Đòn bẩy để thoát nghèo bền vững

07/10/2014
(VBSP News) Với những hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đồng vốn vay từ NHCSXH bấy lâu nay đã trở thành đòn bẩy vững chắc cho hành trình thoát nghèo bền vững. Nay, đòn bẩy ấy càng được củng cố nhờ Quyết định số 34/QĐ-HĐQT ngày 26/4/2014 của Hội đồng quản trị NHCSXH với chủ trương nâng mức cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 50 triệu đồng/hộ.
Ông Ngô Xuân Nam ở xóm 1, xã Hưng Mỹ là một trong những hộ nghèo thành công trong sử dụng đồng vốn vay ưu đãi

Ông Ngô Xuân Nam ở xóm 1, xã Hưng Mỹ là một trong những hộ nghèo thành công trong sử dụng
đồng vốn vay ưu đãi

Nghệ An là tỉnh có dân số đông, đặc điểm địa hình đa dạng, phức tạp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Trong những năm qua, cùng với chủ trương tích cực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các động thái hỗ trợ mạnh mẽ từ NHCSXH đã phần nào giúp cho người dân khắc phục khó khăn, vươn lên sản xuất, kinh doanh, nỗ lực thoát nghèo. Đặc biệt, chủ trương của Hội đồng quản trị NHCSXH đã mang lại niềm vui lớn lao cho biết bao hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Từ ngày 01/5/2014, điểm tựa thoát nghèo của họ sẽ thêm vững chắc, đồng vốn vay sản xuất, kinh doanh sẽ được nâng lên, đồng nghĩa với việc, một tương lai thoát khỏi những nhọc nhằn, gian truân thường nhật sẽ đến gần hơn. Niềm vui lớn lao ấy là điều nhận thấy ngay trên khuôn mặt những người nông dân hồn hậu ở xóm 1, xóm 2 của xã Hưng Mỹ huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Họ là chủ nhân của những ngôi nhà ngói cũ kỹ, trống trước, hụt sau.

Gia đình ông Ngô Xuân Nam ở xóm 1, xã Hưng Mỹ là một trong những hộ nghèo như thế. Năm nay ông Nam vừa chạm lục tuần, nhưng dường như cái nghèo khổ đeo đẳng bao năm đã khắc chạm lên khuôn mặt, dáng hình ông vẻ già nua trước tuổi. Nhiều năm về trước, ông từng là Bí thư chi bộ xóm 1, là Chủ nhiệm HTX, nhưng gia cảnh éo le, neo đơn: vợ bị bệnh nan y, con trai độc nhất bị bại não bẩm sinh, hai đứa con gái lấy chồng xa không có điều kiện đỡ đần cha mẹ… khiến ông phải sớm từ việc công, tập trung chăm sóc vợ con và phát triển kinh tế gia đình. Siêng năng, cần cù, lại thêm đức tính xung kích đi đầu của người đảng viên, có mô hình kinh tế nào hay, cây gì, con gì mới, ông đều mạnh dạn thử nghiệm. Ngặt nỗi, ngắn vốn, điều kiện tiếp cận với kiến thức KHKT hạn chế nên hầu như những thử nghiệm đều thất bại. Năm 2013, qua bình xét của Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông được vay 25 triệu đồng hộ nghèo. Có vốn trong tay, ông mạnh dạn đầu tư nuôi bò sinh sản. Từ một con giống ban đầu, nhờ hay làm, tâm sức của ông đã được đền đáp khi bò sinh bê con. Để xoay vòng vốn, ông tính bán bò mẹ, lấy tiền nuôi dăm con lợn mạ và phát triển đàn gà lên vài chục con. “Thời gian chờ đợi bê trưởng thành, thì quãng hoàn vốn của đàn lợn và đàn gà đã kịp để “lấy ngắn nuôi dài”. Vốn vay đã được nâng lên mức 50 triệu đồng, tôi sẽ kiên cố hóa chuồng trại để chăn nuôi thuận lợi hơn và mua 1 bò giống mới”, ông Ngô Xuân Nam cười sảng khoái khi tâm sự về “chiến lược” sản xuất của mình.

Ngồi cạnh bên, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Hưng Nguyên Lê Quang Hiếu tỏ ra đồng tình và chia sẻ, ông Nam là một trong nhiều hộ nghèo của huyện thực hiện rất nghiêm túc việc trả lãi hàng tháng và sử dụng vốn có hiệu quả. Đầu tháng 5, qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin về chủ trương của NHCSXH cấp trên về việc nâng mức cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 50 triệu đồng/hộ đã được nhiều người dân cập nhật, ai ai cũng tỏ ra vui mừng và khấp khởi chờ đợi. Trên địa bàn toàn huyện có 323 Tổ tiết kiệm và vay vốn, thì tất cả đều sẵn sàng cho quy trình xét duyệt, bình bầu hộ đủ điều kiện vay theo Quyết định mới. “Nhìn nhận khách quan và chủ quan, thì chủ trương trên là đúng đắn, tiếp thêm động lực, niềm tin và ý chí thoát nghèo cho mọi người dân”, Phó Giám đốc Lê Quang Hiếu đánh giá.

Nếu như trước đây, hộ cận nghèo chỉ được vay với mức 30 triệu đồng/hộ thì nay, đã “đả thông” ải khó khi cho phép nâng mức vay lên 50 triệu đồng/hộ. Cũng như nhiều hộ cận nghèo khác, gia đình chị Nguyễn Thị Hợi ở xóm 1 xã Hưng Mỹ không giấu được niềm phấn khởi trước Quyết định này. Năm 2011, qua bình xét từ Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình chị được vay 20 triệu đồng hộ nghèo và chăn nuôi bò sinh sản cũng là hướng đi được chị lựa chọn. “Địa hình, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp nhất với chăn nuôi bò, mặt khác, giá cả con bò cũng khá ổn định, dịch bệnh với bò cũng không nhiều rủi ro như các vật nuôi khác nên người dân Hưng Mỹ thường chọn nuôi bò để phát triển kinh tế”, chị Hợi trần tình cho quyết định của mình. Khi được hỏi về mức vay mới, chị cười tươi chia sẻ: “Được vậy thì tốt quá, nói không giấu gì, gia đình đang muốn có thêm đồng vốn để đầu tư vào chăn nuôi. Có vốn, thêm cần cù chăm chỉ, sợ gì không vượt nghèo, vượt khó được”.

Tâm sự ấy của chị Hợi, của ông Nam ở miền quê Hưng Nguyên cũng chính là chia sẻ chân thành của biết bao người dân xứ Nghệ mà chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện trên khắp nẻo hành trình. Với người nghèo, cái họ cần nhất là “cần câu”. Tăng đồng vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong điều kiện vật giá tăng cao là động thái tích cực và kịp thời của NHCSXH, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, qua đó, góp phần thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, với nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn về vật chất thường đi liền với những hạn chế trong nhận thức, sự tiếp cận với các phương kế làm ăn và lựa chọn hình thức sử dụng đồng vốn hiệu quả. Thực tế, theo khảo sát của NHCSXH, có không ít hộ vay vốn thành công nhưng lại sai lầm trong việc sử dụng vốn, nên không đạt kết quả như ý. Đây cũng là tỷ lệ nợ xấu gây nhiều khó khăn trong công tác thu hồi vốn của ngân hàng các cấp. Vì vậy, với NHCSXH tỉnh Nghệ An, việc khảo sát, tư vấn và hỗ trợ kiến thức cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo khi sử dụng vốn vay là việc làm được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, đề cao công tác tuyên truyền để hộ nghèo và hộ cận nghèo hiểu rõ chính sách, nhằm xác định rõ phương án đầu tư làm ăn; đồng thời nhận thức rõ khả năng hoàn trả lãi định kỳ và gốc khi đến hạn để tính toán mức vốn vay cho phù hợp, tránh tình trạng vay vốn về sử dụng sai mục đích ảnh hưởng đến hiệu quả đồng vốn và khả năng trả nợ. NHCSXH tỉnh Nghệ An xác định luôn phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở định hướng, hướng dẫn cho hộ vay về phương án làm ăn trước khi vay; theo dõi, giúp đỡ, giám sát hộ vay trong quá trình sử dụng vốn, có như vậy mới giúp được hộ vay hạn chế được các rủi ro và vốn đầu tư sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Mặt khác, không thể không nhắc đến sự kết hợp với các cơ quan chuyên môn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y… tập huấn kiến thức KHKT trong sản xuất, kinh nghiệm trong kinh doanh cho bà con trước khi vay vốn, đồng thời giúp đỡ họ trong quá trình sử dụng vốn. Có như vậy, việc triển khai Quyết định của Hội đồng quản trị NHCSXH về việc nâng mức cho vay với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới thực hiện thành công với trọn vẹn những ý nghĩa thiết thực của nó.

Bài và ảnh Phước Anh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác