Giải pháp phát triển bền vững NHCSXH

01/10/2014
(VBSP News) Gần 12 năm nhận uỷ thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác từ NHCSXH, các cấp hội CCB từ Trung ương đến cơ sở đều coi nguồn vốn ưu đãi là một nguồn lực rất quan trọng để đẩy nhanh giảm nghèo, nên đã quan tâm chỉ đạo điều hành toàn diện, sử dụng các nguồn vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả; phát huy được hiệu quả đồng vốn, tạo được niềm tin, uy tín với địa phương và NHCSXH.
Những năm qua, các cấp Hội CCB đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc chuyển tải vốn chính sách đến với hội viên nghèo Ảnh: Trần Quốc Việt

Những năm qua, các cấp Hội CCB đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc chuyển tải vốn chính sách
đến với hội viên nghèo
                                                                                                      Ảnh: Trần Quốc Việt

Tính đến hết tháng 9/2014, tổng dư nợ Hội CCB Việt Nam nhận ủy thức từ NHCSXH đạt trên 19 nghìn tỷ đồng. Hiện có gần 33 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn và hơn 1 triệu hộ còn dư nợ. Hội CCB tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi sau so với các hội, đoàn thể khác, nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng tín dụng ngày một cao hơn, số nợ quá hạn thấp và giảm dần qua từng năm; cụ thể năm 2003 là 1,68%, năm 2007 là 1,05%, năm 2012 là 0,98%, đến hết tháng 9/2014 là 0,54%; bình quân nợ quá hạn giảm 0,1%/năm. Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn dần dần được chấn chỉnh, củng cố và từng bước đi vào nề nếp theo quy chuẩn hoạt động. Cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn đã được tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, Ban quản lý tổ hoạt động nhiệt tình, có kiến thức, trách nhiệm và hiệu quả. Nhiều địa phương tỷ lệ hộ nghèo cao, địa hình phức tạp, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đi lại rất khó khăn, nhưng nhờ phối hợp triển khai tích cực, đồng bộ hoạt động vay vốn và thực hiện ủy thác, do đó số dư nợ đạt cao, tỷ lệ nợ quá hạn thấp dưới 0,5%.

Qua tổng kết, nắm tình hình ở một số địa phương cho thấy: Chỉ sau 3 - 5 năm vay vốn ưu đãi, hội viên có thể trả được nợ cả gốc và lãi; số tiền sinh lời đạt được bằng mức vay nợ hoặc cao hơn. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, vốn nội bộ hội giúp nhau, vốn tự có và vay theo chương trình khác, nhiều hộ hội viên vươn lên thành hộ khá và giàu, góp phần tăng trưởng kinh tế ở địa phương. Đã có hàng triệu lượt hộ gia đình cựu chiến binh được vay vốn ưu đãi, tạo việc làm mới, làm thêm cho hơn 1,6 triệu lao động là cựu chiến binh; xóa được hơn 45 nghìn căn nhà dột nát, nhà tạm cho gia đình cựu chiến binh. Quá trình triển khai thực hiện vay vốn đã có rất nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc sử dụng vốn vay có hiệu quả cao.

Hiện, Hội CCB có gần 2,8 triệu hộ hội viên. Đến nay, không còn hộ đói trong hội viên CCB. Theo tiêu chí mới (giai đoạn 2011 - 2015) tỷ lệ hộ cựu chiến binh nghèo hiện nay còn 4,59%, hộ cận nghèo còn 4,25%; (bình quân mỗi năm giảm được 1,5 - 2% hộ nghèo, các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao giảm được 3,5 - 4% hộ nghèo). Đó là sự cố gắng rất lớn của toàn hội, trong đó nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi của NHCSXH là nguồn lực rất quan trọng để đạt được kết quả trên.

Để giúp Hội CCB ở cơ sở tiếp tục triển khai và quản lý chặt chẽ các nguồn vốn vay đối với các hộ gia đình, từ năm 2012 đến nay, được sự chỉ đạo tích cực của NHCSXH Trung ương và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, sự phối hợp chặt chẽ của Hội CCB Việt Nam và các hội, đoàn thể khác trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ và các tỉnh có nợ quá hạn trên 2%, đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp về quản lý hoạt động tín dụng chính sách, chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của Hội CCB, ý thức có vay có trả của người dân, đồng thời tạo sự đồng thuận và quyết tâm của các cấp, các ngành trong việc củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn; do đó được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao vai trò của Hội CCB.

Thông qua nhiều hình thức và phương tiện thông tin đại chúng, Hội CCB các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đến hầu khắp thôn, bản. Ngoài tuyên truyền trực tiếp, cán bộ hội các cấp đã viết hàng nghìn tin, bài đăng trên báo, tạp chí, bản tin công tác hội từ Trung ương đến địa phương; phối hợp với Đài Truyền hình ở Trung ương và địa phương đưa nhiều tin, phóng sự giúp cho người nghèo và đối tượng chính sách thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cộng đồng và sự nỗ lực vươn lên của chính cựu chiến binh nghèo, từ đó xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti, ỷ lại, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, xóa nhà dột nát.

Phối hợp với NHCSXH và các ban, ngành chức năng tổ chức tập huấn nghiệp vụ vay vốn, lồng ghép các chương trình tập huấn hoạt động kinh tế, xóa đói, giảm nghèo với khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, cho cán bộ hội và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện việc mở sổ sách theo dõi hoạt động vay vốn ở các cấp hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn và hộ vay, giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng thực hiện ủy thác của các cấp hội. Hiện 100% Hội CCB các tỉnh, thành  phố và huyện, quận tham gia thực hiện ủy thác của NHCSXH. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều Hội CCB cấp xã chưa thực hiện ủy thác của NHCSXH. Có rất nhiều điển hình ở cấp xã, huyện về hoạt động vay vốn và thực hiện ủy thác luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dư nợ đạt cao, không có xâm tiêu chiếm dụng vốn, nợ quá hạn dưới 0,06%, huy động tiết kiệm đạt 100%, bình quân mỗi năm giảm được 2,5% hộ CCB nghèo, không còn hộ hội viên nghèo, có trên 70% hộ khá và giàu.

Hội CCB Việt Nam nhận thấy rằng nguyên nhân chính để các cấp Hội CCB đạt được kết quả trên trong quá trình thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, đó là nhờ sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, kịp thời, có hiệu quả của Thường trực Trung ương Hội CCB Việt Nam và Lãnh đạo NHCSXH Trung ương, giữa Hội CCB các cấp với NHCSXH tại địa phương trong triển khai và thực hiện Chương trình liên tịch vay vốn tín dụng ưu đãi và thực hiện ủy thác. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp; quyết tâm, trách nhiệm cao của các cấp hội và cán bộ, hội viên; sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của các hộ cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Các cấp hội đều xác định việc thực hiện ủy thác là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng để thực hiện chiến lược giảm nghèo của Đảng và Nhà nước; được xây dựng trong nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch công tác hàng năm, là tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng đối với các cấp hội. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vay vốn và sử dụng vốn vay, thực hiện ủy thác ở các cấp hội được tiến hành thường xuyên và chặt chẽ.

Điểm lại các thành tựu cơ bản trong thời gian qua thể hiện sự phát triển vững mạnh và hoạt động ngày càng có hiệu quả của NHCSXH thì Hội CCB Việt Nam nhận thấy thành tựu nổi bật nhất là NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của Việt Nam. Mô hình này đã dựa trên và củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa NHCSXH với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới cơ sở. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý này đã giúp việc thực hiện chính sách tín dụng của Chính phủ được công khai, minh bạch, dân chủ và đảm bảo tính xã hội hóa cao, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo. Tiết giảm được chi phí quản lý (vì có hơn 8 nghìn cán bộ kiêm nhiệm đang tham gia quản lý tại các cấp trong hệ thống của NHCSXH, chưa kể hàng chục nghìn cán bộ tổ và các tổ chức hội, đoàn thể tham gia thực hiện ủy thác tại cơ sở). Việc thực hiện ủy thác một số công việc thông qua các tổ chức hội, đoàn thể đã giúp kênh tín dụng chính sách đưa vốn vay đến đúng đối tượng được thụ hưởng; đặc biệt là nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng thông qua việc giám sát và hướng dẫn cụ thể việc sử dụng vốn của các tổ chức hội, đoàn thể; đồng thời việc thu hồi vốn, lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm tại tổ, xử lý các rủi ro, vướng mắc trong quá trình sử dụng vốn vay cũng ngày càng tốt hơn. Chính vì thế đã góp phần giúp NHCSXH hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao trong những năm vừa qua.

Để phát triển bền vững NHCSXH, Hội CCB Việt Nam đề xuất một số kiến nghị.

Trong định hướng phát triển bền vững cần nghiên cứu sâu, kỹ và thực hiện tốt hơn nữa sự tham gia của các tổ chức hội, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền cấp xã trong quá trình hoạt động của NHCSXH. Cụ thể trong thực hiện một số công việc ủy thác của ngân hàng thì cần nói rõ và ngắn gọn hơn thành 3 nhóm công việc để cấp cơ sở dễ nhớ và dễ làm.

Cần sớm tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thí điểm tăng cường Chủ tịch UBND xã tham gia vào Ban đại diện NHCSXH cấp huyện. đồng thời đề nghị Thủ tướng cho thực hiện trên toàn quốc vào năm 2015 vì chúng ta đã có báo cáo tổng kết ở ba tỉnh thí điểm và khảo sát thêm ở hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đều có kết quả tốt.

NHCSXH cần tiếp tục nghiên cứu đề nghị Chính phủ cho phép mở rộng thêm nhiều đối tượng khách hàng được vay vốn tín dụng chính sách hơn nữa. Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của đất nước, đối tượng người nghèo, hộ nghèo có thể giảm chút ít, nhưng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sẽ tăng thêm, hộ có từ 2 con trở lên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng hoặc học nghề và có khó khăn về tài chính cũng rất cần sự trợ giúp của NHCSXH; hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh nhỏ và cả doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất cần chính sách hỗ trợ của Chính phủ thông qua hoạt động của NHCSXH.

Hoàng Tùng Lâm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác