đại biểu Quốc hội, NHCSXH xin đề xuất một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo lập nguồn vốn cho vay của Chương trình theo hướng ổn định và bền vững.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh, cân đối để xác định tăng mức cho vay hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế do biến động của giá cả thị trường.

Thứ ba, bổ sung đối tượng cho vay đối với gia đình có từ 2 HSSV trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo chưa thuộc đối tượng vay vốn.

Thứ tư, tiếp tục gia hạn nợ thêm đối với những HSSV chưa tìm được việc làm, chưa có khả năng trả nợ trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn.

Cuối cùng, cần xem xét có cơ chế xử lý nợ bị rủi ro đối với trường hợp HSSV chết.

Bài và ảnh Đào Anh Tuấn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác