Bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân Thái Bình
Những ngày này, chúng tôi có dịp theo chân các cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Kiến Xương về giải ngân vốn Chương trình NS&VSMTNTtại xã Vũ Trung. Trong đợt này, Phòng giao dịch đã giải ngân hơn 800 triệu đồng, nâng tổng dư nợ chương trình này lên 3,08 tỷ đồng với 600 hộ đang vay vốn.
Là một trong những đối tượng được thụ hưởng chương trình, bà Lê Thị Lụa ở thôn 7B, phấn khởi cho biết: “Được Tổ tiết kiệm và vay vốn thông báo gia đình được xét duyệt vay, gia đình tôi vui lắm. Từ 12 triệu đồng vốn vay ưu đãi cộng thêm số tiền tự có, gia đình tôi đã xây dựng được công trình nước sạch vệ sinh môi trường đồng bộ, khép kín, gồm nhà tắm, nhà vệ sinh, bể lọc nước, bể chứa nước bảo đảm nước sạch sinh hoạt cho cả gia đình”.
Đến hết tháng 9/2014, dư nợ chương trình trên địa bàn tỉnh Thái Bình đạt 387,9 tỷ đồng với 49.063 hộ còn dư nợ. Các huyện có dư nợ cao: Thái Thụy 60,9 tỷ đồng với 7.821 hộ đang vay vốn; Tiền Hải gần 60 tỷ đồng với 8.149 hộ còn dư nợ; Đông Hưng đạt 58,4 tỷ đồng với 7.097 hộ đang vay vốn. Ông Vũ Văn Thuân - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Bình, cho biết: Ngay sau khi nhận được kế hoạch nguồn vốn từ cấp trên, căn cứ vào thực tế của từng địa phương, chi nhánh đã chủ động tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh thực hiện phân bổ nguồn vốn đến các huyện, thành phố để thực hiện giải ngân cho các đối tượng được thụ hưởng. Để bảo đảm an toàn nguồn vốn cũng như việc sử dụng vốn đúng mục đích, NHCSXH tỉnh và các huyện, thành phố đã phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện kiểm tra sau khi cho vay, qua đó kiên quyết thu hồi nếu các hộ vay sử dụng vốn không đúng mục đích. Chính vì thế, tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình ở mức thấp, chiếm 0,007%/tổng dư nợ.
Đặc biệt, từ ngày 01/5/2014, mức vay tối đa chương trình này sẽ được điều chỉnh từ 4 triệu đồng/công trình/hộ lên 6 triệu đồng/công trình/hộ. Bên cạnh đó, đối tượng vay vốn chương trình cũng được mở rộng, kể cả các hộ gia đình có nhu cầu cải tạo, nâng cấp công trình đã vay vốn trước đây cũng được xem xét giải quyết cho vay. Ông Vũ Văn Thuân cho biết thêm: Đây là một trong những chính sách rất hợp lòng dân, góp phần không nhỏ giúp các hộ gia đình chưa có công trình nước sạch, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn có điều kiện được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên do nguồn vốn còn hạn hẹp nên đến nay số hộ được tiếp cận nguồn vốn mới đạt 9,22% số hộ ở vùng nông thôn. Mặt khác, tại Thái Bình hiện nay có 23 doanh nghiệp đang đầu tư 31 công trình cấp nước sạch tập trung với công suất 204.850m3 cấp nước sạch cho 168 xã nên nhu cầu vay vốn Chương trình NS&VSMTNT của các hộ gia đình để xây dựng bể chứa và lắp đặt đường ống dẫn nước về gia đình trong thời gian tới rất lớn, cần có sự quan tâm và hỗ trợ từ cấp trên và các đơn vị có liên quan trên địa bàn để giúp Thái Bình đến hết năm 2015 có 100% các xã trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch.
Bài và ảnh Minh Hương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người nghèo vùng bãi ngang ven biển Nghi Xuân với nguồn vốn vay
- » Hội nghị đối thoại định kỳ tại nơi làm việc - Điểm mới trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của NHCSXH
- » NHCSXH tham gia Hội thi “Chữa cháy và cứu tài sản năm 2014”
- » Lạng Sơn nỗ lực xóa nghèo
- » Phụ nữ Thanh Bình sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » KỶ NIỆM 60 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ: Giúp dân vùng 2 ngoại thành Hà Nội xóa nghèo, làm giàu
- » Năng động Nghĩa Đàn
- » Điểm tựa giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo
- » “Khoảng trống tín dụng” với hộ mới thoát nghèo
- » Kiến Xương phát huy hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi