NHCSXH hoạt động hiệu quả góp phần tích cực vào thực hiện chiến lược phát triển bền vững

03/10/2014
(VBSP News) Phát triển bền vững là một quan niệm khá rộng, song có tính phổ biến bao hàm, phát triển kinh tế của một quốc gia phải gắn với bảo vệ môi trường; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh phải đi đôi với giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, đặc biệt là tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, có thể gồm cả ổn định chính trị; đạt được tốc độ tăng trưởng GDP theo dự kiến gắn liền với kiềm chế lạm phát, ngăn chặn các xung đột sắc tộc, khủng bố...
Nguồn vốn vay ưu đãi góp phần ổn định chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống Ảnh: Trần Ngọc Tú - Báo Tin tức

Nguồn vốn vay ưu đãi góp phần ổn định chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống
                                                                                                                      Ảnh: Trần Ngọc Tú - Báo Tin tức

Phát triển kinh tế - xã hội bền vững còn là thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN thì Đảng và Chính phủ Việt Nam vẫn thực hiện các giải pháp tài chính Nhà nước nhằm hỗ trợ cho người nghèo và đối tượng chính sách xã hội tự vươn lên trong cuộc sống, nâng cao thu nhập, cải thiện các điều kiện sinh hoạt theo phương châm “cho cần câu hơn cho xâu cá”, rộng hơn nữa là ổn định chính trị các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.Giải pháp sáng tạo của Chính phủ Việt Nam thể hiện ở các điểm chính sau.

Một là, theo định hướng chiến lược đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội nói trên, bên cạnh việc thực hiện đa thành phần sở hữu, đa dạng hình thức TCTD, thì ngay trong thời kỳ đầu đổi mới hoạt động ngân hàng, thực hiện 2 Pháp lệnh Ngân hàng, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã cho thành lập Ngân hàng phục vụ người nghèo, trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo&PTNT), chuyên cho vay vốn đối với người nghèo (NHNo&PTNT thực hiện nhận ủy thác cho vay,…). Đến năm 2002, Chính phủ Việt Nam cho thành lập NHCSXH. Ngoài việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho người nghèo vay vốn, thì NHCSXH còn tiếp nhận hoạt động cho vay giải quyết việc làm từ Kho bạc Nhà nước, chương trình cho vay HSSV vay vốn học tập từ Ngân hàng Công thương Việt Nam,… Mô hình NHCSXH được thành lập cũng nhằm tách chức năng hoạt động tín dụng chính sách ra khỏi NHTM, trong giai đoạn tái cơ cấu các NHTM Việt Nam đầu những năm 2000. Bên cạnh Ngân hàng Phát triển Việt Nam, một định chế tài chính của Nhà nước, chuyên thực hiện tín dụng Nhà nước cho các doanh nghiệp, thì NHCSXH cũng là một định chế tài chính nhà nước, cũng thực hiện tín dụng Nhà nước nhưng đối tượng vay vốn hầu hết là hộ gia đình nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội, có hoàn cảnh khó khăn,…

Hai là, nếu như trong thời gian đầu thành lập, NHCSXH mới thực hiện 5 chương trình tín dụng: Cho vay hộ nghèo; HSSV; xuất khẩu lao động; giải quyết việc làm, thì đến nay, gần 12 năm hoạt động, số lượng chương trình tín dụng đã tăng gấp gần 4 lần.

Tính đến hết tháng 9/2014, các chương trình tín dụng chính sách đạt 126.523 tỷ đồng. Đây là quy mô vốn thật ấn tượng và tăng trưởng đều, bình quân tới hơn 10% mỗi năm. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, nhưng hàng năm ngân sách các cấp vẫn cân đối một số vốn đáng kể đưa sang NHCSXH để cho vay.

Ba là, về phương thức cho vay, vốn tín dụng của NHCSXH được chuyển tải đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác chủ yếu thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn của 4 tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương, bao gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB và Đoàn Thanh niên.

Hoạt động tín dụng của NHCSXH thu hút được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ Trung ương đến các địa phương, có Hội đồng quản trị và Ban đại diện Hội đồng quản trị, gồm chính quyền, đại diện một số ban, ngành tham gia. Hoạt động cho vay tại các xã, phường, thị trấn, thu hút được cả hệ thống chính trị vào cuộc, với ít nhất 4 tổ chức hội, đoàn thể nói trên. Theo đó, hoạt động của NHCSXH góp phần đổi mới hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, làm cho các hoạt động này thực chất hơn, sát hơn với lợi ích của hội viên.

Bốn là, về mạng lưới hoạt động tín dụng, được phủ kín trong toàn quốc, bên cạnh chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố, thì còn có các Phòng giao dịch quận, huyện, thị xã. Đặc biệt là có các Điểm giao dịch của NHCSXH đến tận các xã, thị trấn với thời gian giao dịch được thông báo công khai tại địa phương hàng tháng. Điều này vừa tạo thuận tiện cho giao dịch của các hộ gia đình chính sách, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, mà còn tiết kiệm chi phí cho chính NHCSXH, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.

Năm là, chính sách tín dụng của Chính phủ Việt Nam còn hướng vào một số đối tượng chính sách có tính chất đặc thù. Cụ thể là đối với riêng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, còn được thụ hưởng một số chính sách cụ thể: Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, có đời sống khó khăn, được xác định theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 do UBND xã, phường quản lý tại thời điểm điều tra mà chưa có đất ở, không có đất sản xuất, chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đất ở, có nhu cầu về vốn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Mỗi đối tượng đều được giải quyết chính sách về hỗ trợ cho vay vốn để chuyển đổi ngành nghề. Thứ hai là đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn trong toàn quốc: Trước đây được thực hiện theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ; hiện nay được thay thế bằng Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg: Ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015.

Đối tượng được vay vốn là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) (kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người DTTS) sống ở các xã (xã, phường, thị trấn) thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, có đủ 2 tiêu chí: có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức thu nhập bình quân của hộ nghèo theo quy định hiện hành; có phương thức sản xuất nhưng thiếu hoặc không có vốn sản xuất. Mỗi hộ gia đình được vay tối đa 8 triệu đồng/hộ, với thời hạn vay lên tới 5 năm; đồng thời không phải tài sản thế chấp, lãi suất hiện nay là 0,1%/tháng.

Ngoài ra, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số còn được vay vốn theo chương trình hộ nghèo làm chòi tránh lũ, mua nhà trả chậm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, vay vốn trồng rừng, vay vốn hộ cận nghèo…

Sáu là, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương chính sách đặc biệt chú ý đến vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một trong những chính sách đó có chính sách về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này, đối tượng vay vốn: Là các hộ gia đình (trừ hộ nghèo) theo quy định của Bộ luật Dân sự thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Chương trình tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, là việc Chính phủ sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động giao cho NHCSXH quản lý và cho vay đối với hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.

Có thể khẳng định, tuy nguồn vốn chương trình còn hạn chế, mới triển khai được hơn 6 năm nhưng bước đầu đã đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, vốn cho vay ưu đãi đã giúp cho người dân có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế góp phần xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của các xã vùng khó khăn.

Việc cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đã giúp các hộ, trong đó có số đông là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, không phải là hộ nghèo trước đây rất cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng không vay được các Ngân hàng thương mại vì không có tài sản thế chấp. Với chương trình này, các hộ gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh giúp cho các hộ vươn lên làm giàu, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập tại chính những vùng đang còn nhiều khó khăn về nhiều mặt.

Chương trình đang mở ra một kênh tín dụng mới giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có vốn để tạo việc làm tại địa phương, giúp họ bước đầu quen dần với cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Xuất hiện nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước làm quen với nền kinh tế thị trường và có điều kiện để phát triển kinh tế một cách bền vững.

Thực hiện chương trình tín dụng này, NHCSXH các huyện vùng khó khăn thông qua các Điểm giao dịch tại xã và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đã trực tiếp thực hiện cho vay, thu nợ đối với hộ vay tại xã, giúp đồng bào vùng khó khăn tiếp cận và quen dần với hoạt động tài chính, tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện cho hộ vay tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại trong giao dịch. Đồng thời, tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm tra, giám sát và giúp đỡ người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Kế hoạch vốn ngân sách đầu tư cho chương trình dạy nghề nông thôn cần được đánh giá tính hiệu quả một cách toàn diện, trên cơ sở đó chuyển hướng một phần kinh phí tạo nguồn vốn cho NHCSXH để mở rộng cho vay đối tượng chính sách cả nông thôn và thành thị.

Ngân sách Nhà nước nên chủ động bố trí nguồn vốn cho NHCSXH, với mức tăng trưởng ít nhất là 15 - 20% để mở rộng quy mô cho vay các chương trình tín dụng hiện nay, đặc biệt kênh tín dụng hộ cận nghèo, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; nâng mức cho vay hộ nghèo, hộ đi xuất khẩu lao động, hộ mới thoát nghèo, hộ vùng thiên tai… Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần hướng vốn tài trợ quốc tế, vốn ODA,… thông qua NHCSXH để chuyển tải vốn đến các đối tượng gia đình chính sách. Để đạt được hiệu quả cần tăng cường khâu vận động, thuyết phục, tuyên truyền,… để các nhà tài trợ hiểu, tin tưởng mô hình mới, cách làm sáng tạo riêng của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

Cần hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành của các chương trình tín dụng hiện tại cho phù hợp với thực tiễn. NHCSXH là một định chế tài chính còn khá non trẻ, mô hình này cần tiếp tục được mở rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững hiện nay cũng như trong thời gian tới.

PGS; TS. Nguyễn Hữu Thắng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác