Kết quả thực hiện tín dụng chính sách và triển khai chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 tại Lâm Đồng

14/10/2014
(VBSP News) Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là do thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy Đảng và Nhà nước ta đã xác định tín dụng ưu đãi là một chính sách không thể thiếu trong hệ thống các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ngày 4/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo trước đây và giao cho NHCSXH thực hiện.
Là tỉnh miền núi, với 73/147 xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn, hơn 11 năm qua, đồng vốn chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Lâm Đồng vươn lên thoát nghèo Ảnh: Nguyễn Công - Báo NTNNay

Là tỉnh miền núi, với 73/147 xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn, hơn 11 năm qua, đồng vốn chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Lâm Đồng vươn lên thoát nghèo
                                                                                                       Ảnh: Nguyễn Công - Báo NTNNay

Triển khai Nghị định 78 tại Lâm Đồng

Là tỉnh miền núi, với 147 xã, phường, thị trấn, trong đó có 73 xã thuộc vùng khó khăn, năm 2013 tỉnh còn 12.200 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,13%, trong đó hộ đồng bào DTTS là 6.792 hộ, chiếm tỷ lệ 10,76%; hộ cận nghèo còn 13.369 hộ, chiếm tỷ lệ 4,52%. Công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội tỉnh nhà.

Qua hơn 11 năm hoạt động, chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) để tuyên truyền và thực hiện các chương trình tín dụng đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, chi nhánh đã triển khai 10 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách ngay tại Điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại 147 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với nhiều ưu đãi như: lãi suất thấp, không phải thế chấp tài sản, thủ tục vay vốn đơn giản, hồ sơ cho vay được NHCSXH cấp miễn phí, giao dịch với NHCSXH ngay tại địa phương…

Thông qua 2.986 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được thành lập theo địa bàn khu dân cư, chi nhánh đã chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách đến nay đạt dư nợ 2.135 tỷ đồng với 102.495 hộ vay. Bên cạnh tăng trưởng tín dụng hàng năm, chi nhánh đã gắn liền với nâng cao chất lượng tín dụng, khống chế dư nợ quá hạn đến nay chỉ chiếm 0,47% trên tổng dư nợ.

Các chương trình tín dụng chính sách tại Lâm Đồng đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn giúp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh nhà. Chương trình cho vay giải quyết việc làm và cho vay xuất khẩu lao động đã tạo việc làm cho một bộ phận người lao động, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, lao động tiếp thu được những mặt tốt trong quá trình làm việc ở nước ngoài như: Nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc công nghiệp. Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã giúp hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, xoá được nhiều nhà tạm, nhà dột nát đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người dân. Chương trình cho vay NS&VSMTNT được triển khai trong những năm qua đã giúp nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80%, các chỉ tiêu khác về vệ sinh môi trường nông thôn đạt mục tiêu đã đề ra; đến nay toàn tỉnh có 40 xã đạt tiêu chí về môi trường. Các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tập trung cho phát triển sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, giảmsố hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn như sau: Sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp giá cả thường không ổn định; sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trong khi bảo hiểm sản phẩm trong nông nghiệp mới được triển khai thí điểm tại một số tỉnh và đối tượng bảo hiểm cũng rất hạn chế. Lâm Đồng không thuộc diện được thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đợt này nên bảo hiểm nông nghiệp chưa trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho khách hàng và ngân hàng. Có nơi, UBND cấp xã chưa quan tâm bổ sung kịp thời những hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5889/VPCP-KTTH ngày 27/8/2011 nên những trường hợp này chưa tiếp cận được tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Thêm vào đó, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách chưa phối hợp, lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm dẫn đến hiệu quả sử dụng  vốn vay đầu tư cho sản xuất của người dân chưa cao.

Chuẩn nghèo hiện tại thấp hơn so với nhu cầu cơ bản của người dân, vì thế, người dân vượt chuẩn nghèo thì mới thoát nghèo theo tiêu chí chứ chưa thoát nghèo thật sự, bền vững. Cùng với đó, nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi của một số chương trình như: cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn… còn rất lớn trong khi nguồn vốn tín dụng ưu đãi có hạn, chưa đáp ứng hết được nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn còn thấp, ảnh hưởng đến các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo; chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động, thiếu việc làm có thu nhập cao, ổn định, đặc biệt cho thanh niên nghèo, thanh niên dân tộc. Còn có nơi hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà chưa tự lực vươn lên thoát nghèo… Còn một bộ phận người dân vẫn nhận thức xây dựng nông thôn mới là Chương trình đầu tư của nhà nước nên còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020

Mục tiêu tổng quát được xác định là phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước; gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.Mục tiêu cụ thể là: 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp; dư nợ tăng trưởng hàng năm khoảng 10%; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 3%/tổng dư nợ; đơn giản hóa thủ tục và tiêu chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ hội nhập với hệ thống ngân hàng trong khu vực và trên thế giới; hoàn thiện phát huy hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm tra kiểm soát và phân tích cảnh báo rủi ro; phối hợp lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức CT-XH nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững bảo đảm an sinh xã hội.

Định hướng chính sách giảm nghèo bền vững từ nay đến năm 2020 của Đảng và Nhà nước được xác định là giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, để từ đó khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo; đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách; mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thiết kế chính sách theo hướng ưu tiên giảm dần từ hộ nghèo, hộ vừa thoát nghèo đến các hộ cận nghèo để các đối tượng này có động lực phát triển, giảm nghèo bền vững. Việc mở rộng tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trở thành tất yếu khách quan và đó cũng là định hướng phát triển chiến lược của NHCSXH.

Tại Lâm Đồng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dưới 1,8%, trong đó đồng bào dân tộc dưới 4,9%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,7%; không còn xã có trên 15% hộ nghèo (hiện nay còn 14 xã); hoàn thành mục tiêu giai đoạn I của Chương trình xây dựng nông thôn mới là có 43 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt trên 15 tiêu chí; huyện Đơn Dương đạt tiêu chí huyện nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người đạt 46,8 triệu đồng/năm.

Theo đó, NHCSXH tỉnh Lâm Đồng cụ thể hoá nội dung Chiến lược vào chương trình kế hoạch hoạt động hàng năm, 5 năm để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Định kỳ sơ kết, đánh giá báo cáo cấp có thẩm quyền về kết quả thực hiện Chiến lược để NHCSXH tổng kết thực hiện Chiến lược vào cuối năm 2020; tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của Điểm giao dịch xã; phối hợp với chính quyền cơ sở tăng cường giám sát việc bình xét cho vay đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của khách hàng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo giữ vững chất lượng tín dụng thấp hơn mức bình quân chung của toàn quốc. Phối hợp với các tổ chức CT-XH nhận ủy thác nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, thường xuyên củng cố mạng lưới Tổ TK&VV. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, cung cấp đầy đủ các thông tin về chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức NHCSXH có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có đạo đức nghề nghiệp, có tâm huyết, tinh thần trách nhiệm cao, ý thức kỷ luật tốt.

Căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để chỉ đạo chi nhánh tỉnh Lâm Đồng xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng hàng năm phù hợp với mục tiêu Chiến lược. Các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại cơ sở và hoạt động của hệ thống NHCSXH trên địa bàn; thông qua công tác kiểm tra tác động đến chính quyền địa phương, các tổ chức CT-XH nhận ủy thác nhận thức rõ về tín dụng chính sách, thực hiện bình xét cho vay đúng đối tượng, phối hợp với NHCSXH thực hiện có hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn tín dụng chính sách.

Huỳnh Thanh Lân - Nguyễn Thị Huệ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác