Tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo bền vững tại Việt Nam
Tín dụng chính sách là một cấu phần quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Việt Nam. Trong những năm qua, hệ thống chính sách tín dụng ưu đãi không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể một số kết quả đã đạt được.
Một là, để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, năm 1995 Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo để đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng này. Tháng 10/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo để thực hiện nhiệm vụ chuyên biệt là cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tách hoạt động tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại của các Ngân hàng thương mại nhằm tập trung nguồn lực tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo. Đến nay, NHCSXH đang thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các chương trình tín dụng được thực hiện với thủ tục thuận lợi, đơn giản, hộ nghèo không phải thế chấp tài sản; thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn tại xóm, thôn, ấp, bản, hộ nghèo được hướng dẫn để thực hiện quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn với thời gian ngắn nhất.
Hai là, Việt Nam đã tập trung huy động các nguồn lực tài chính trong xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến hết tháng 9/2014, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt 136.163 tỷ đồng.
Ba là, vốn tín dụng tại NHCSXH cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện được mục tiêu giảm nghèo. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay tại NHCSXH đạt 126.523 tỷ đồng. Dư nợ tập trung chủ yếu tại một số chương trình tín dụng chính sách lớn như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, HSSV, NS&VSMTNT, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở,…
Gần 12 năm hoạt động, đã có trên 24,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giúp trên 3,2 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 10 triệu lao động, trong đó có hơn 100 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hơn 3 triệu HSSV được vay vốn học tập, xây dựng trên 5 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, gần 7 nghìn chòi tránh lũ cho hộ nghèo tại 7 tỉnh miền Trung, gần 94 nghìn ngôi nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc…
Bốn là, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đã thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể với vai trò vừa là người giám sát vừa làm ủy thác một số công việc trong nghiệp vụ tín dụng chính sách. Với phương thức trên hoạt động tín dụng ngân hàng không còn là công việc riêng của Ngành ngân hàng mà đã từng bước được xã hội hóa - đây là phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách sáng tạo, đặc thù của Việt Nam, tạo điều kiện cho chính quyền, ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể, nhất là cấp cơ sở thường xuyên tiếp cận với nhân dân.
Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, trong những năm qua, NHNN Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho hoạt động của NHCSXH. Cụ thể, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản có liên quan tới hoạt động tín dụng cho các đối tượng chính sách tại NHCSXH, cụ thể như: Hướng dẫn các TCTD Nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH bằng 2% số dư nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm trước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP; hướng dẫn chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP.
Bên cạnh đó, yêu cầu NHCSXH chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp để tăng nguồn vốn phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2006 - 2010; mở rộng cho vay đáp ứng các nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; rà soát, chỉnh sửa quy trình tín dụng hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn vướng mắc liên quan đến cơ chế cho vay nhằm nâng cao chất lượng tín dụng; đơn giản hóa thủ tục cho vay để tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách, cơ chế tín dụng ưu đãi của Nhà nước; xác định thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của cây trồng, vật nuôi và khả năng hoàn trả nợ của người vay phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.
NHNN đã chủ động, tăng cường hợp tác và huy động nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngoài ra, NHNN còn kịp thời hỗ trợ về vốn cho NHCSXH qua kênh tái cấp vốn để đảm bảo nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách. Đồng thời, theo dõi và kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng tại NHCSXH đảm bảo phù hợp với diễn biến lãi suất trên thị trường tiền tệ và đảm bảo sự ưu đãi của Nhà nước đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trình Thủ tướng Chính phủ chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo nhằm tạo cơ hội cho hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc rà soát, xây dựng, điều chỉnh bổ sung chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, NHNN đã phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình giảm nghèo, thực hiện báo cáo khi có yêu cầu và phối hợp đề xuất, xử lý các kiến nghị, vướng mắc có liên quan.
Từ những thành tựu đạt được cùng với những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra trong chặng đường hoạt động hơn 11 năm qua, để nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn tín dụng chính sách, các định hướng mà Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới như sau:
Một là, hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác. Việc xây dựng chính sách cần có sự phối hợp, lồng ghép có hiệu quả với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng hiệu quả của từng địa phương tới hộ gia đình nghèo nhằm giúp hộ nghèo nhanh chóng vươn lên thoát nghèo.
Hai là, tạo điều kiện hỗ trợ NHCSXH trong việc huy động vốn, vay tái cấp vốn và chỉ đạo các TCTD Nhà nước (bao gồm các TCTD Nhà nước đã thực hiện cổ phần hoá và Nhà nước giữ cổ phần chi phối) thực hiện duy trì số dư tiền gửi tại NHCSXH theo quy định. Đồng thời, NHCSXH cần chủ động xây dựng phương án huy động vốn theo cơ chế hiện hành và trình cơ quan có thẩm quyền bổ sung các nguồn khác để đảm bảo có thêm vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ba là, nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức hội, đoàn thể trong công tác thống kê, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo để tạo điều kiện cho các đối tượng này kịp thời vay vốn.
Bốn là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để mọi người dân đều nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của NHCSXH về tín dụng ưu đãi. Thông tin tuyên truyền cần phảichính xác, cụ thể, dễ hiểu để tạo nhận thức đúng đắn cho những đối tượng được hoặc không được hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo.
Năm là, tập trung nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020.
Sáu là, các Bộ, ngành tiếp tụcphối hợp rà soát để đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho lĩnh vực giảm nghèo cho phù hợp với thực tế hiện nay và tình hình trong thời gian tới.
Bảy là, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách, lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với hoạt động tín dụng chính sách.
Nguyễn Viết Mạnh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » NHCSXH hoạt động hiệu quả góp phần tích cực vào thực hiện chiến lược phát triển bền vững
- » Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo
- » Giúp nông dân xứ Lạng phát triển cây thế mạnh
- » Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
- » Bước chuyển mình của vùng nông thôn Quảng Ninh
- » Vốn vay ưu đãi cho người nghèo
- » Tiếp bước cho HSSV tại huyện Xuân Lộc đến trường
- » Giải pháp phát triển bền vững NHCSXH
- » Tăng cường vai trò của NHCSXH trong việc phát triển các cụm liên kết ngành
- » Đổi thay nhờ “đòn bẩy” vốn chính sách