Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển KT - XH tại vùng dân tộc và miền núi
Thành tựu lớn
Trong những năm qua, các chính sách tín dụng ưu đãi được triển khai tại vùng đồng bào dân tộc như chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, chương trình cho vay tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, NS&VSMTNT, HSSV… với những ưu đãi đặc biệt về lãi suất cho vay, thời hạn vay, mức vay, thủ tục, điều kiện cho vay đơn giản, thuận tiện, nhằm giúp hộ nghèo, hộ đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với đồng vốn tín dụng ưu đãi một cách dễ dàng và thuận lợi với mạng lưới hoạt động rộng khắp trên toàn quốc.
Các nhóm chính sách tín dụng được ban hành đã có tác dụng tích cực, thu hút được nhiều đồng bào DTTS tham gia vào việc vay vốn, tạo cơ hội cho họ tự tạo việc làm, tìm việc làm, góp phần giảm nghèo và tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Do đó, vốn tín dụng chính sách cũng góp phần xóa bỏ tâm lý ỷ lại của người nghèo, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo đối với hiệu quả sử dụng đồng vốn, nhờ đó giúp người nghèo có thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lý tài chính gia đình. Ở hầu hết các địa phương đều xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Bên cạnh đó khi tham gia vào các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn được tham gia vào sinh hoạt cộng đồng, học hỏi lẫn nhau về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm trong đời sống xã hội. Bản thân người nghèo đã xóa bỏ được mặc cảm, tự ti, hòa nhập cộng đồng, góp phần ổn định xã hội.
Các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện củng cố thông qua hoạt động vay vốn, người nghèo đã có điều kiện sinh hoạt qua các tổ chức chính trị - xã hội nên các phong trào hoạt động của tổ chức hội, đoàn thể được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi được triển khai có hiệu quả ở vùng dân tộc và miền núi đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển. Nhiều vùng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ chế thị trường đã hình thành và từng bước phát triển, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hội nhập quốc tế trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, miền, các dân tộc trong cả nước; góp phần thực hiện công bằng xã hội. Vì vậy hoạt động tín dụng được coi là hoạt động có tính bền vững, tác động lâu dài tới vùng dân tộc thiểu số nếu được thực hiện tốt.
Cần có nhiều giải pháp hơn nữa
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng ưu đãi thời gian qua còn một số vấn đề đáng quan tâm, đó là:
Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các chương trình tín dụng còn hạn chế. Thực tế nhiều hộ vay không thể phân biệt được các chính sách ưu đãi, cũng như mức vay, thời gian vay, nghĩa vụ, trách nhiệm của người vay. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và sử dụng vốn vay của người dân và công tác giám sát, quản lý các khoản tín dụng của ngân hàng và chính quyền địa phương.
Quá trình bình xét, chất lượng bình xét đối tượng được vay vốn phụ thuộc vào trình độ và trách nhiệm của cán bộ địa phương. Việc bình xét còn chưa căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng hộ. Khi thẩm định và phê duyệt các khoản cho vay, NHCSXH không thể tự quyết định được khách hàng của mình.
Ở địa phương, nhất là ở cơ sở xã, số lượng cán bộ tín dụng ít, phải đảm trách số lượng khách hàng lớn trên địa bàn rộng nên đã hạn chế việc đánh giá, kiểm soát, theo dõi món vay và không có khả năng đáp ứng tốt nhất các nhu cầu đa dạng của người vay vốn.
Hoạt động tín dụng chưa thực sự gắn liền với công tác khuyến nông - lâm - ngư, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay. Các cơ quan của Nhà nước chưa phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng trong việc cung cấp các loại hình dịch vụ có tính chất hỗ trợ lẫn nhau như khuyến nông gắn với tín dụng.
Để khắc phục những khó khăn còn tồn tại, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng ưu đãi theo chính sách của Nhà nước đối với hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian tới NHCSXH cần quan tâm nghiên cứu một số nội dung sau.
Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức và bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiện đại hóa, giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí và tăng cường đội ngũ cán bộ tín dụng cơ sở.
Hai là, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến địa phương, nhất là cán bộ tín dụng cơ sở theo hướng cán bộ tín dụng đồng thời là tuyên truyền viên vừa là cán bộ hướng dẫn sản xuất và là người cán bộ dân vận khéo. Đảm bảo cho cán bộ tín dụng phải là người thành thạo về về chuyên môn, am hiểu về kiến thức sản xuất, am hiểu về đời sống của đồng bào các dân tộc. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ gắn với địa bàn vùng dân tộc và miền núi.
Ba là, có cơ chế đãi ngộ, sử dụng cán bộ hợp lý, cải thiện chế độ lương, thưởng, có tính đến yếu tố cạnh tranh, thu hút người có chuyên môn cao vào làm việc trong hệ thống, gắn bó lâu dài với tổ chức.
Bốn là, thông qua thực hiện nhiệm vụ được giao, NHCSXH tham gia tích cực vào việc đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách tín dụng ưu đãi, nhất là các chính sách liên quan đến đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm là, thực hiện tốt công tác huy động vốn theo chỉ đạo của Chính phủ để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương, kể cả nguồn vốn từ các Ngân hàng thương mại. Đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành để trình Quốc hội xem xét quyết định đảm bảo bố trí một khoản ngân sách hàng năm đáp ứng được nhu cầu cho vay. Phối hợp với các địa phương thực hiện lồng ghép vốn tín dụng ưu đãi với các chương trình, chính sách khác, nhất là các chính sách dân tộc nhằm phát huy hiệu quả cao nhất các nguồn lực đầu tư.
Sáu là, cải tiến mô hình và phương thức hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở, đảm bảo dân chủ, công khai, người dân thực sự được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi với mức vay, thời hạn cho vay hợp lý đảm bảo đủ chi phí và chu kỳ sản xuất.
Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong thời gian tới NHCSXH tiếp tục vững bước phát triển, đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển KT - XH vùng dân tộc và miền núi.
Hà Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù
- » Cùng chung mục tiêu xóa đói, giảm nghèo
- » Phát triển bền vững từ lý thuyết đến thực tiễn tại NHCSXH (KỲ II: GIẢI PHÁP CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG)
- » Phát triển bền vững từ lý thuyết đến thực tiễn tại NHCSXH (KỲ I: LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NHCSXH?
- » Hướng đến sự phát triển bền vững
- » “Bạn đồng hành” của người nghèo
- » Chuyển động mới về công tác tín dụng chính sách ở Hà Tĩnh
- » “Cầu nối” hỗ trợ hộ nghèo ở Bắc Kạn
- » Hoạt động NHCSXH nhìn từ góc độ tài chính công
- » Tăng cường hoạt động thanh toán của NHCSXH để thực hiện tốt chức năng tín dụng chính sách