Vốn vay ưu đãi cho người nghèo
Chất lượng tín dụng tốt
Ông Nguyễn Hữu Sanh ở thôn Lệ Sơn, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, mỗi sáng, chiều đưa đàn bò về phía cánh đồng cuối con đường dẫn cầu Cửa Đại. Mấy năm gần đây, gia đình người nông dân nghèo như ông Sanh đã có thể hy vọng thoát nghèo từ sự gia tăng của đàn bò từ nguồn vốn vay của NHCSXH. Ông Sanh nói nhiều người dân địa phương cho rằng chính nguồn vốn ưu đãi này đã giúp những người nghèo có thêm điểm tựa, tự tin hơn khi lên các kế hoạch sản xuất, kinh doanh thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm như trước. Theo báo cáo, đến hết tháng 9/2014, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Quảng Nam đạt trên 3.158 tỷ đồng, tăng gần 65,8 tỷ đồng so với năm 2013. Tăng trưởng dư nợ tập trung vào một số chương trình như cho vay hộ cận nghèo tăng 128,5 tỷ đồng, hộ nghèo tăng 17,5 tỷ đồng, NS&VSMTNT tăng 15,4 tỷ đồng và dự án WB3 tăng 14,4 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến cuối tháng 9/2014 đạt 3.143 tỷ đồng, tăng 64,4 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99,15% kế hoạch giao.
Không chỉ huy động và tăng trưởng dư nợ cao, chất lượng tín dụng cũng đang ở ngưỡng an toàn. Hiện nợ quá hạn đến cuối tháng 9/2014 khoảng 2,6 tỷ đồng, chiếm 0,09%/tổng dư nợ, giảm 3,5 tỷ đồng so với năm 2013 và nợ khoanh 8,5 tỷ đồng, chiếm 0,27%/tổng dư nợ. Thông qua các đề án, phương án nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là huyện có tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,5% trở lên. Nỗ lực thu hồi nợ xấu tại các xã, tập trung phân tích nợ quá hạn để có giải pháp xử lý cương quyết, dứt điểm đã giúp hầu hết các đơn vị cấp huyện trực thuộc đều có số nợ quá hạn giảm nhanh so với đầu năm.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam Nguyễn Quang Dinh, khẳng định: Vốn tín dụng ưu đãi đã thật sự trở thành phao cứu sinh cho người nghèo, giúp họ có vốn để cải thiện đời sống. NHCSXH là công cụ tài chính tích cực để địa phương đẩy nhanh mục tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Con số hộ nghèo giảm 2,5 - 3% mỗi năm ở Quảng Nam có đóng góp không nhỏ từ đồng vốn ưu đãi. “Nguồn vốn hoạt động của NHCSXH đã cung cấp đầy đủ, kịp thời để giải ngân các chương trình tín dụng theo kế hoạch được giao. Tăng trưởng dư nợ, đồng thời với chất lượng tín dụng và nợ quá hạn đã giảm mạnh so với đầu năm trên 50%”, ông Dinh nói.
Chuyển 100% vốn người nghèo
Ông Nguyễn Quang Dinh cho biết, toàn đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt nợ đến hạn, không để nợ quá hạn mới phát sinh. Xử lý triệt để các khoản nợ nhận bàn giao. Phấn đấu đến hết năm 2014 giữ vững tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 0,08%. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2014, chi nhánh phải tăng số dư huy động tiết kiệm khoảng 10 tỷ đồng. Song hiện tại, ngân hàng không thể cạnh tranh với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn, nên sẽ khó bảo đảm chỉ tiêu về huy động vốn tiết kiệm. Một khó khăn khác vẫn chưa thể “gỡ bỏ” được là chất lượng tín dụng dù tốt nhưng chưa đồng đều giữa các đơn vị bởi nợ quá hạn nhận bàn giao hiện còn 356 món với 564 triệu đồng chậm được xử lý. Nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thường xuyên không giải ngân được vì cơ chế cho vay chưa phù hợp, dù nhu cầu vay vốn của các hộ rất nhiều nhưng lại không thuộc đối tượng của cơ chế. Kế hoạch của ngân hàng này là chuẩn bị đủ nguồn vốn để cho vay HSSV, cho vay dự án phát triển lâm nghiệp và tích cực huy động tiết kiệm theo chỉ tiêu được giao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Thanh, cho biết: NHCSXH đã kết nối được chính sách đến người dân rộng khắp và hiệu quả, tín dụng an toàn, đáp ứng vốn vay kịp thời cho người dân. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của đồng vốn Nhà nước, NHCSXH tỉnh Quảng Nam cần tăng cường kiểm tra chất lượng tín dụng, xử lý dứt điểm nợ quá hạn vào cuối tháng 10/2014, phổ biến chính sách tín dụng cho người dân, rà soát chính xác đối tượng, nhu cầu vay vốn để điều hòa vốn sát thực tế, kiện toàn mạng lưới tín dụng đến tận cơ sở và hoàn thiện chế độ thống kê và phân tích số liệu hiệu quả vốn vay…
Tín dụng chính sách là giải pháp, công cụ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách cơ bản và bền vững trên tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là lý do NHCSXH tỉnh Quảng Nam cần huy động mọi nguồn lực để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn. Hướng đầu tư tín dụng vào miền núi, khu vực nông thôn, vùng nghèo, vùng khó khăn…, đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả và thực hiện thông tin tuyên truyền để mọi người dân nắm bắt các chế độ chính sách tín dụng của Nhà nước để thực hiện đúng. Ông Dinh cam kết ngân hàng sẽ phấn đấu đảm bảo nhu cầu tín dụng ưu đãi đến 100% hộ nghèo và chính sách có nhu cầu vốn (và đủ điều kiện) tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ khoảng 12%/năm, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% vào năm 2015, bởi một khi người nghèo có một điểm tựa vững chắc về nguồn vốn, kiến thức và niềm tin, họ sẽ nhanh chóng thoát nghèo.
Bài và ảnh Trịnh Dũng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tiếp bước cho HSSV tại huyện Xuân Lộc đến trường
- » Giải pháp phát triển bền vững NHCSXH
- » Tăng cường vai trò của NHCSXH trong việc phát triển các cụm liên kết ngành
- » Đổi thay nhờ “đòn bẩy” vốn chính sách
- » Chợ Mới với chương trình tín dụng giảm nghèo
- » Đồng vốn ưu đãi đã được phát huy hiệu quả
- » Hộ cận nghèo ở Sóc Trăng được tiếp sức
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quảng Nam họp phiên thường kỳ
- » Sẽ có 40.000 hộ được hưởng lợi từ chủ trương xây nhà tránh lũ
- » Bài học kinh nghiệm về tổ chức cho vay Chương trình tín dụng HSSV