Câu chuyện giảm nghèo ở Cao Bằng

20/10/2014
(VBSP News) Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Đông Bắc tổ quốc với trên 90% diện tích là rừng núi. Dân số nơi đây trên 52 vạn người, thì có tới 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, dân trí còn thấp, kinh tế chậm phát triển là những nguyên nhân chính làm cho Cao Bằng thuộc diện một trong những tỉnh miền núi biên cương đang gặp nhiều khó khăn.
Từ vốn vay, anh Nông Văn Trường nuôi bò, dê thu nhập 50 triệu đồng/năm

Từ vốn vay, anh Nông Văn Trường nuôi bò, dê thu nhập 50 triệu đồng/năm

Cao Bằng có 5/13 huyện nằm trong tốp 62 huyện nghèo nhất nước, được thụ hưởng Chương trình 30a và 1 huyện (Thạch An) được áp dụng cơ chế chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở theo quy định tại Quyết định số 293 của Chính phủ. Theo kết quả điều tra xác định hộ nghèo cuối năm 2010, toàn tỉnh có 44.233 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 38,06% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh; 7.854 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 6,76%. Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng cơ sở theo Chương trình 135 giai đoạn II; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất; khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động…

Qua 3 năm (2011 - 2013) thực hiện chương trình giảm nghèo, tỉnh Cao Bằng đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, đến hết năm 2013, toàn tỉnh còn 29.122 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,20%. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm nhanh: huyện Bảo Lâm từ 61,42% xuống còn 45,40%; Bảo Lạc giảm từ 63,41% xuống còn 42,97%, Hạ Lang giảm từ 44,90% xuống 30,43%; Hà Quảng giảm từ 38,68% xuống còn 28,75%… Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư, từng bước đáp ứng các nhu cầu cơ bản về giao lưu, phát triển hàng hóa dịch vụ và dân sinh cho người dân tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Đồng hành cùng người dân Cao Bằng vươn lên thoát nghèo là đồng vốn vay ưu đãi từ Chính phủ. Với 10 chương trình tín dụng, trong những năm qua NHCSXH tỉnh đã giúp hơn 81 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Tính đến hết tháng 8/2014, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Cao Bằng đạt trên 1.600 tỷ đồng với 65.739 hộ còn dư nợ.

Tiêu biểu trong số những đơn vị sử dụng vốn hiệu quả là huyện Hà Quảng. Cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện trong việc giải ngân vốn ưu đãi đến các đối tượng. Hiện nay, dư nợ của xã đạt hơn 7 tỷ đồng với 266 hộ vay. Ông Đàm Văn Trường - Chủ tịch xã Trường Hà, cho biết: Nguồn vốn chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả đối với đồng bào các dân tộc trong xã. Từ nguồn vốn vay, bà con đã đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả, nhất là đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc. Hiện toàn xã có trên 500 con trâu, bò. Qua đó, góp phần giảm nghèo bền vững. Năm 2010, toàn xã có trên 60% hộ nghèo, đến nay giảm xuống còn 10,5%. Là một trong số những hộ vươn lên thoát nghèo từ vốn chính sách, anh Nông Văn Trường ở xóm Nà Mạ, chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi là hộ nghèo, đất đai có nhưng không có vốn đầu tư để phát triển sản xuất. Năm 2010, được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng tôi trồng cỏ voi, nuôi bò sinh sản. Sau 2 - 3 năm bò phát triển, tôi bán lấy vốn quay vòng, mua bò gầy về nuôi vỗ béo. Đến nay, tôi trồng được trên 3.000m2 cỏ voi, bình quân mỗi năm nuôi 6 - 7 con bò, nuôi thêm 10 con dê và nuôi chim trĩ. Nhờ có vốn vay NHCSXH gia đình tôi đã thoát nghèo 2 năm nay”.

Chủ tịch Hội CCB xã Bế Triều, huyện Hòa An Phạm Trung Hữu, bộc bạch: “Thực hiện ủy thác cho vay qua tổ chức hội, đoàn thể của NHCSXH, đến hết tháng 8/2014, dư nợ qua Hội CCB xã đạt 4,2 tỷ đồng. Hầu hết các hộ sử dụng vốn vay vào phát triển chăn nuôi, mỗi năm cho thu nhập 30 - 50 triệu đồng, góp phần giảm số hộ nghèo, hộ cận nghèo của toàn xã xuống chỉ còn 14 hộ”.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, 3 năm qua tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Cao Bằng giảm mạnh, nhưng chưa bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các huyện, thành phố trong tỉnh không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước, mức sống của người dân còn thấp, số hộ cận nghèo nhiều khả năng tái nghèo lớn. Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế, tỉnh Cao Bằng đã đề ra mục tiêu và giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo đến năm 2015, trong đó, phấn đấu thu hẹp khoảng cách chênh lệch tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo so với bình quân chung của cả nước; cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết về y tế, giáo dục, văn hóa, nhà ở, nước sinh hoạt; người nghèo được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, như: tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - công và và chuyển giao KHKT vào sản xuất… Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 4%/năm trở lên (riêng các huyện nghèo, xã nghèo trên 5%/năm).

Bài và ảnh Hồ Minh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác