Tăng cường vai trò của NHCSXH trong việc phát triển các cụm liên kết ngành

01/10/2014
(VBSP News) Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự can thiệp của Nhà nước vào phát triển cụm liên kết Ngành (CLKN) chỉ có hiệu quả khi nó đáp ứng đúng yêu cầu của các đối tác tham gia cụm. NHCSXH là công cụ của Nhà nước, vì vậy việc nghiên cứu để có những hỗ trợ kịp thời từ việc nâng cao nhận thức đến các vấn đề về pháp lý và trợ giúp kỹ thuật... cho các khách hàng của mình khi tham gia cụm là cần thiết.
Việc tham gia CLKN, đặc biệt đối với những cụm gắn với sản xuất nông nghiệp như lúa gạo, trái cây, cà phê... sẽ mở ra hướng mới, một chương trình mới về hoạt động tín dụng của NHCSXH

Việc tham gia CLKN, đặc biệt đối với những cụm gắn với sản xuất nông nghiệp như lúa gạo, trái cây, cà phê… sẽ mở ra hướng mới, một chương trình mới về hoạt động tín dụng của NHCSXH

Cụm liên kết ngành (Industrial Cluster) là thuật ngữ được đề cập nhiều ở Việt Nam trong những năm gần đây và được coi là giải pháp trọng tâm để giúp các ngành công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới.

Một vấn đề cũng rất quan trọng là CLKN tạo dựng được các cơ chế khuyến khích, động lực để các đối tượng liên quan kết nối với nhau và thường xuyên được tăng cường. Các mối liên kết này phải thu hút được sự tham gia tích cực, hữu hiệu của các tổ chức nghiên cứu, triển khai, giáo dục, hiệp hội ngành hàng. Để hình thành và tăng cường các mối liên kết trên thực tế, cần có sự điều phối và định hướng nhất định từ chính sách phát triển kinh tế và phát triển ngành, trong đó có chính sách công nghệ, giáo dục, phát triển doanh nghiệp, chính sách phối hợp tác giữa ba khu vực Nhà nước, Tư nhân, Viện nghiên cứu, trường đại học… cũng như giúp tạo dựng được nguồn vốn xã hội. Những trọng trách này có vai trò quan trọng của công tác quản lý nhà nước của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương.

Cũng cần nhấn mạnh là cần bảo đảm rằng việc kết hợp đầy đủ 3 nhóm yếu tố (3 vế trong định nghĩa về CLKN của Porter) dẫn đến các lợi thế cạnh tranh được địa phương hóa cho các doanh nghiệp trong CLKN nói riêng và kinh tế địa phương nói chung. Với tất cả những nền tảng căn bản trên, năng lực cạnh tranh của cụm trong ngành nghề hoạt động được nâng cao và có khả năng tham gia vào những phân khúc cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực tiễn thế giới cho thấy, việc phát triển CLKN hữu hiệu tạo điều kiện giúp tăng năng lực cạnh tranh (sự gần kề về địa lý tạo ra lợi thế kinh tế nhờ quy mô, giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin và các nguồn lực khác, và từ đó tham gia và tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất trong và ngoài nước), nâng trình độ công nghệ trong nước, phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội khác. Đây là một công cụ chính sách có ý nghĩa hết sức quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển vùng. Chính vì vậy, hiện trên thế giới có tới hơn 2.500 sáng kiến phát triển CLKN tại 75 nước thuộc tất cả trình độ phát triển khác nhau. Ngân hàng phát triển Châu Á năm 2008 đã đúc rút: “Phát triển CLKN đã trở thành một chủ đề hấp dẫn chưa từng có trong thập kỷ qua về nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp”.

Ở Việt Nam hiện đã manh nha phát triển một số CLKN, tuy nhiên các cụm này phát triển chưa thật mạnh mẽ. Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các tác nhân có liên quan, trong đó có hệ thống ngân hàng. Mục đích cuối cùng của việc hình thành CLKN là nâng cao sức cạnh tranh của các ngành hàng Việt Nam thông qua việc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa các doanh nghiệp với khoa học, giữa các bên cung cấp đầu vào và đầu ra với một ngành sản phẩm nào đó, làm cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu này là tương đồng với mục tiêu của NHCSXH, đó là tạo điều kiện giúp những hộ nghèo, những đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường…

Sự tham gia của NHCSXH có ý nghĩa trên hai khía cạnh. Nếu giúp được các hộ nghèo phát triển thì họ mới có khả năng tham gia vào các cụm liên kết ngành, ví dụ các hộ nông dân cần phải có những kiến thức, hiểu biết nhất định về các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới có thể sản xuất và cung cấp nguyên liệu nông nghiệp cho các nhà chế biến xuất khẩu. Đồng thời, khi đã tham gia được vào các CLKN thì các hộ nông dân sẽ có nhiều cơ hội để phát triển bền vững, không phải chịu những rủi ro thị trường như khi làm riêng lẻ, và có nhiều cơ hội nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật hơn. Vì vậy, NHCSXH trong thời gian tới cần không chỉ tham gia, mà còn chủ động tham gia vào quá trình hình thành và phát triển CLKN ở Việt Nam, đặc biệt đối với những cụm gắn với sản xuất nông nghiệp như lúa gạo, trái cây, cà phê, chè… Mở ra hướng mới, một chương trình mới về hoạt động tín dụng của NHCSXH.

Để NHCSXH có thể tham gia và phát huy được vai trò của mình trong quá trình hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành, trước hết, cần nâng cao nhận thức về cụm liên kết ngành cho cán bộ nhân viên của NHCSXH. Cụm liên kết ngành như đã nói trên là khái niệm còn chưa phổ biến ở Việt Nam, hơn ai hết các cán bộ của NHCSXH cần phải nắm thật chắc về khái niệm, phương thức tổ chức, hoạt động của mô hình này. Có hiểu biết thì mới có sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả. Có hiểu biết thì mới giúp các khách hàng của mình tham gia mạnh mẽ hơn vào mô hình này.

Hai là, NHCSXH cần chủ động đề xuất với Chính phủ về việc cho phép tham gia vào Chương trình phát triển CLKN ở Việt Nam. Được biết thì hiện nay Bộ KH&ĐT đang trình đề án cho Chính phủ phê duyệt về phát triển CLKN ở Việt Nam, trong đó có thí điểm thành lập các CLKN trong thời gian tới. NHCSXH cần được tham gia vào quá trình này từ ban đầu, từ ý tưởng hình thành. NHCSXH cũng có thể chủ động kiến nghị, chủ động cho vay thí điểm xây dựng một số CLKN dựa theo khách hàng của mình ở các địa phương.

Ba là, các vùng, các ngành, các địa phương nơi dự kiến phát triển cụm liên kết ngành, tuy theo tình hình cụ thể để có thể mời NHCSXH tham gia vào Hội đồng quản trị các cụm. Trong những CLKN sắp tới sẽ có những cụm thu hút nhiều khách hàng của NHCSXH tham gia, khi đó thì việc tham gia của đại diện NHCSXH vào Hội đồng quản trị là rất cần thiết và giúp các cụm hoạt động hiệu quả hơn. Ở đây tôi muốn nói đến các cụm liên kết ngành liên quan nhiều đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Cuối cùng, NHCSXH phải nghiên cứu xây dựng những chính sách, biện pháp thích hợp để hỗ trợ phát triển CLKN.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự can thiệp của Nhà nước vào phát triển CLKN chỉ có hiệu quả khi nó đáp ứng đúng yêu cầu của các đối tác tham gia cụm. NHCSXH là công cụ của Nhà nước, vì vậy NHCSXH phải nghiên cứu để có những hỗ trợ kịp thời từ việc nâng cao nhận thức đến các vấn đề về pháp lý và trợ giúp kỹ thuật… cho các khách hàng của mình khi tham gia cụm.

TS. Trần Kim Hào

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác