Hướng tới sự phát triển bền vững

05/10/2014
(VBSP News) Trải qua gần 12 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH đã vượt qua nhiều khó khăn, khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, là địa chỉ cung cấp tín dụng cho người nghèo, góp phần cải thiện thị trường tài chính của các cộng đồng, nơi có hộ nghèo sinh sống. Thực tiễn hoạt động của NHCSXH đã và đang minh chứng cho sự phát triển vững mạnh và hoạt động ngày càng có hiệu quả của kênh tín dụng chính sách đặc thù ở Việt Nam.
Thông qua vốn tín dụng cho người nghèo đã hỗ trợ phát triển ngành nghề ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa Ảnh: Quang Cảnh - Thời báo ngân hàng

Thông qua vốn tín dụng cho người nghèo đã hỗ trợ phát triển ngành nghề ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa
                                                                                                                     Ảnh: Quang Cảnh - Thời báo ngân hàng

Đây cũng là cơ sở, nền tảng để NHCSXH tiếp tục phát huy và vững bước trong tương lai, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó khi bước sang giai đoạn mới “Hướng tới phát triển bền vững”, phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển của NHCSXH đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với sự “thăng trầm” của kinh tế thế giới với những giai đoạn phát triển “bùng nổ” cũng như “khủng hoảng”, khái niệm về “phát triển bền vững” đã được đề cập đến rất nhiều và trở thành xu hướng tất yếu, là mục tiêu theo đuổi của hầu hết các lĩnh vực, không trừ một quốc gia.

Khái niệm phát triển bền vững được hiểu là “Sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai…”. Nói cách khác, phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ, đó là sự dung hòa 3 lĩnh vực chính: Kinh tế - xã hội - môi trường. Với lĩnh vực ngân hàng, đến nay, chưa có một bộ tiêu chí chính thức để đánh giá sự phát triển ổn định và bền vững của khu vực này. Để hướng tới phát triển bền vững, mỗi ngân hàng trước hết phải hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả và ứng phó được trước những biến động bất lợi của thị trường. Đồng thời, các hoạt động của ngân hàng phải phục vụ nền kinh tế, với những nguồn vốn đầu tư không gây tổn hại đến môi trường, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Bản chất và mục tiêu hoạt động của NHCSXH là hướng tới giảm nghèo, an sinh xã hội, do vậy định hướng phát triển bền vững của NHCSXH trước hết là thực hiện tốt mục tiêu hoạt động của ngân hàng.

Chính vì vậy, trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012, quan điểm, mục tiêu phát triển bền vững NHCSXH đã được nêu rõ. Cụ thể, tín dụng chính sách xã hội là giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững, vì vậy cần tổ chức, triển khai thực hiện tích cực và có hiệu quả chính sách này. Nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020.

Mục tiêu phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

12 năm qua, vốn tín dụng do NHCSXH mang tới cho người nghèo đã góp phần cải thiện tình hình thị trường tài chính khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - những vùng có nhiều hộ nghèo sinh sống, đã hạn chế được nạn cho vay nặng lãi, giảm bớt được tình trạng bán, gán, cầm cố ruộng đất hoặc tình trạng bán sản phẩm non ở các khu vực nông thôn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho người nghèo đã góp phần tạo nhiều cơ hội việc làm cho người nghèo, phát huy tiềm năng lao động sẵn có của những hộ gia đình nghèo. Thông qua vốn tín dụng cho người nghèo đã hỗ trợ phát triển ngành nghề ở nông thôn như chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống cũng như làm hàng thủ công mỹ nghệ, phát triển ngành nghề truyền thống. Nhờ vậy, đã giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động nghèo, giải quyết phần lớn thời gian nông nhàn, tận dụng lao động để khai thác ngành nghề truyền thống, khai thác tiềm năng nội lực để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Các chương trình tín dụng ưu đãi còn tạo cơ hội cho người nghèo tự vận động, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát khỏi đói nghèo, hội nhập dần dần vào cơ chế kinh tế thị trường.

Bên cạnh các chương trình tín dụng cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện đời sống, NHCSXH còn thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo, vùng nghèo như chính sách về tăng cường giáo dục thông qua Chương trình cho vay HSSV là con em của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đang theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề; cho vay hỗ trợ làm nhà ở, đi xuất khẩu lao động,…

Các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước do NHCSXH đã và đang thực hiện không chỉ mang lại thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế của người nghèo mà còn tăng cơ hội cho người nghèo hội nhập vào quá trình phát triển của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo trong thời kì 2001 - 2005 giảm từ 17% xuống 7%; trong thời kỳ 2005 - 2010 giảm từ 22% xuống 9,45% và trong thời kỳ 2011 - 2013 giảm từ 14,2% xuống còn khoảng dưới 8% (theo thống kê dựa trên chuẩn nghèo của Việt Nam).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn khoảng cách khá lớn, tỷ lệ nghèo cao trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50% trong tỷ lệ nghèo chung của cả nước là khó khăn, thách thức lớn trong mục tiêu giảm nghèo giai đoạn tới. Trên thực tế cho thấy, không chỉ trong đồng bào dân tộc thiểu số mà tỷ lệ nghèo chung ở một số xã, huyện còn rất cao. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Bình là 47,8%. Các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao ở tỉnh Quảng Bình là xã Trường Sơn, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. Ở tỉnh Đắk Nông, 54,7% là hộ nghèo, trong đó tỷ lệ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 79,57%. Ở Quảng Ngãi, cả 6 huyện miền núi đều có tỷ lệ hộ nghèo cao, trên 50% đến gần 70%…

Một thực tế đáng chú ý, mặc dù số liệu báo cáo cho thấy kết quả giảm nghèo cả nước và từng địa phương cơ bản đạt mục tiêu đề ra, bình quân số hộ nghèo giảm 2% mỗi năm; các huyện nghèo, xã nghèo giảm bình quân trên 5% mỗi năm, tuy nhiên kết quả giảm nghèo chưa đồng đều, chưa vững chắc. Tỷ lệ hộ tái, phát sinh nghèo hàng năm còn cao. Bình quân cứ 3 hộ thoát nghèo thì có một hộ tái nghèo, phát sinh nghèo. Tỷ lệ này bao gồm cả số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo do hậu quả thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, hay do tách hộ.

Thực tế đó đòi hỏi trách nhiệm của các cấp, các ngành cần thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, NHCSXH cần có những giải pháp tích cực để dòng vốn hỗ trợ giúp người nghèo thoát nghèo, thúc đẩy kinh tế vùng sâu, vùng xa phát triển. Với mô hình quản lý như hiện nay, có thể thấy, NHCSXH đã tạo điều kiện tối đa để người nghèo, các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn để thoát nghèo, thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình để giúp nắm bắt chính xác hơn số hộ nghèo thực sự cần vốn để sản xuất, tránh tình trạng nguồn vốn phân bổ sai đối tượng.

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển, NHCSXH cần nỗ lực nâng cao năng lực hoạt động của mình để thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Để có những giải pháp phù hợp góp phần đưa NHCSXH phát triển bền vững theo đúng yêu cầu và định hướng của Đảng và Nhà nước, cần tập trung thiết lập một hệ thống quản lý tốt, có hiệu quả: Đây là vấn đề không đơn giản với một định chế lớn như NHCSXH trong điều kiện cơ sở hạ tầng thông tin ở Việt Nam chưa hoàn thiện như hiện nay. Theo kinh nghiệm của Thái Lan, Indonesia, Bangladesh là cần thiết lập một hệ thống quản lý chuyên nghiệp, nhất quán. Tầm nhìn và các cam kết của các nhà lãnh đạo ngân hàng phải được truyền đạt đến cấp dưới một cách đầy đủ và thống nhất trong toàn hệ thống. Chính phủ Thái Lan đề cao việc lựa chọn các nhà quản lý chất lượng cao cho hệ thống ngân hàng; còn ở Indonesia, họ lựa chọn các tư vấn nước ngoài để tránh các áp lực chính trị.

Vấn đề lãi suất cho vay cũng cần được xem xét để tránh sự lợi dụng nguồn vốn rẻ, dẫn đến nảy sinh vấn đề rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng. Với đặc thù phục vụ khách hàng là các đối tượng chính sách và các hộ nghèo, NHCSXH cần thiết kế cơ cấu lãi suất phù hợp để tránh những vấn đề nêu trên.

Nguồn nhân lực luôn giữ vai trò quan trọng trong sự thành công của bất kỳ một định chế tài chính nào. Chế độ khuyến khích nhân viên cần được chú trọng để phát triển yếu tố con người, nhất là với đặc thù của NHCSXH. Trụ sở NHCSXH các huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện làm việc của nhân viên gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, họ cũng có những sự trợ giúp và chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với các nhân viên làm việc trong những điều kiện khó khăn.

Một yếu tố quan trọng khác là việc thiết lập hệ thống hữu hiệu cung cấp thông tin yêu cầu về tình trạng thiếu nợ và lịch sử về chi trả của khách hàng trong điều kiện hiện nay, các thị trường tài chính ngày càng trở nên phức tạp hơn.

TS. Nguyễn Kim Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác