Khi sinh viên nghèo được chắp thêm cánh
Đừng bỏ học vì nhà nghèo
Đó là lời khuyên của Phạm Thúy Nga (26 tuổi), giáo viên trường Tiểu học An Phú, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An (Bình Dương). Nga xuất thân trong một gia đình nghèo ở huyện vùng cao Anh Sơn (Nghệ An). Gia đình Nga đông con nên các anh chị đều phải nghỉ học sớm. Bản thân Nga được học hết THPT nhưng cha mẹ đã phải “vét sạch” mọi thứ để lo học phí mỗi năm. Với hoàn cảnh như thế, Nga không dám nghĩ đến việc thi đại học. Tuy nhiên, khi thấy bạn bè háo hức làm hồ sơ, cô cũng lén gia đình đăng ký thi vào trường Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
Sau đó, được một người bạn giới thiệu, Nga vào Bình Dương tìm việc. Tại đây, biết được ý chí và nguyện vọng của Nga, các chị em đồng hương góp tiền giúp cô ôn thi, cho cô ăn ở miễn phí để chờ ngày thi đại học. Năm đó, Nga thi đậu vào trường Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, cầm tờ giấy báo trúng tuyển trên tay, Nga và những người công nhân chỉ biết ôm nhau khóc. Họ biết rằng, 4 năm học đại học là quá dài, lương công nhân chỉ ba cọc ba đồng, không thể nào giúp Nga được. Khi Nga và mọi người không biết xoay xở thế nào thì tình cờ cô biết đến Chương trình tín dụng HSSV được NHCSXH cho vay. Cuộc đời của Nga đã chính thức sang trang khi cô nhờ cha mẹ ở quê làm thủ tục vay tiền tại NHCSXH. Sau 4 năm ra trường, vừa sống tiết kiệm, vừa tích cực làm thêm, Nga đã trả được cả gốc lẫn lãi.
Nga mong muốn, NHCSXH đẩy mạnh tuyên truyền việc cho HSSV nghèo vay vốn đến vùng sâu, vùng xa để không sinh viên nào phải từ bỏ giấc mơ đại học vì không có tiền đóng học phí.
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, có nhiều em đậu đại học nhưng vì nhà quá nghèo, nếu không được vay vốn thì đành phải gác lại giấc mơ của mình. Trường hợp Lê Thành Tâm (Tây Ninh) là một ví dụ. Tâm thi đỗ vào Khoa Công nghệ môi trường - trường Đại học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. Dù đã quá thời hạn nhập học nhưng Tâm vẫn chưa có đủ tiền đóng học phí. Hoàn cảnh của Tâm rất đáng thương. Vì gặp tai nạn lao động, mẹ em bị đau cột sống nằm liệt giường, chị gái bị động kinh không thể tự lo cho mình, còn cha đi làm “cửu vạn” khắp nơi, bản thân Tâm cũng đang làm thuê để có tiền lo cái ăn hàng ngày và thuốc thang cho mẹ, cho chị. Khoản tiền 4 triệu đồng học phí là quá lớn với gia đình Tâm. Nhưng trong xã chỉ có mình Tâm đậu đại học nên chính quyền địa phương rất quan tâm, tới nhà động viên em đến trường. Mặc dù vậy, Tâm vẫn rất băn khoăn, mãi đến khi cha của Tâm kiên quyết bắt con đi học và bản thân ông sẽ không đi làm xa nữa, Tâm mới cầm số tiền vừa vay được của NHCSXH lên trường nhập học.
Vì nhập học muộn nên Tâm không được ở ký túc xá, em thuê nhà của một tiệm bán cơm sinh viên gần trường. Biết ở đây đang cần người phụ quán, Tâm đã xin làm thêm, mỗi tháng được 1,2 triệu đồng. Tâm bẽn lẽn nói rằng, với số tiền đó, em sẽ trả tiền nhà 400.000 đồng, gửi về nhà 400.000 đồng, số còn lại em giữ để mua tài liệu học, còn 3 bữa ăn đã có chủ quán lo.
Em Hồng Thị Ngọc Điệp ở Tiền Giang thi đỗ vào ngành Xã hội học - trường Đại học Hồng Bàng TP. Hồ Chí Minh. Gia đình Điệp không có đất đai để canh tác nên cha mẹ, anh chị phải đi làm thuê kiếm sống. Điệp cứ nghĩ thi đại học cho vui, nếu đậu cũng không học, vì gia đình quá nghèo. Khi đã có giấy nhập học, Điệp vẫn theo mẹ về Cần Thơ làm việc tại một quán nhậu. Một ngày trung tuần tháng 9, Điệp đang rửa chén thì có một phóng viên báo Mực Tím, quê Tiền Giang, đến tìm và mong muốn giúp đỡ bằng cách hướng dẫn gia đình làm đơn vay vốn NHCSXH để em được đến trường. Sau khi nghe phóng viên này giải thích, mẹ con Điệp trở về Tiền Giang, làm thủ tục vay vốn và cho em lên TP. Hồ Chí Minh nhập học.
Bệ đỡ tương lai
Phó Giám đốc NHCSXH TP. Hồ Chí Minh Trần Văn Tiên, cho biết, kể từ khi có Quyết định số 157 của Thủ tướng Chính phủ đến nay, đơn vị đã hỗ trợ cho hơn 70.000 lượt đối tượng theo quy định được vay vốn để trang trải chi phí học tập (bình quân mỗi năm giải ngân khoảng 8.000 - 10.000 lượt HSSV theo học), thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ là không để một HSSV nào vì khó khăn về tài chính phải nghỉ, bỏ học.
Cho vay đối với HSSV được thực hiện theo 2 phương thức; đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn; HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động được trực tiếp vay vốn tại NHSCXH nơi nhà trường đóng trụ sở.
Khi HSSV có nhu cầu vay vốn tại NHSCXH, người vay viết Giấy đề nghị vay vốn (cha hoặc mẹ của HSSV) kèm giấy xác nhận của nhà trường hoặc giấy báo nhập học gửi cho Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ tiết kiệm và vay vốn nhận được hồ sơ xin vay của người vay, tiến hành họp để bình xét cho vay, kiểm tra các yếu tố trên giấy đề nghị vay vốn, đối chiếu với đối tượng xin vay đúng với chính sách vay vốn của Chính phủ. Trường hợp người vay chưa là thành viên của Tổ Tiết kiệm và vay vốn thì tổ tại thôn đang hoạt động hiện nay tổ chức kết nạp thành viên bổ sung hoặc thành lập tổ mới nếu đủ điều kiện. Sau đó lập danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn của NHCSXH kèm giấy đề nghị vay vốn, giấy xác nhận của nhà trường hoặc giấy báo nhập học trình UBND cấp xã xác nhận.
Nhiều điểm mới
Từ ngày 06/6/2014, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm từ 0,65%/tháng xuống 0,6%/tháng. Đó là điểm mới trong Chương trình tín dụng HSSV năm 2014.
Ngoài ra, NHCSXH TP. Hồ Chí Minh còn phối hợp với các cơ quan báo chí thường xuyên tuyên truyền sâu rộng nội dung của chương trình, chủ trương, chính sách cho vay ưu đãi HSSV đến các cấp, ngành liên quan và nhất là mọi người dân để phối hợp thực hiện, cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chương trình được thực hiện công khai, dân chủ, kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để khắc phục.
Hàng năm, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp phân công các thành viên tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách tín dụng nói chung, Chương trình tín dụng HSSV nói riêng tại các địa phương. Ngoài ra, NHCSXH TP. Hồ Chí Minh cũng phối hợp cùng các Sở, ban ngành, các tổ chức hội, đoàn thể liên quan và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra với nhiều kênh và nhiều hình thức khác nhau.
Tại quận, huyện, vào đầu các học kỳ, ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn, Trưởng khu phố, ấp tại các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tuyên truyền sâu rộng Chương trình tín dụng HSSV đến từng khu phố, ấp để mọi người dân sống trên địa bàn nắm rõ nội dung chương trình. Đồng thời công khai đầy đủ các chương trình tín dụng tại bảng thông tin khách hàng của ngân hàng đặt tại 322 phường, xã, thị trấn.
Học kỳ I năm học 2014 - 2015, dự kiến có khoảng trên 4.000 HSSV có thể được vay, bảo đảm không để trường hợp nào đủ điều kiện vay vốn vì không có tiền đóng học phí phải bỏ học.
Theo Phó Giám đốc Trần Văn Tiên, về cơ bản, các hộ vay vốn và HSSV đều có ý thức và trách nhiệm trả nợ khi đến hạn. Do đó công tác thu hồi nợ đến hạn tạo nguồn vốn cho vay quay vòng đạt kết quả khá tốt, nợ quá hạn chỉ chiếm dưới 1% tổng dư nợ thực hiện của chương trình. Doanh số thu nợ từ đầu chương trình là 314,3 tỷ đồng với 34.920 hộ vay.
Theo Báo KTNT
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Góp phần vào sự phát triển của Hà Nội
- » Người nghèo thêm điều kiện phát triển kinh tế
- » Hướng tới sự phát triển bền vững
- » Tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo bền vững tại Việt Nam
- » Phát triển bền vững cho NHCSXH - Nhìn từ kinh tế học tài chính vi mô
- » NHCSXH hoạt động hiệu quả góp phần tích cực vào thực hiện chiến lược phát triển bền vững
- » Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo
- » Giúp nông dân xứ Lạng phát triển cây thế mạnh
- » Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
- » Bước chuyển mình của vùng nông thôn Quảng Ninh