Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo

02/10/2014
(VBSP News) Sau gần 12 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tín dụng ưu đãi đã đáp ứng nhu cầu cơ bản về vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nâng cao đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hiệu quả của đồng vốn tín dụng chính sách ở Thanh Hóa Ảnh: Trần Việt

Hiệu quả của đồng vốn tín dụng chính sách ở Thanh Hóa
                                                                                                                                 Ảnh: Trần Việt

Để chuyển tải kịp thời và quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách, NHCSXH đã thực hiện thành công phương thức quản lý tín dụng chính sách là uỷ thác cho các tổ chức chính trị - xã hội một số nội dung công việc trong quá trình chuyển tải và giám sát nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Với phương thức đó, đến nay, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, đã thực hiện 13 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 6.863,8 tỷ đồng cho 328 nghìn khách hàng, được tham gia sinh hoạt ở 9.555 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại hơn 6.000 thôn, bản, khu phố. Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa tập trung chủ yếu ở 637/637 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, tại đó các chính sách tín dụng của Nhà nước được tuyên truyền sâu rộng đến người dân; quy trình vay vốn các chương trình tín dụng chính sách được niêm yết công khai, người dân được nhận tiền vay, trả nợ trực tiếp cho NHCSXH vào ngày giao dịch cố định hàng tháng trước sự chứng kiến của Ban giảm nghèo, các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã, nhờ đó tạo được lòng tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ gia đình trong tỉnh có vốn đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, từ đó làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 107 nghìn lượt hộ, giúp trên 117 nghìn hộ nghèo cải thiện về đời sống, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, từng bước quen dần với cơ chế thị trường; góp phần đưa gần 156 nghìn hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đồng thời, còn tạo việc làm cho gần 333 nghìn lao động; giúp cho hơn 234 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, trong đó có gần 78,6 nghìn HSSV đã tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định; xây dựng được gần 178 nghìn công trình NS&VSMTNT; giúp hộ nghèo xây dựng 28,8 nghìn ngôi nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ,…

Bên cạnh kết quả đạt được, cá biệt tại một số nơi, chính quyền cấp xã chưa còn chưa thực sự quan tâm đến công tác cho vay, thậm chí có nơi còn chưa chỉ đạo, đôn đốc xử lý dứt điểm những tồn tại, chưa chủ động giải quyết những vướng mắc phát sinh, xem đó là công việc của các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và của NHCSXH. Nhiều địa phương cũng chưa chủ động rà soát, bổ sung đối tượng thụ hưởng vay vốn; xác nhận danh sách các đối tượng thụ hưởng thiếu chính xác, chưa chỉ đạo chính quyền cơ sở giám sát công tác bình xét vay vốn tại thôn. Công tác tập huấn, chuyển giao KHKT cho các khách hành vay vốn còn hình thức, không thực tế và thiếu mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với từng điều kiện phát triển tại địa phương. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát cơ sở của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH còn hạn chế, do các thành viên làm việc kiêm nhiệm, trong khi nguồn vốn đầu tư cho tín dụng chính sách ngày càng lớn, Chính phủ bổ sung cho vay nhiều chương trình tín dụng mới; đối tượng được vay vốn ngày càng mở rộng; chất lượng tín dụng tại các địa phương còn chưa đồng đều, chưa bền vững, có sự chênh lệch giữa huyện vùng biển với huyện vùng đồng bằng và huyện miền núi, trong cùng vùng, miền, chất lượng tín dụng tại cơ sở chưa đồng đều.

Để duy trì và phát huy những kết quả đạt được, đòi hỏi công tác quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách cần có sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ ngay từ cơ sở của người đứng đầu chính quyền cấp xã là Chủ tịch UBND nhằm tạo sự thống nhất, tập trung trong triển khai tín dụng chính sách tại địa phương. Khi đó công tác phối hợp giữa Ban giảm nghèo và NHCSXH trong việc xây dựng, phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng sẽ sát với thực tế, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nguồn vốn tín dụng chính sách sẽ được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả hơn; công tác chỉ đạo Ban giảm nghèo tổ chức rà soát bổ sung đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, xác nhận đối tượng thụ hưởng để vay vốn các chương trình tín dụng kịp thời; chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình giảm nghèo, mô hình sản xuất có hiệu quả phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương; đồng thời tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người nghèo, tư vấn, hướng dẫn cách làm giúp hộ nghèo làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Như vậy, để đưa Chủ tịch UBND cấp xã tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản trị của Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, giúp Chủ tịch UBND xã tiếp thu nội dung chỉ đạo của Ban đại diện Hội đồng quản trị với công tác tổ chức thực hiện kịp thời của Ban giảm nghèo cấp xã đối với việc thực hiện quản lý tín dụng chính sách cũng như thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách, tạo sự chỉ đạo gắn kết liền mạch trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Khi tăng cường vai trò chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã đối với công tác giảm nghèo, cho thấy Chủ tịch UBND xã đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, từ đó việc rà soát, xác nhận đối tượng vay vốn được kiểm soát chặt chẽ hơn; công tác phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng từ các thôn, bản được thực hiện bài bản hơn; nhiều nơi tổ chức họp phân bổ vốn mới có đầy đủ thành phần trong Ban giảm nghèo xã, các Trưởng thôn, bản tham gia. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND xã còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng tại cấp thôn. Khi có sự giám sát của Chủ tịch UBND xã, các Trưởng thôn đã tích cực hơn trong việc phối hợp với các hội, đoàn thể bình xét hộ vay vốn, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn và tích cực đôn đốc thu hồi nợ, đặc biệt là nợ xấu, nợ khó thu hồi… Tính đến hết tháng 9/2014, nợ quá hạn tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa dưới 26 tỷ đồng, giảm so với thời điểm 31/3/2013 là 21,7 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,72% giảm xuống còn 0,38%. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 121/637 xã không có nợ quá hạn(chiếm 20,6%).

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động vì sự phát triển bền vững của NHCSXH, tác giả xin nêu lên một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn triển khai thực hiện tín dụng chính sách tại chi nhánh Thanh Hóa như sau.

Một là, Chủ tịch UBND cấp xã phải được kiện toàn làm Trưởng ban giảm nghèo cấp xã nhằm tăng cường vai trò quản lý về mặt Nhà nước của người đứng đầu chính quyền đối với công tác giảm nghèo tại địa phương.

Hai là, Chủ tịch UBND cấp xã được tham gia làm thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị sẽ trực tiếp tiếp thu, triển khai các chương trình tín dụng chính sách mới, nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Ban đại diện Hội đồng quản trị. Thông qua đó mới xây dựng được kế hoạch lồng ghép việc đầu tư nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, thực hiện tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), góp phần tăng thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội.

Ba là, thông qua việc sâu sát, triển khai công việc tại cơ sở của Chủ tịch UBND xã đã giúp NHCSXH chuyển tải nguồn vốn cho vay tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến các đối tượng thụ hưởng chính sách một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tiết giảm chi phí cho người vay và ngân hàng, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị và xã hội to lớn.

Bốn là, do có sự chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu chính quyền cấp xã nên hiệu quả phối hợp giữa chính quyền cơ sở với NHCSXH được nâng cao. Từ đó, chấn chỉnh và nâng cao nâng cao chất lượng tín dụng; các chủ trương chính sách mới được triển khai nhanh chóng, kịp thời đến Ban giảm nghèo, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn và nhân dân trên địa bàn.

Năm là, thông qua việc trực tiếp triển khai tín dụng chính sách, tham gia kiểm tra, giám sát cơ sở giúp chính quyền địa phương gần dân, sâu sát với dân hơn; gắn kết hộ vay với chính quyền cấp thôn. Từ đó sẽ xây dựng được bộ máy chính quyền vững mạnh, lồng ghép hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao KHKT.

Lê Hữu Quyền

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác