Góp phần xây dựng nông thôn mới trên vùng đất đỏ bazan

16/09/2014
(VBSP News) Vượt qua những khó khăn, thử thách, NHCSXH huyện Di Linh là một trong 11 đơn vị trực thuộc NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã liên tục trong nhiều năm liền phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể trên địa bàn chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi kịp thời đến đúng địa chỉ các đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đất đỏ bazan rộng lớn phía Nam khu vực Tây Nguyên.
Cà phê - cây chủ lực của bà con dân tộc huyện Di Linh

Cà phê - cây chủ lực của bà con dân tộc huyện Di Linh

Từ đầu năm 2014 đến nay, tổng doanh số cho vay của NHCSXH huyện Di Linh tăng trưởng đều, đạt trên 57 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ 9 chương trình tín dụng ưu đãi lên hơn 230 tỷ đồng, với gần 13 nghìn khách hàng đang còn dư nợ. Từ nguồn vốn vay chính sách, toàn huyện đã có hàng nghìn lao động ở những xã vùng sâu, vùng xa có thêm việc làm mới, ổn định; khoảng 350 lượt HSSV nghèo có điều kiện kinh phí trang trải chi phí học và 18.108 hộ dân nông thôn đã sử dụng 76,5 tỷ đồng vay của NHCSXH huyện Di Linh xây dựng công trình NS&VSMTNT, để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm ô nhiễm môi trường.

Đơn cử như anh Vũ Văn Bật ở thôn Hàng Hải, xã Gung Ré đã vay 20 triệu đồng vốn vay ưu đãi hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của NHCSXH huyện Di Linh đầu tư mua phân bón, chồi cành giống mới, mạnh dạn ghép lai, cải tạo vườn cà phê 2ha của gia đình. Do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và sử dụng vốn vay ưu đãi có tính toán, kế hoạch, nên sau 5 năm, vườn cà phê của nhà anh Bật năng suất tăng vọt từ 2,5 lên 4,3tấn/ha, làm cho đời sống gia đình khấm khả hẳn lên.

Cũng xã Gung Ré, còn có gia đình anh Bùi Văn Kiện ở thôn Hàng Hải được bình xét vay 24 triệu đồng của NHCSXH để chăm lo cho cả 2 người con học đại học, cao đẳng đến nơi đến chốn. Nay, con anh đã tốt nghiệp loại giỏi, có việc làm và thu nhập ổn định, hàng tháng dành dụm chi tiêu gửi tiền về giúp bố mẹ trả nợ ngân hàng và đầu tư thâm canh vườn cà phê, chuồng heo giống.

Theo đánh giá của huyện uỷ, UBND huyện Di Linh thì việc NHCSXH trên địa bàn đã bám sát chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chủ động cân đối nguồn vốn ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn và các xã, vùng sâu, vùng xa, không chỉ giúp người dân xóa nghèo bền vững, ổn định cuộc sống mà còn tham gia tích cực, đạt kết quả cao trong nhiệm vụ thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, NHCSXH huyện Di Linh  tiếp tục tạo lập các nguồn vốn ưu đãi, củng cố hoạt động mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, phối hợp với các cấp chính quyền, hội, đoàn thể ở cơ sở nhằm tăng trưởng dư nợ, giảm nợ quá hạn, sử dụng vốn hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn hiểu biết cách thức làm ăn mới giảm nghèo thiết thực, nâng cao đời sống, hoàn thành nhiệm vụ của một tổ chức tín dụng đặc thù vì mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Bài và ảnh Hồ Minh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác