Gỡ khó cho hàng nghìn hộ nghèo

17/09/2014
(VBSP News) Huyện Kbang (Gia Lai) bây giờ đã thay da đổi thịt: Đường liên xã, liên thôn đã đảm bảo thông suốt hai mùa mưa nắng; 100% các xã đã có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, người dân được sử dụng nước sạch. Những xã đặc biệt khó khăn cũng đã xây được trường học, trạm xá, công trình thủy lợi...
Nguồn vốn vay đã giúp người dân Kbang thoát nghèo

Nguồn vốn vay đã giúp người dân Kbang thoát nghèo

Thoát nghèo từ vốn vay

Kbang là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, tập trung chủ yếu là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số như Ba Na, Xê Đăng, Cơ Tu… (chiếm tới 80%). Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, với sự hoạt động tích cực, hiệu quả của NHCSXH huyện Kbang trong việc cho người nghèo vay vốn ưu đãi và hướng dẫn bà con sử dụng đúng mục đích thì nền kinh tế của huyện đã được nâng lên đáng kể.

“Hàng năm, NHCSXH huyện đã cùng với chính quyền địa phương mở 2 lớp xây dựng kế hoạch và phối hợp với trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật, phòng kinh tế huyện tổ chức tập huấn về công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, về cơ chế nghiệp vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác… Đây chính là những “cánh tay nối dài” của ngân hàng góp phần quan trọng đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người nghèo một cách hiệu quả…”, anh La Văn Bàn - cán bộ tín dụng phụ trách xã Nghĩa An chia sẻ.

Năm 2011, anh Lô Thế Thanh ở thôn Quyết Tiến, xã Nghĩa An được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng để đầu tư trồng 2ha mía. Sau 3 năm, đến nay trừ chi phí anh đã thu được vài chục triệu đồng. Hay như hộ anh Nguyễn Đình Nhân, xã Đông, vay 30 triệu đồng năm 2009 đầu tư trồng 2ha keo lai, đến nay đang phát triển tốt.

Tạo việc làm cho trên 5.000 lao động

Quy trình cho vay của NHCSXH được tiến hành tại các xã nên việc triển khai giải ngân vốn được kịp thời, khách quan. Chị Đinh Thoi - cán bộ Hội Nông dân xã Konbla cho biết: “Việc NHCSXH thành lập các Tổ giao dịch lưu động tại các xã có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ tránh rủi ro, mất thời gian khi đi làm thủ tục vay hoặc trả nợ, trả lãi, nhất là các xã xa trung tâm huyện mà việc tổ chức giải ngân cũng hết sức nhanh chóng”.

Cũng phải kể đến vai trò của Hội Nông dân trong việc hỗ trợ hội viên vay vốn và sử dụng đồng vốn vào phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống một cách hiệu quả. Qua một số cuộc khảo sát tình hình thực tế tại những địa bàn cụ thể, Hội Nông dân huyện đã tìm ra nguyên nhân đói nghèo xuất phát từ tình trạng thiếu vốn sản xuất.

Hội đã bắt tay ngay vào việc thực hiện giải pháp huy động từ cơ sở, tăng cường các nguồn vốn, đặc biệt là vốn vay từ các kênh ưu đãi, trong đó có NHCSXH, tạo điều kiện cho hội viên nông dân nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện vay để trồng trọt, chăn nuôi.

Bên cạnh đó, các cấp hội còn vận động chị em lập các tổ, nhóm nông dân tiết kiệm, mỗi xã có ít nhất 2 nhóm hoạt động thường xuyên, hỗ trợ thêm vốn cho các hộ khó khăn phát triển sản xuất, giảm nghèo. Mức vay bình quân mỗi hộ từ 8 - 15 triệu đồng đã góp phần giải quyết khó khăn cho hàng nghìn hộ nông dân nghèo, tạo việc làm cho trên 5.000 lao động…

Những năm qua, đã có trên 5.000 hộ nghèo được hưởng lợi từ chính sách tín dụng ưu đãi, và 75% hộ vay đã thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực vào việc giảm nghèo của huyện Kbang. Hàng năm, bình quân tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 5,5% với gần 700 hộ thoát nghèo.

Trương Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác