KỶ NIỆM 60 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ: Giúp dân vùng 2 ngoại thành Hà Nội xóa nghèo, làm giàu

09/10/2014
(VBSP News) Khác với những tháng trước, năm trước, tháng 10 năm nay, những quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội phấn chấn bước vào đợt thi đua cao điểm: Giải ngân, thu nợ nhanh gọn, đúng địa chỉ, đúng quy định, lập thành tích chào mừng 60 năm ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), 12 năm ngày thành lập NHCSXH (04/10/2002 - 04/10/2014) và 5 năm ngày sáp nhập mở rộng địa giới thành phố Hà Nội (20/10/2009 - 20/10/2014).
Hộ nghèo ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn đến Điểm giao dịch nhận vốn vay ưu đãi Ảnh: Thái Hòa

Hộ nghèo ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn đến Điểm giao dịch nhận vốn vay ưu đãi
                                                                                                                                    Ảnh: Thái Hòa

Đúng vào dịp này, chúng tôi về thăm huyện Mỹ Đức, một vùng đất không chỉ có danh thắng Chùa Hương và làng dệt gấm Phùng Xá nổi tiếng, mà còn là nơi có 21 xã, thị trấn thuộc vùng 2 đang được sự đầu tư hiệu quả của nhiều chương trình, dự án, trong đó có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH. Chỉ tính riêng trong quý 3 vừa qua, doanh số cho vay của NHCSXH huyện Mỹ Đức đã đạt 37,8 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ sau 12 năm hoạt động trên địa bàn lên 9 chương trình với 215 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch cả năm 2014, tăng 6,8 tỷ đồng so với đầu năm.

Với phương châm cho vay: “Công khai, dân chủ, đúng địa chỉ, an toàn và hiệu quả” của NHCSXH huyện Mỹ Đức, đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vùng quê thuần nông này đều sử dụng vốn đúng mục đích, khả năng trả nợ tốt, thoát nghèo bền vững. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở thôn Thượng, xã Thượng Lâm, từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, xây dựng cơ ngơi khá giả. Năm 2013, được vay 25 triệu đồng hộ cận nghèo của NHCSXH cùng với số tiền dành dụm của gia đình, vợ chồng chị Duyên đã cải tạo 1.500m2 mặt nước làm ao thả cá giống và nuôi bò sinh sản, gà thịt. Công việc nuôi cá, và chăm sóc đàn gà, bò sinh sản thuận lợi, tháng trước đây, gia đình chị tiếp tục tăng đàn và mở rộng hệ thống chuồng trại, ao nuôi. “Nhờ đồng vốn ưu đãi tiếp sức, chắc chắn cuối năm nay gia đình tôi thoát hết nghèo, sớm hoàn trả nợ cho ngân hàng”, chị Duyên vui cười cho chúng tôi biết.

Không chỉ có gia đình chị Duyên được vay nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH thông qua Hội Phụ nữ thực hiện uỷ thác, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở cả 5 thôn của xã Thượng Lâm cũng được vay vốn thuận lợi, đầu tư kịp thời vào sản xuất lúa cao sản, trồng rau màu, chăn nuôi bò sinh sản, lợn giống theo mô hình trang trại, gia trại… vươn lên làm giàu chính đáng.

Nhờ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, gia đình chị Nguyễn Thị Chung đã xây dựng được chuồng trại chắc chắn chăn nuôi nhím Ảnh: Trần Việt

Nhờ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, gia đình chị Nguyễn Thị Chung đã xây dựng được chuồng trại chắc chắn chăn nuôi nhím
                                                                                                                                      Ảnh: Trần Việt

Đơn cử như chị Nguyễn Thị Chung ở thôn Hạ, xã Thượng Lâm đã sử dụng toàn bộ 180 triệu đồng vay chương trình giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện Mỹ Đức để thâm canh 4 mẫu cây ăn quả đặc sản như bưởi Diễn, nhãn lồng Hưng Yên, hồng xiêm Xuân Đỉnh, xây dựng chuồng trại chắc chắn trên đồi Mo, nuôi lợn, bò vỗ béo 30 con và 120 con nhím. Hiện với trang trại này mỗi năm gia đình chị thu nhập tới nửa tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động thường xuyên và 25 - 30 lao động thời vụ, với mức lương bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Chị Bùi Thị Thuỷ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thượng Lâm, cho biết: “Đến nay dư nợ do Hội Phụ nữ xã quản lý là 4,7 tỷ đồng, chiếm 58% tổng dư nợ toàn xã với 315 lượt hội viên vay vốn. Chị em chúng tôi xác định nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện đã và đang là trợ lực tác dụng nhất giúp người dân phát triển sản xuất, xóa nghèo nhanh, ổn định cuộc sống”.

Được biết, trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã có 365 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động có hiệu quả chuyển tải nguồn vốn chính sách của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách công khai, dân chủ, góp phần quan trọng làm giảm tỷ lệ hộ nghèo rõ rệt, thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, NHCSXH huyện đang tập trung nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác của các hội, đoàn thể, đảm bảo giao dịch tại xã định kỳ thường xuyên, nhằm đầu tư có hiệu quả cho phát triển sản xuất, xóa nghèo bền vững. 

 Tính đến hết tháng 9/2014, tổng dư nợ 11 chương trình tín dụng ưu đãi được NHCSXH TP. Hà Nội triển khai đạt 4.564 tỷ đồng, tăng 263,5 tỷ đồng so đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là nhiều chương trình tín dụng lớn đã cơ bản hoàn thành kế hoạch năm như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt dư nợ 1.943,8 tỷ đồng, tăng 291 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 100% kế hoạch; cho vay giải quyết việc làm đạt dư nợ 1.056,7 tỷ đồng, bằng 98,7% kế hoạch; cho vay NS&VSMTNT đạt dư nợ 752 tỷ đồng, tăng 169,5 tỷ đồng so với đầu năm, bằng 99,9% kế hoạch… Chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,24%/tổng dư nợ. Điều này cũng cho thấy nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã được bảo toàn và phát huy hiệu quả.

Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác