Thoát nghèo bền vững của một huyện 30a

14/10/2014
(VBSP News) Tuy hoạt động ở một địa bàn miền núi nghèo nhất tỉnh Bình Định nhưng NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tích cực triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi, dư nợ đạt 141,8 tỷ đồng với 6.076 hộ còn dư nợ.
Một buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Định Tam

Một buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Định Tam

Theo báo cáo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện với Đoàn công tác Ngân hàng Chính sách nước CHDCND Lào vừa qua: tính đến ngày 30/9/2014, hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở hầu hết 9 xã, thị trấn trong huyện đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả cao; chất lượng tín dụng cũng được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, NHCSXH huyện Vĩnh Thạch (huyện 30a) đang thực hiện giải ngân cho hàng trăm hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn ưu đãi tới 50 triệu đồng/hộ, theo Quyết định mới của Nhà nước về nâng mức vay và hạ lãi suất một số chương trình tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi của nhân dân góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc, miền núi.

Là một trong những làng quê nghèo của huyện Vĩnh Thạnh, có nhiều hộ gia đình được tiếp cận, thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi, thôn Định Tam, xã Vĩnh Hảo đang có bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xóa nghèo, ổn định cuộc sống. Nơi đây có Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Phụ nữ quản lý thôn Định Tam, hiện có 50 thành viên tham gia sinh hoạt đều đặn, vay vốn ưu đãi tới gần 1,5 tỷ đồng, trong đó có 28 hộ gia đình vay 847 triệu đồng chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, 15 hộ gia đình vay 425 triệu đồng chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, HSSV, NS&VSMTNT… Riêng trong tháng 9 vừa qua, tổ có 2 hộ nghèo được vay 45 triệu đồng/hộ và 1 hộ cận nghèo vay 40 triệu đồng theo quy định mới về nâng mức cho vay. Nếu như năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của thôn trên 42% thì đến thời điểm này con số đó chỉ còn 19,7%; mức thu nhập bình quân đầu người cũng đạt 14,8 triệu đồng. Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo và nhờ sự hoạt động hiệu quả của Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhất là sự tiếp sức của NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh.

Tiêu biểu là gia đình chị Lê Thị Huệ ở thôn Định Tam, 5 năm về trước cuộc sống trong gia đình chị còn bữa đói, bữa no. Năm 2012, vợ chồng chị được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo đã đầu tư nuôi bò vỗ béo và trồng 1ha rừng keo. Nhờ cần cù lao động và được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng ngừa bệnh cho đàn gia súc nên đến cuối năm 2013, đàn bò của gia đình chị đã lên 8 con, bán được giá 3 con, chị trả hết nợ vay cho ngân hàng, số tiền còn lại đầu tư tiếp vào việc trồng rừng, mua thêm bò nuôi vỗ béo. Cùng với việc vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn vay đạt kết quả trong trồng rừng, nuôi bò, gia đình chị Huệ và 9 hộ khác trong thôn cũng được hỗ trợ tiền mua máy cày, xe tải nhỏ phục vụ công việc nhà nông. Từ đây, kinh tế gia đình chị ổn định hơn, vừa thoát hẳn nghèo khó, lại có đủ tiền lo cho 2 người con học đại học.

Ở Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Định Tam bây giờ không chỉ có mình chị Huệ, mà còn nhiều hộ khác như chị Trúc Phượng, chị Sen, chị Diện… thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu nhờ có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH.

Thời gian tới, NHCSXH huyện Vĩnh Thạnh tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp cùng với chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện cho vay vốn ưu đãi đến tận các đối tượng được thụ hưởng, đặc biệt triển khai giải ngân kịp thời theo quy định mới của Nhà nước về nâng mức vay và hạ lãi suất một số chương trình tín dụng… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vùng dân tộc, miền núi tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn, đồng vốn ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất cả về diện tích và quy mô, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh Diệu Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác