An sinh xã hội vùng ĐBSCL - huy động mọi nguồn lực
Nỗ lực cải thiện đời sống nhân dân
Bạc Liêu là tỉnh được ghi nhận bởi công tác giảm nghèo đạt hiệu quả. Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 7 nghìn hộ nghèo được giúp đỡ, hỗ trợ với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng. Trong đó, 69/69 cơ quan cấp tỉnh giúp đỡ 479 hộ nghèo; các huyện, thành phố giúp đỡ 6.559 hộ nghèo.
Huyện Hồng Dân từ đầu năm 2014 đến nay, đã phân công 57 cơ quan, đơn vị cấp huyện, 9 đơn vị xã, thị trấn kết hợp với 11 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh nhận giúp đỡ 1.150 hộ nghèo bằng cách tặng phương tiện, hỗ trợ vốn sản xuất với tổng số tiền hơn 3 tỷ 850 triệu đồng; phấn đấu năm 2014 sẽ đưa tỷ lệ hộ nghèo tại huyện còn 6%. Ông Võ Văn Út - Bí thư huyện ủy cho biết: “Muốn thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả thì phải phát huy cho được vai trò tiên phong của các chi bộ, cấp ủy cơ sở và cán bộ, đảng viên. Do vậy, đảng viên phải là những người gương mẫu trong công tác giảm nghèo”.
Còn tại huyện Đông Hải (Bạc Liêu), từ thực tế toàn huyện có 4.482 hộ nghèo và 1.902 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 21% dân số, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện đã khơi dậy ý chí thoát nghèo cho các gia đình được giúp đỡ. Huyện chỉ đạo Phòng NNo&PTNT mở các lớp tập huấn về quy trình cải tạo ao đầm, chăm sóc tôm nuôi, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm… nhằm giúp hộ nghèo nắm bắt được các quy trình, kỹ thuật sản xuất sao cho đạt hiệu quả.
Để giúp người dân tái đầu tư sản xuất, huyện Đông Hải đã phối hợp với NHCSXH huyện cử cán bộ xuống cơ sở hướng dẫn bà con làm thủ tục vay vốn.
Cũng trong 3 năm qua, tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ hơn 45 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn sản xuất; hơn 3.600 ngôi nhà ở; đào tạo nghề cho hơn 4 nghìn lao động; xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chuyển giao KHKT… Tổng kinh phí đầu tư cho công tác giảm nghèo 3 năm qua là hơn 1.500 tỷ đồng. Từ kết quả đó, toàn tỉnh có gần 24.500 hộ thoát nghèo, trong đó hơn 1 nghìn là hộ dân tộc thiểu số, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ hơn 22% (năm 2010) giảm xuống còn gần 12% (năm 2013).
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững ở các xã vùng dân tộc, các tỉnh vùng ĐBSCL đã triển khai các mô hình hỗ trợ gắn với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho vùng dân tộc. Tại tỉnh Kiên Giang từ năm 2006 đến nay đã đầu tư 580 tỷ đồng xây cất 14 nghìn căn nhà, hỗ trợ đất ở cho 2.699 hộ, đất sản xuất cho 2.220 hộ, giải quyết việc làm cho 10.810 người… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 2,5%/năm; 18 xã và 7 ấp hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn II, hiện còn 9 xã và 11 ấp; 96% hộ dân tộc sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất; 76% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số từ 6 - 14 tuổi đến trường, đạt trên 93%.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, giúp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh hình thành một số trung tâm kinh tế, văn hóa vùng đồng bào dân tộc gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực. Thời gian tới, tỉnh phấn đấu 100% địa bàn đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh dân tộc; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm; xóa nhà dột nát, trên 70% nhà ở đạt tiêu chuẩn…
Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỷ lệ hộ nghèo trong dân tộc thiểu số chiếm 27,6%, hộ cận nghèo dân tộc chiếm 14,3% do thiếu vốn, thiếu đất và kinh nghiệm, mô hình sản xuất phù hợp. Do vậy từ nay đến năm 2015 sẽ đầu tư 7,4 tỷ đồng hỗ trợ 336 hộ Khmer khó khăn ở các xã vùng dân tộc trên địa bàn các huyện: Trà Ôn, Vũng Liêm, Bình Minh và Tam Bình được vay vốn chuộc lại đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, học nghề, tạo việc làm và hỗ trợ đất ở.
Tùy theo tập quán và điều kiện sản xuất của hộ Khmer, tỉnh Vĩnh Long khuyến khích các xã vùng dân tộc tổ chức làng nghề, nhóm tổ sản xuất hoặc gắn kết sản xuất với mô hình dịch vụ nông nghiệp để đẩy nhanh giảm nghèo vùng dân tộc như tổ đan thảm lục bình ở xã Bình Ninh, huyện Tam Bình, mô hình chăn nuôi bò lai ở xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, mô hình tổ may gia công ở xã Trà Côn, huyện Trà Ôn.
NHCSXH tỉnh Vĩnh Long hiện đang tập trung giải ngân chương trình tín dụng chính sách ưu đãi cho đồng bào dân tộc. Gồm chương trình cho vay hộ đồng bào thiểu số đặc biệt khó khăn và chương trình cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL với tổng dư nợ 25 tỷ đồng cho 2.936 hộ dân tộc.
Còn nhiều hạn chế
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại khu vực ĐBSCL có nhiều tiến bộ; đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, Chăm được cải thiện. Trung bình mỗi năm, toàn vùng giải quyết việc làm đạt bình quân trên 331 nghìn lao động; đã cơ bản hoàn thành nâng cấp Bệnh viện đa khoa tuyến huyện và khu vực liên huyện, tỷ lệ trạm y tế trong vùng có bác sỹ phục vụ chiếm 71%, đạt tỷ lệ 5,7 bác sỹ/vạn dân.
Bên cạnh đó, tỷ lệ dân nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt trên 87%; các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer đều có trường dân tộc nội trú, hiện toàn vùng có 26 trường với 7.500 HSSV theo học. Đặc biệt, thông qua các hình thức vận động, nhiều địa phương như Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre và Kiên Giang đã huy động nguồn lực từ cộng đồng xã hội hàng ngàn tỷ đồng để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Tuy nhiên, kết quả công tác giảm nghèo tại các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn chưa bền vững. Mặc dù tỷ lệ nghèo giảm nhanh nhưng việc giám sát, đánh giá, theo dõi thực hiện các chính sách, dự án hoặc các giải pháp giảm nghèo còn chưa kịp thời, rà soát biến động các hộ nghèo chưa phản ánh đầy đủ thực trạng hộ nghèo. Còn có địa phương nặng về thành tích, đưa nhiều hộ thoát nghèo nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao và hộ nghèo mới phát sinh cao, đặc biệt là các xã vùng sâu, xã biên giới khó khăn. Mặt khác, một số hộ nghèo còn ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, thiếu năng lực và ý chí vươn lên thoát nghèo, có tâm lý muốn được xếp vào diện hộ nghèo để được hưởng lợi.
Nguyên nhân là nguồn lực đầu tư chương trình giảm nghèo còn hạn chế, chủ yếu là nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn lồng ghép và vận động, còn ngân sách các tỉnh chủ yếu đầu tư cho bảo hiểm y tế, điều tra, rà soát hộ nghèo… Đồng thời, vốn đầu tư giảm nghèo cho người nghèo chưa gắn kết chặt giữa vay vốn tín dụng ưu đãi với hoạt động khuyến nông - lâm - ngư, mức cho vay bình quân/hộ vẫn còn thấp, thời gian vay ngắn. Chính vì vậy, nhiều hộ nghèo có nhu cầu vay vốn nhưng chưa được vay do nợ quá hạn còn nhiều, điều này khiến cho NHCSXH và các địa phương nghiên cứu, xem xét cho vay.
Thực tế có nhiều chính sách giảm nghèo nhưng chủ yếu chỉ mang tính hỗ trợ như chính sách y tế, giáo dục, nhà ở… Trong khi chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, suất đầu tư thấp, đặc biệt là vay vốn tín dụng ưu đãi, vay vốn giải quyết việc làm. Do vậy chưa tạo ra sự đột phá trong thực hiện chương trình. Điều đáng nói, còn thiếu chính sách hỗ trợ kịp thời cho hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo như: chính sách tín dụn, y tế, giáo dục… cho các hộ nghèo thêm 2 năm kể từ khi thoát nghèo nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, công tác giảm nghèo là sự nghiệp lâu dài, gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng ĐBSCL, các giải pháp giảm nghèo đề ra phải được thực hiện thường xuyên, kiên trì trong cả hoạch định chính sách đến tổ chức triển khai thực hiện. Quan trọng nhất là không chạy theo thành tích để phản ánh sai lệch tỷ lệ hộ nghèo. Chính sách hộ nghèo phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn và được đầu tư có trọng tâm, không dàn trải. Có chính sách giảm nghèo chung và có chính sách giảm nghèo cho từng vùng khó khăn, người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.
Để làm được điều đó, nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quyết định, cần được ưu tiên và bố trí kịp thời để thực hiện các chính sách và chương trình giảm nghèo. Tuy nhiên, các tỉnh cần có cơ chế để huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Bài và ảnh Trần Ngọc Tú - Anh Đức
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Quang Tiến bứt phá thoát nghèo
- » CCB trên mặt trận chống “giặc nghèo”
- » NHCSXH trước cơ hội hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di dộng phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách
- » Vốn về, ước mơ hóa thực
- » Xoá nghèo trên miền cát trắng
- » Bắc Ninh nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân
- » Giúp dân nghèo miền Trung ứng phó với bão, lũ
- » “Phao cứu sinh” của hàng vạn hộ cận nghèo Quảng Ngãi
- » Thoát nghèo bền vững của một huyện 30a
- » Hà Nội yêu cầu xây dựng kế hoạch tín dụng 5 năm giai đoạn 2016 - 2020