Năng động Nghĩa Đàn

09/10/2014
(VBSP News) Nghĩa Đàn là huyện miền núi phía Bắc tỉnh Nghệ An, cách TP. Vinh 95km. So với các huyện trung du, miền núi trong tỉnh đây là huyện có địa hình khá thuận lợi: đồi núi chủ yếu thấp, thoải; có nhiều vùng đất tương đối bằng phẳng, với quy mô diện tích tương đối lớn. Nhờ xác định rõ mục tiêu lấy nông nghiệp làm động lực phát triển, tăng trưởng, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai, ứng dụng công nghệ mới trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi góp phần xóa nghèo bền vững.
Cam, cây trồng cho hiệu quả cao của nông dân Nghĩa Đàn

Cam, cây trồng cho hiệu quả cao của nông dân Nghĩa Đàn

Với tiềm năng đất đai, vị trí địa lý nằm trên đường Hồ Chí Minh xuyên Việt, nhiều chính sách thông thoáng, Nghĩa Đàn đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư. Đến nay, một số dự án trọng điểm đã được triển khai và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp đi vào ổn định, Nhà máy sữa tươi TH khánh thành từ giữa năm 2013, góp phần làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp của huyện, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ngoài dự án bò sữa, Tập đoàn TH và Ngân hàng Bắc Á đã và đang đầu tư một số dự án khác, như: dự án trồng rau sạch, trồng cây dược liệu, gỗ thanh MDF…

Theo Bí thư huyện ủy Vi Văn Định, với hơn 70% số hộ sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, song song với việc thu hút đầu tư, Nghĩa Đàn đã thực hiện nhiều biện pháp xóa nghèo bền vững. Một trong những biện pháp quan trọng mang lại hiệu quả lớn đó là sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH, xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư phù hợp với từng địa phương, như: mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh chồi cỏ hại mía xã Nghĩa Liên; chăn nuôi lợn thịt theo hưóng GAP xã Nghĩa Hội, chăn nuôi dê ở xã Nghĩa lạc…

Gia đình chị Đinh Thi Yên ở xóm 1, xã Nghĩa Yên trước đây thuộc diện hộ nghèo, ở trong căn nhà xiêu vẹo. Năm 2006, được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng, chị đã mua 1 con trâu cái. Ngân hàng cho vay vốn, cán bộ khuyến nông đến tận nhà, ra tận đồng hướng dẫn cách thức nuôi trâu sinh sản. Sau một thời gian, từ một con trâu mẹ, chị đã có thêm 4 con trâu con. Nhờ tiền bán trâu, chị đầu tư trồng 1ha dưa hấu. Khởi nghiệp từ vốn vay ưu đãi, từ 1 con trâu - “đầu cơ nghiệp”, đến nay gia đình chị vừa nuôi trâu, chăn nuôi lợn, gà; vừa trồng dưa hấu, mỗi năm cho thu nhập 50 triệu đồng. Nhờ vậy, chị đã làm được căn nhà mới khang trang, sắm xe máy và mua nhiều vật dụng trong gia đình. “8 - 9 năm trước tôi không dám mơ tới thoát nghèo, nếu không được vay vốn từ NHCSXH để phát triển sản xuất, chăn nuôi”, chị Yên bộc bạch khi khách đến thăm nhà.

Anh Nguyễn Thế Quang ở xóm 13, xã Nghĩa Thịnh là một hộ nghèo. Qua nhiều lần tham gia sinh hoạt Hội Nông dân, học hỏi kinh nghiệm và trải nghiệm các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, anh đã mạnh dạn vay 25 triệu đồng của NHCSXH. Dựa vào lợi thế địa phương có đồi núi, anh mua 9 con dê về nuôi. Áp dụng những điều “mắt thấy, tai nghe” qua các đợt tập huấn, đàn dê phát triển tốt. Sau 3 năm gia đình đã có 40 con. Trung bình thu nhập từ dê trên dưới 50 triệu đồng/năm. Có vốn trong tay, anh Quang cùng vợ khai hoang vỡ đất, trồng thêm 1.000 gốc cam, chanh, 2ha mía, bầu, ổi, tổng thu nhập từ cây ăn quả và mía hơn 150 triệu đồng/năm. Thoát nghèo bền vững, anh Quang trả hết nợ gốc và lãi cho NHCSXH. “Thời gian tới tôi mong được tiếp tục vay thêm vốn để mở rộng trang trại, đầu tư nuôi chim bồ câu và gà thả vườn tăng thu nhập cho gia đình”, anh Quang đề nghị. Hiện nay, Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng đang quản lý gần 4 tỷ đồng vốn vay NHCSXH, cho 182 hội viên vay. Toàn xã có khoảng 100 mô hình kinh tế, có  thu nhập 100 - 150 triệu đồng/năm.

Không chỉ có nông dân mới có nhiều mô hình kinh tế, thanh niên Nghĩa Đàn với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội”, “4 đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” có gần 100 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, thu nhập từ 50 - 150 triệu đồng/năm, chủ yếu làm trang trại, chăn nuôi dê, trâu, bò, trồng cây ăn quả. Huyện đoàn đã phối hợp với NHCSXH nhận ủy thác gần 50 tỷ đồng; đồng thời phối hợp với Trung tâm dạy nghề mở hướng cho thanh niên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Theo số liệu của huyện, năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của Nghĩa Đàn chỉ đạt 9,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 23,12%, đến năm 2013 tăng lên trên 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,97%.

Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị ngày 30/7/2013 về phương hướng nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong đó xác định Nghĩa Đàn là trung tâm của khu nông nghiệp công nghệ cao, đã và đang tạo động lực góp phần đưa Nghĩa Đàn trở thành một khu vực tăng trưởng kinh tế của miền Tây xứ Nghệ.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác