CCB trên mặt trận chống “giặc nghèo”

17/10/2014
(VBSP News) Theo chân đoàn cán bộ của NHCSXH tỉnh Cao Bằng đến giám sát tình hình thực hiện vốn vay tại cơ sở, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi thỏ của CCB Phan Văn Huy ở xóm Lăng Phia, xã Hồng Định, huyện Quảng Uyên - ông là một trong những tấm gương điển hình làm giàu từ chăn nuôi.
CCB Phan Văn Huy phấn khởi khoe đàn thỏ đầu tư hiệu quả từ vốn ưu đãi của mình

CCB Phan Văn Huy phấn khởi khoe đàn thỏ đầu tư hiệu quả từ vốn ưu đãi của mình

Chúng tôi ngỡ ngàng đứng trước ngôi nhà hai tầng khang trang có biển hiệu quảng cáo Thành Trung chuyên thỏ thịt, thỏ giống, và bất ngờ hơn khi bước vào nhà thấy ông - một lão nông thực thụ đang ngồi trước máy tính say sưa truy cập mạng Internet để tìm tòi thông tin về cách làm giàu, kinh nghiệm chăn nuôi trên mạng.

Ông tâm sự, năm 1985 tham gia quân ngũ và đóng quân tại Sóc Hà thuộc huyện Hà Quảng rồi chuyển về tỉnh Bắc Giang, đến năm 1988 xuất ngũ về địa phương. Đến khi lập gia đình, cuộc sống rất khó khăn vì đất ruộng, rẫy bố mẹ chia cho cũng ít. Phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” và không cam chịu cảnh đói nghèo, ông đã nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi để thoát nghèo cho gia đình. Ông nghĩ, ban đầu chưa có vốn đầu tư chăn nuôi lợn, nấu rượu để tạo thu nhập. Từ việc muốn tăng số lượng đàn lợn, ông mạnh dạn vay vốn NHCSXH huyện 30 triệu đồng để đầu tư. Có vốn đầu tư nuôi lợn, hàng năm thu nhập đến hàng trăm triệu đồng và có điều kiện trả xong tiền ngân hàng. Ông Huy khẳng định: “Nguồn vốn vay là “vị cứu tinh” cho gia đình tôi trong lúc khốn khó. Từ khi có thêm vốn, tôi bắt đầu nghiên cứu qua sách báo, mạng Internet về cách làm giàu, qua tìm hiểu tôi thấy nuôi thỏ vốn đầu tư nhỏ, không mất nhiều công chăm sóc như nuôi lợn nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên tôi quyết định chuyển sang đầu tư nuôi thỏ”.

Ban đầu để chọn được giống thỏ tốt, ông tìm đến Sơn Tây (Hà Nội) mua 2 con thỏ đực, 3 con thỏ cái về nuôi để gây đàn. Thức ăn hàng ngày của thỏ chủ yếu là ngô, cám, đỗ tương, cỏ voi và các loại rau. Do áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc nên đàn thỏ sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay, đàn thỏ của gia đình ông thường xuyên có 50 con thỏ cái, 70 con thỏ thương phẩm, 100 - 200 con thỏ con (thỏ giống). Trung bình một con thỏ mẹ trong một năm đẻ được 60 con. Giá thỏ giống từ 150 - 200 nghìn đồng/đôi, thỏ thịt 80 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi năm trừ các loại chi phí, gia đình ông Huy thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Có nguồn thu nhập ổn định, gia đình ông có điều kiện cung cấp đầy đủ cho các con ăn học, xây được nhà 2 tầng khang trang, mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt.

Ông Phan Văn Huy không chỉ là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế gia đình, mà còn rất tích cực trong các phong trào, hoạt động tại địa phương, được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ xóm. Ông luôn nhiệt tình hướng dẫn bà con trong xóm cách nuôi, chăm sóc thỏ. Xóm Lăng Phia hiện đã có gần 10 hộ phát triển chăn nuôi thỏ như gia đình ông Huy. Nhiều năm qua, ông Phan Văn Huy được huyện tặng nhiều Giấy khen vì có thành tích phong trào phát triển kinh tế gia đình, CCB, Bí thư chi bộ gương mẫu xuất sắc.

Bài và ảnh Nguyễn Thanh Thụy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác