Người nghèo thêm điều kiện phát triển kinh tế
Bà Dương Thị Á Đông sinh năm 1964, ở tổ 3, ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn (An Giang) có 5 người con. Vợ chồng bà nghèo, lại không có nghề nghiệp ổn định nên các con không được ăn học thành tài. Nhiều miệng ăn trong nhà chỉ trông chờ vào tiền thù lao bấp bênh. Cuộc sống khó khăn đến mức, 2 đứa con lớn của bà phải bỏ xứ đi làm ăn xa ở Bình Dương. Tháng 5/2014, từ sự giới thiệu của địa phương, bà Đông được vay 50 triệu đồng để làm ăn. Bàn tính với gia đình mãi, bà quyết định dùng số tiền trên mua 2 con bò. Còn dư chút ít, bà đầu tư vào tiệm tạp hóa nhỏ ở nhà. Mỗi ngày, quán tạp hóa đem lại cho bà đủ tiền mua cá, thịt và những chi phí sinh hoạt. Hai con bò hứa hẹn sẽ giúp gia đình bà đổi đời vào 1 - 2 năm tới. “Lúc được vay 50 triệu từ NHCSXH, bà Đông rất mừng, lần đầu tiên bà cầm số tiền lớn như thế. Chúng tôi được giao nhiệm vụ theo dõi, giúp đỡ, động viên bà làm ăn, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Hiện tại bà đã đỡ khổ hơn trước nhiều, hy vọng thời gian tới sẽ thoát nghèo”, ông Vương Thanh Phong - Trưởng ấp Vĩnh An thông tin.
Chúng tôi tìm đến một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh An Giang. Huyện Tri Tôn là địa bàn có nhiều hộ nghèo và đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Gần đây, người nghèo được cải thiện về điều kiện sống. Họ được tiếp cận với vốn vay từ NHCSXH đầu tư cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Nguồn vốn từ NHCSXH đã giúp cho 6.561 lượt hộ nghèo thoát nghèo, 1.225 hộ gia đình được phát triển đàn bò, 818 hộ nghèo được xây dựng nhà ở và 1.752 hộ gia đình cải thiện môi trường sống, hàng ngàn HSSV được đến trường học tập và tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi.
Giám đốc NHCSXH tỉnh An Giang Trần Ngọc Lợi, cho biết: “Những năm qua, nhiều chương trình giảm nghèo được triển khai trên địa bàn huyện Tri Tôn đã mang lại hiệu quả khá tốt, tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm. Tuy nhiên, trên thực tế, số hộ nghèo vẫn còn tương đối lớn. Việc hỗ trợ vốn cho hộ nghèo thông qua các chương trình cho vay ưu đãi giống như việc cởi nút thắt về vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Để tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn chính sách, NHCSXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp để nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Giao chỉ tiêu nguồn vốn đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các xã, phường, thị trấn. Để vốn vay ưu đãi phát huy hiệu quả, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc định hướng cách làm kinh tế, chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp”.
Bài và ảnh Khánh Hưng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hướng tới sự phát triển bền vững
- » Tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo bền vững tại Việt Nam
- » Phát triển bền vững cho NHCSXH - Nhìn từ kinh tế học tài chính vi mô
- » NHCSXH hoạt động hiệu quả góp phần tích cực vào thực hiện chiến lược phát triển bền vững
- » Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo
- » Giúp nông dân xứ Lạng phát triển cây thế mạnh
- » Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
- » Bước chuyển mình của vùng nông thôn Quảng Ninh
- » Vốn vay ưu đãi cho người nghèo
- » Tiếp bước cho HSSV tại huyện Xuân Lộc đến trường