Đồng vốn ưu đãi đã được phát huy hiệu quả
Từng bước thoát nghèo
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Trần Thị Át, thôn Cẩm Địa, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan (Ninh Bình), một hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chồng bà bị bệnh thần kinh, mọi công việc gia đình, gánh nặng nuôi con đổ dồn hết lên đôi vai bà. Hàng ngày, để có tiền nuôi con ăn học, bà phải đi làm thuê kiếm sống nhưng đồng tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao. Cuộc sống tưởng chừng như không lối thoát bởi nhà chỉ vẻn vẹn 2 sào ruộng, trâu bò không có, của cải trong nhà cũng đã bán hết để chữa bệnh cho chồng. Trước hoàn cảnh đó, năm 2012, gia đình bà được xét cho vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi. Với số tiền này, cộng thêm tiền vay mượn từ anh em, bạn bè, bà tiến hành xây chuồng và mua 1 cặp bò về nuôi. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đôi bò sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, sinh sản đều. Bà Át cho biết: “Đến nay bò mẹ đã đẻ được 3 lứa. Năm 2013 gia đình tôi đã thoát nghèo. Nếu chăn nuôi thuận buồm xuôi gió, tôi sẽ trả hết nợ và có tiền sửa sang nhà cửa”.
Chia tay gia đình bà Át trong niềm vui thoát nghèo, chúng tôi đến với gia đình ông Quách Văn Tẹo ở xóm 4, xã Lạc Vân. Trước đây kinh tế gia đình ông Tẹo gặp nhiều khó khăn. Do sống trong vùng phân lũ của huyện Nho Quan nên thu nhập chính của gia đình chỉ trông chờ vào 1 vụ lúa bấp bênh, 4 con nhỏ thì đang tuổi ăn học. Năm 2013 được NHCSXH tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo, cùng với số vốn tích góp được, ông Tẹo đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua trâu về nuôi, sau 1 năm trâu đã sinh sản ra nghé, nhận thấy địa phương có sẵn nguồn thức ăn cho trâu bò, ông bàn với gia đình mua thêm cặp bò về tiện công chăn thả và có thêm thu nhập. Ông Tẹo chia sẻ: “Gia đình tôi quyết tâm nhân rộng đàn bò để có tiền trả gốc và thoát nghèo trong năm 2014 này. Tôi mong muốn sẽ có nhiều hộ nghèo trong thôn, trong xã được tiếp cận nguồn vốn vay để vươn lên trong cuộc sống.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Vân Trương Văn Tú, những năm qua, nhờ vốn vay ưu đãi của Chính phủ mà nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 7,69%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,61%, giảm lần lượt là 1,22% và 0,1% so với năm 2013. Tổng dư nợ trên địa bàn xã hiện nay là trên 8 tỷ đồng. Để đồng vốn ưu đãi tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ sâu sát hơn trong việc giám sát nguồn vốn, đồng thời tìm nhiều mô hình sản xuất giúp hộ nghèo áp dụng.
Để đồng vốn phát huy hiệu quả
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ vốn vay cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, thời gian qua, NHCSXH huyện Nho Quan đã kết hợp với các Sở, ban ngành, các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của các nguồn vốn vay đối với người dân. Đảm bảo đồng vốn đến tận tay người vay và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người vay trong quá trình giao dịch, Phòng giao dịch đã xây dựng hệ thống các Điểm giao dịch tại 27/27 xã, thị trấn; các thôn đều có Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động. Nhờ việc cho vay được họp bình xét công khai, dân chủ nên đồng vốn đã thật sự đến tay người nghèo. Để đồng vốn phát huy hiệu quả, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức hội, đoàn thể đã lồng ghép việc cho vay với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và chuyển giao công nghệ, giúp cho hộ nghèo nâng cao hiểu biết, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Nho Quan đạt trên 293 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo đạt gần 100 tỷ đồng, giúp cho gần 6.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác trong huyện được vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Đồng thời tăng thêm vốn cho những hộ làm kinh tế có hiệu quả có nhu cầu về vốn; hỗ trợ vốn thêm cho các hộ đã được công nhận thoát nghèo để họ không tái nghèo. Tiếp tục tập huấn để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên phạm vi toàn huyện.
Bài và ảnh Vũ Văn Quang - Trần Quốc Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hộ cận nghèo ở Sóc Trăng được tiếp sức
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quảng Nam họp phiên thường kỳ
- » Sẽ có 40.000 hộ được hưởng lợi từ chủ trương xây nhà tránh lũ
- » Bài học kinh nghiệm về tổ chức cho vay Chương trình tín dụng HSSV
- » Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển KT - XH tại vùng dân tộc và miền núi
- » Mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù
- » Cùng chung mục tiêu xóa đói, giảm nghèo
- » Phát triển bền vững từ lý thuyết đến thực tiễn tại NHCSXH (KỲ II: GIẢI PHÁP CHO SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG)
- » Phát triển bền vững từ lý thuyết đến thực tiễn tại NHCSXH (KỲ I: LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NHCSXH?
- » Hướng đến sự phát triển bền vững