Người nghèo vùng bãi ngang ven biển Nghi Xuân với nguồn vốn vay
Tổng dư nợ của NHCSXH huyện Nghi Xuân hiện đạt 290 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 110 tỷ đồng. |
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Lê Thị Việt ở thôn 4, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, một hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chồng bà bị nhiễm chất độc da cam, nên mọi việc gia đình, gánh nặng nuôi con, đổ dồn hết lên đôi vai gầy của bà. Hàng ngày, bà phải đi ra thị trấn huyện gánh mướn, làm thuê nhưng đồng tiền kiếm được cũng chẳng đáng là bao. Cuộc sống tưởng chừng như không có lối thoát bởi nhà chỉ có vẻn vẹn 3 sào ruộng cấy lúa 1 vụ, của cải trong nhà cũng đã bán hết để lo thuốc thang chữa bệnh cho chồng. Năm 2011, gia đình bà được xét vay 15 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Với số tiền này, cộng thêm số tiền vay từ chị em bạn bè, bà tiến hành xây chuồng và mua 1 con bò sinh sản về nuôi. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, con bò phát triển mạnh, sinh sản 2 lần được 2 con bê cái. Tháng 8/2014, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 4 lại bình xét để bà được vay 35 triệu đồng hộ nghèo theo mức vay mới tại NHCSXH huyện. Nhận số tiền vay khá lớn, bà mua một cặp bò sinh sản về nuôi. Bà Việt, cho biết: Hiện chuồng bò của bà có 3 con bò mẹ, 2 con bê. Nếu việc chăn nuôi thuận lợi dự định năm tới có tiền lãi sẽ trả hết nợ và xây nhà mới để “an cư lạc nghiệp”.
Rời gia đình bà Việt trong niềm vui thoát nghèo, chúng tôi đến với gia đình anh Nguyễn Hồng Sáng ở thôn Phú Trung, xã Xuân Yên. Trước đây kinh tế gia đình anh thiếu thốn. Do sống trong vùng bãi ngang, đất ruộng sinh lầy, khu vườn toàn cát trắng, do đó chẳng cây trồng nào đơm bông kết trái được, năm 2013, được NHCSXH tạo điều kiện vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo, anh Sáng đã mạnh dạn xây dựng chuồng trại và mua bò về nuôi, sau 1 năm bò đã sinh sản ra bê con; nhận thấy địa phương có sẵn bãi chăn thả, anh bàn với gia đình mua thêm cặp bò về chăn thả để có thêm thu nhập. Anh Sáng, chia sẻ: “Gia đình tôi quyết tâm nhân rộng đàn bò để có tiền trả nợ cho ngân hàng và thoát nghèo trong năm 2014 này. Tôi rất mong sẽ có nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong thôn, xóm được tiếp cận nguồn vốn chính sách để ổn định cuộc sống”.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch UBND xã Xuân Thành, những năm qua, nhờ vốn vay ưu đãi mà nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong xã có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay còn 13%, hộ cận nghèo là 11,2%. Để đồng vốn ưu đãi tiếp tục đạt hiệu quả, trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tập trung giám sát nguồn vốn vay; đồng thời xây dựng nhiều mô hình giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh Trần Đông
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hội nghị đối thoại định kỳ tại nơi làm việc - Điểm mới trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của NHCSXH
- » NHCSXH tham gia Hội thi “Chữa cháy và cứu tài sản năm 2014”
- » Lạng Sơn nỗ lực xóa nghèo
- » Phụ nữ Thanh Bình sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » KỶ NIỆM 60 NĂM GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ: Giúp dân vùng 2 ngoại thành Hà Nội xóa nghèo, làm giàu
- » Năng động Nghĩa Đàn
- » Điểm tựa giúp phụ nữ vươn lên thoát nghèo
- » “Khoảng trống tín dụng” với hộ mới thoát nghèo
- » Kiến Xương phát huy hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi
- » Được vay vốn tới 1 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm