Hiệu quả bước đầu từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo
Thoát khỏi diện hộ nghèo từ năm 2009 và nằm trong danh sách hộ cận nghèo, do không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi nên cả nhà anh chỉ biết trông chờ vào 3 sào ruộng, mấy con gà thả vườn và tiền làm thuê làm mướn. Tháng 6/2013, anh Bê mạnh dạn vay 30 triệu đồng để mua 2 con bò cái, thuê thêm 6 sào ruộng để trồng lúa và sản xuất hoa màu. “Hiện 2 con bò cái đã mang thai, khoảng chục ngày nữa là đẻ, đến lúc đó gia đình tôi sẽ có 4 con bò và sẽ tăng thêm nữa. Ngoài ra, với 9 sào ruộng, mỗi năm sản xuất 3 vụ, không những đủ gạo ăn cho cả nhà mà còn thừa để bán lấy tiền đầu tư cho việc khác”, anh Bê phấn khởi nói. Cũng thuộc hộ cận nghèo như anh Bê, chị Nguyễn Thị Tám ở thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng được vay 30 triệu đồng nguồn vốn ưu đãi. Qua hơn 1 năm phát triển sản xuất, từ chỗ chỉ có vài con gà với 2 sào lạc, đến nay gia đình chị Tám đã có thêm 2 con bò đang trong giai đoạn mang thai, gần chục con heo, hơn 1ha cây keo và 3 sào lạc.
Bà Trần Thị Thanh Lam - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vạn Hưng cho biết, toàn xã có 2.477 hộ dân, trong đó, hộ nghèo chiếm 4,77%, hộ cận nghèo 13%. Tuy tỷ lệ hộ cận nghèo của xã đã giảm mạnh so với trước đây, nhưng phần lớn các hộ thoát nghèo chưa bền vững, đa phần có mức thu nhập và đời sống tương đối thấp nên nỗi lo tái nghèo với họ luôn hiện hữu. Vì vậy, chương trình cho vay hộ cận nghèo có ý nghĩa rất thiết thực đối với người dân cũng như chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Qua khảo sát, 81 hộ cận nghèo trong xã được vay vốn ưu đãi chủ yếu đầu tư nuôi bò, heo, gà và sản xuất hoa màu. Đến nay, nhìn vào kinh tế của các hộ có thể thấy được sự thay đổi khá rõ nét so với lúc chưa có vốn. Những hộ này luôn có tinh thần vượt khó vươn lên và chí thú làm ăn”, bà Lam chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc NHCSXH huyện Vạn Ninh cho biết, năm 2013, ngân hàng đã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể tiến hành rà soát các hộ có nhu cầu vay vốn để giải ngân kịp thời, đúng đối tượng. Sau hơn 1 năm triển khai, tính đến thời điểm này, tổng dư nợ cho vay hộ cận nghèo trên địa bàn huyện khoảng 37 tỷ đồng với gần 2 nghìn lượt hộ vay. Nhờ làm ăn hiệu quả nên bà con trả lãi rất đúng hạn, góp phần đảm bảo chương trình mục tiêu an sinh xã hội. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế, vẫn còn nhiều hộ cận nghèo trên địa bàn huyện chưa được vay nguồn vốn này. “Thời gian tới, NHCSXH huyện Vạn Ninh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung rà soát để bổ sung, nhằm đảm bảo tất cả những hộ cận nghèo có phương án kinh doanh sẽ được vay vốn ưu đãi”, ông Long khẳng định.
Huyện Vạn Ninh hiện có 3.506 hộ cận nghèo, trong đó có hơn 800 hộ vừa được công nhận thoát nghèo. Với huyện thuần nông như Vạn Ninh, có thể thấy chương trình tín dụng hộ cận nghèo là nền tảng quan trọng giúp người dân thoát nghèo bền vững, đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của địa phương.
Theo Báo Khánh Hòa
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thượng Hiền thực hiện tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới
- » Phủ xanh núi đồi từ đồng vốn nhỏ
- » Câu chuyện giảm nghèo ở Cao Bằng
- » Chuyện của những người “thành công”
- » An sinh xã hội vùng ĐBSCL - huy động mọi nguồn lực
- » Quang Tiến bứt phá thoát nghèo
- » CCB trên mặt trận chống “giặc nghèo”
- » NHCSXH trước cơ hội hiện đại hóa dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di dộng phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách
- » Vốn về, ước mơ hóa thực
- » Xoá nghèo trên miền cát trắng