Phát triển bền vững cho NHCSXH - Nhìn từ kinh tế học tài chính vi mô
Tài chính vi mô và thị trường tài chính vi mô
Hỗ trợ người nghèo hay những nhóm dân cư kém lợi thế để giúp họ phát triển luôn là một mục tiêu cao quý và đòi hỏi sự tham gia, nỗ lực của tất cả các bên trong một quốc gia với tất cả nguồn lực bên trong cũng như bên ngoài mà quốc gia đó huy động được. Điều này đặc biệt đúng với các quốc gia đang phát triển. Để thực hiện việc này, Chính phủ các nước thường thực hiện các chương trình tài trợ trực tiếp cho nhóm đối tượng cụ thể, trong từng thời điểm hay giai đoạn cụ thể. Ở mức phát triển cao hơn và có hệ thống hơn, Chính phủ có thể thành lập các ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước chuyên biệt thực hiện việc cung cấp tín dụng, tuy cũng theo nhóm hay khoảng thời gian nhưng đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực cho vay. Logic hoàn toàn đúng ở giai đoạn đầu của phát triển, nhưng với cái giá nhất định: Thứ nhất, việc trợ cấp lãi suất của các ngân hàng sẽ phát sinh gánh nặng chi phí cho ngân sách của quốc gia; Thứ hai, tài trợ trực tiếp ban đầu hay ngay cả tín dụng được trợ giá lãi suất sau này có thể dẫn đến khả năng thu hồi vốn bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh tại các vùng, nơi kém phát triển của các nước đang phát triển, các yếu tố như thông tin bất đối xứng và năng lực đàm phán có thể làm cho kết quả của các hoạt động này không đạt được mục tiêu cả về xã hội lẫn hiệu quả hoạt động.
Sự ra đời của tài chính vi mô vào những năm 1980 mà nổi bật nhất là mô hình của Grameen Bank đã giúp làm giảm chi phí của một đồng vốn cho vay cũng như làm tăng khả năng trả nợ của người đi vay. Cho vay với lượng vốn nhỏ cho một nhóm đối tượng đồng nhất (ví dụ: phụ nữ nghèo, cùng một địa phương, có các nền tảng văn hóa, xã hội và kinh tế tương đồng) đã xử lý được vấn đề thông tin bất đối xứng nếu nhìn từ phía ngân hàng và ngược lại mỗi thành viên trong nhóm đi vay có cơ hội cao hơn để nhận được khoản vay khi được các thành viên cùng tham gia “bảo lãnh” khoản vay và “hỗ trợ” sử dụng khoản vay đúng mục đích. Mô hình này tiếp tục duy trì sự phát triển và phát huy tính hiệu quả khi mở rộng hoạt động cho vay không chỉ dừng ở mục tiêu hoạt động nông nghiệp truyền thống ở quy mô nhỏ lẻ mà đã mở rộng các hoạt động khác như cho vay mở cửa hàng bán lẻ, sản xuất hàng thủ công… Kết quả đạt được là tỷ lệ hoàn trả nợ tăng lên đến 98% và có tác động tích cực đến cuộc sống của nhóm người đã tiếp cận được với nguồn vốn (Janda và Zetek, 2014).
Sự thành công của Grameen Bank cho thấy rằng một tổ chức tài chính vi mô có thể vừa đạt hiệu quả hoạt động (theo tiêu chí thị trường) vừa tạo ra tác động tích cực về kinh tế - xã hội của khu vực tiếp cận. Do ngân hàng có có hiệu quả, hệ quả tất yếu là dòng vốn từ Chính phủ, hỗ trợ từ bên ngoài sẽ có nhiều khả năng chảy vào ngân hàng đó nếu nó thuộc sở hữu nhà nước. Ngược lại, nếu ngân hàng đó là tư nhân thì rõ ràng nó có nhiều cơ hội để huy động được nhiều nguồn vốn từ thị trường hơn thay vì phải phụ thuộc vào nguồn vốn tài trợ từ chính phủ hay bên ngoài.
Trong một quốc gia, nơi các Ngân hàng thương mại đang cạnh tranh với nhau và thường hướng đến các vùng địa lý có lợi tức hoạt động tín dụng cao hơn thì toàn bộ những nơi kém phát triển chính là khu vực thị trường tiềm năng cho một tổ chức tài chính vi mô. Một hay nhiều tổ chức tài chính vi mô cùng phục vụ một khu vực sẽ giúp đẩy lùi ảnh hưởng của tín dụng đen cũng như làm tăng cơ hội cho nhóm lớn dân cư ở đó được tiếp cận vốn vay hay ở một mức độ phát triển cao hơn là các dịch vụ tài chính. Các dịch vụ tài chính cơ bản ngoài tín dụng vi mô còn có chuyển tiền và tiết kiệm vi mô sẽ thực sự đóng vào phát triển tài chính của các nơi kém phát triển này nói riêng và của quốc giá đó nói chung. Một thị trường tài chính vi mô hoạt động theo tiêu chí thị trường là bước phát triển tiếp theo của các nước đang phát triển khi mong muốn thúc đẩy giảm nghèo và sự phát triển tài chính quốc gia.
Thị trường tài chính vi mô Việt Nam
Tại Việt Nam theo đánh giá của không nhiều các tài liệu học thuật và báo cáo, khu vực tài chính vi mô đã hình thành, phát triển và có những đóng góp đáng kể vào giảm nghèo (NHCSXH, 2012) và phát triển tài chính (Cull và các cộng sự, 2013). Có một số đặc điểm nổi bật về khu vực này có tính đặc thù của Việt Nam.
Thứ nhất, vai trò của các định chế tài chính Nhà nước chiếm tỷ trọng rất cao, trong đó NHCSXH đóng vai trò chính trong việc cung cấp tín dụng vi mô. Tuy nhiên, khi nhìn vào tính bền vững của các tổ chức tài chính vi mô ở Việt Nam, Tâm và các cộng sự (2014) đã chỉ ra rằng hiệu quả hoạt động của NHCSXH còn hạn chế hơn so với chuẩn mực quốc tế và so với nhóm các tổ chức tài chính vi mô còn lại. Đối với tính bền vững tài chính, các kết quả hoạt động chính của Ngân hàng thể hiện bằng 2 chỉ số về khả năng sinh lời ROE và ROA đều âm (-) cho suốt giai đoạn 2004 - 2012 mặc dù quy mô tổng tài sản của NHCSXH qua các năm đều tăng.
Thứ hai, nhóm hai định chế tài chính lớn nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt nam (VBARD) và Ngân hàng Chính sách xã hội có sự bất đối xứng trong hoạt động huy động tiền gửi vi mô và tín dụng vi mô nếu xem theo số liệu thống kê có sẵn là số hộ gia đình có khoản tiền gửi (tiết kiệm vi mô) tại các tổ chức này và số lượng người vay (tín dụng vi mô) đi kèm với số tổng số dư nợ. Trong báo cáo của APEC TATF (2010), theo số liệu năm 2008, số lượng người gửi tiền có tiền gửi vi mô tại VBARD ước đạt 5.269 nghìn trong khi NHCSXH chỉ có 43 nghìn người gửi tiền. Ngược lại, theo số liệu năm 2010 thì VBARD và NHCSXH ước có tổng số lượng khách hàng tín dụng vi mô lần lượt là 3,2 triệu và 7 triệu với tổng dư nợ cho vay lần lượt là 3,5 tỷ và 3 tỷ đô la Mỹ. Hiện tại, chưa có một nghiên cứu nào xem xét sự bất đối xứng này. Tuy nhiên có thể diễn giải đây là tác động của khác biệt lãi suất tại hai tổ chức này. VBARD có lợi thế về mạng lưới và có thể áp dụng mức lãi suất huy động theo lãi suất cạnh tranh trên thị trường, trong khi NHCSXH có nhiệm vụ hàng đầu là cho vay theo các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và có trợ giá về lãi suất.
Thứ ba, như APEC TATF (2010), Tâm và các cộng sự (2014) đã chỉ ra khu vực tài chính vi mô của Việt Nam đang đối mặt với vấn đề thông tin (thiếu số liệu thống kê và sự tin cậy của số liệu) và không có những nghiên cứu đầy đủ về tác động kinh tế xã hội của hoạt động tín dụng vi mô. Việc này tạo ra sự khó khăn cho việc đánh giá, phân tích xem khu vực tài chính vi mô nói chung và NHCSXH nói riêng có thực sự đạt được những mục tiêu cụ thể được đặt ra cho họ.
Mục tiêu quốc gia và tính bền vững của NHCSXH
Có một điều chắc chắn rằng, nếu sử dụng 3 cấp độ về tính bền vững của một tổ chức tài chính vi mô là bền vững hoạt động, bền vững tài chính, và bền vững thể chế để đo lường tính bền vững của NHCSXH thì hai mức độ đầu đều cho thấy dấu hiệu không tốt. Riêng với tính bền vững hoạt động, tính toán theo NHCSXH (2012), chỉ số bền vững hoạt động (thu nhập hoạt động/chi phí hoạt động) của NHCSXH cho 3 năm 2010, 2011 và 2012 lần lượt là 70%, 70% và 73% . Điều đặc biệt là tỷ trọng thu nhập từ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí do ngân sách cấp so với thu nhập hoạt động của NHCSXH trong 3 năm tương ứng là 52%, 45% và 43%; có nghĩa là NHCSXH sẽ không thể hoạt động nếu không có nguồn trợ giá lãi suất hay cấp vốn từ ngân sách. Như vậy ít nhất với số liệu ba năm quan sát, chúng ta thấy một điều rõ ràng Việt Nam đang phải trợ giá cho chính sách của mình để thực hiện các chương trình cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thông qua NHCSXH.
Mặc dù trong cơ cấu nguồn vốn của NHCSXH có một tỷ trọng không nhỏ vốn huy động theo lãi suất thị trường (42,61%, 2011) nhưng NHCSXH vẫn phải tiếp tục thực hiện việc cung cấp tín dụng vi mô cho nhu cầu vay của nhóm đối tượng chịu điều chỉnh của các chương trình quốc gia. Mâu thuẫn này không dễ xử lý trong ngắn hạn, nhất là khi Chính phủ đã và đang tiếp tục cam kết và theo đuổi cách tiếp cận này. Ở phía cầu dư nợ tín dụng vi mô, điều thú vị là tỷ trọng dư nợ cho vay hộ nghèo và cho vay đối với HSSV trong năm 2012 là cao nhất và lần lượt là 36,48% và 31.43% tổng dư nợ của NHCSXH. Nếu giả định rằng việc cho vay đối với HSSV sẽ có tác động đến hình thành nguồn vốn nhân lực dài hạn, thì cũng cần xem xét việc cho vay đối với hộ nghèo có tác động thế nào ở dài hạn.
Nếu tài sản sản xuất được sử dụng để tạo ra thêm thu nhập, thì việc chứng minh các tài sản này được hình thành từ trợ giúp của Chính phủ (dưới dạng vay có trợ giá lãi suất) sẽ có ý nghĩa về đóng góp dài hạn của tín dụng vi mô đối với việc hình thành vốn của nhóm hộ gia đình nghiên cứu. Không có thông tin có sự liên kết giữa tín dụng vi mô dành cho hộ nghèo của NHCSXH với các chương trình bảo hiểm nhất là bảo hiểm nông nghiệp, tuy nhiên đây là một gợi ý tốt cho hoạt động tín dụng vi mô của NHCSXH. Tức là họ đã có thể liên kết được dịch vụ tài chính vi mô chính của mình với một dịch vụ tài chính vi mô mới. Và liên kết này có thể giúp làm tăng tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình, tức là tăng khả năng tạo nguồn vốn cho chính NHCSXH về dài hạn. Nâng cao tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình vốn đã rất thấp ở Việt Nam (Horioka, 2013) và tạo đầu ra cho tiết kiệm vi mô của họ có thể là một ngụ ý nữa cho NHCSXH cân nhắc.
Kết luận và gợi ý nghiên cứu
NHCSXH với tư cách là một định chế tài chính đặc biệt và lớn nhất trong khu vực tài chính vi mô của Việt Nam để cung cấp các dịch vụ tài chính giúp giảm nghèo và phục vụ các mục tiêu xã hội. Ngân hàng đang phải đối mặt với việc cân bằng giữa thực hiện nhiệm vụ được giao và đảm bảo tính bền vững của hoạt động. Ở ngắn hạn, nếu đánh giá theo tiêu chí thị trường về tính bền vững, thì NHCSXH chưa đạt được. Tuy nhiên, ngân hàng xem xét tác động kinh tế của các chương trình tín dụng vi mô lên việc hình thành vốn nhân lực và tài sản của hai chương trình cho vay lớn nhất của ngân hàng để có cái nhìn cân bằng. Ngoài ra, trong ngắn hạn NHCSXH sẽ chỉ có thể cải thiện tình hình bằng cách đầu tư cho quản trị nội bộ để tăng tính hiệu quả của hoạt động.
Ở trung hạn, sự phát triển của NHCSXH sẽ phụ thuộc nhiều vào thay đổi chính sách của Chính phủ. Tuy nhiên, ngay cả khi Chính phủ có mong muốn tạo ra một thị trường tài chính vi mô thực sự, thì việc chuyển đổi mô hình NHCSXH từ mô hình hiện tại sang mô hình mang tính thị trường hơn cũng là một bài toán khó và không thể tự một mình ngân hàng giải quyết được.
Lương Thái Bảo
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hướng tới sự phát triển bền vững
- » Tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo bền vững tại Việt Nam
- » NHCSXH hoạt động hiệu quả góp phần tích cực vào thực hiện chiến lược phát triển bền vững
- » Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo
- » Giúp nông dân xứ Lạng phát triển cây thế mạnh
- » Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
- » Bước chuyển mình của vùng nông thôn Quảng Ninh
- » Vốn vay ưu đãi cho người nghèo
- » Tiếp bước cho HSSV tại huyện Xuân Lộc đến trường
- » Giải pháp phát triển bền vững NHCSXH