Nguồn vốn nâng đỡ hộ nghèo

24/10/2014
(VBSP News) Từ nguồn vốn tín dụng cho vay hộ nghèo đã hình thành nên nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, tạo điều kiện cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững, đây là “cú hích” cho phong trào thoát nghèo và vươn lên làm giàu ở các địa phương tại tỉnh Hậu Giang.
Hộ nghèo Võ Thị Thu Nga ở ấp Bình Hòa, xã Long Bình, huyện Long Bình đã thoát nghèo bền vững và còn mở rộng được quy mô kinh doanh

Hộ nghèo Võ Thị Thu Nga ở ấp Bình Hòa, xã Long Bình, huyện Long Bình đã thoát nghèo bền vững và còn mở rộng được quy mô kinh doanh

“Cú hích” cho hộ nghèo

Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thanh Triều, cho biết: “Từ nguồn vốn vay hộ nghèo, nhiều gia đình sử dụng vốn vay đúng mục đích, từ đó hình thành nên những mô hình làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp hộ thoát nghèo bền vững”.

Lần đầu tiên được vay vốn, bà Hồ Thị Kiều Diễm ở ấp Bình Hòa, xã Long Bình, huyện Long Bình, chia sẻ: “Mừng lắm, khi NHCSXH cho vay 15 triệu đồng. Nhận được vốn vay, tôi mua ngay 300 con vịt và 4 con heo về nuôi. Hy vọng đợt bán vịt, heo gia đình có thêm khoản thu nhập khá, tích lũy thêm vốn làm ăn”.

Ông Nguyễn Văn Công ở ấp 2, thị trấn Long Mỹ, phấn khởi nói: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền, Tổ tiết kiệm và vay vốn trong ấp đã giúp gia đình tôi tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, cả gia đình tôi vui mừng rơi nước mắt. Tôi vay được 5 triệu đồng, có vốn mua ve chai, kiếm lời nuôi các con ăn học. Nguồn vốn ưu đãi giúp gia đình tôi cải thiện cuộc sống. Hiện nay, mong mỏi lớn nhất của gia đình tôi là được vay thêm một ít vốn để mua ve chai với số lượng lớn, kiếm lời nhiều hơn và sớm thoát khỏi hộ nghèo”.

Chia sẻ niềm vui khi được công nhận là hộ thoát nghèo bền vững vào năm 2013, bà Võ Thị Thu Nga ở ấp Bình Hòa, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tâm sự: “Khi chưa vay được tiền, tôi đi đan lát lục bình thuê, mỗi ngày kiếm 20 - 30 nghìn đồng. Sau một thời gian, tôi được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo, bản thân tự đi mua lục bình và làm ra thành phẩm bán trực tiếp cho lái buôn. Nhờ vậy, nên thu nhập cao hơn so với trước kia. Giờ đây, tôi còn mở rộng được quy mô kinh doanh của mình và giúp cho 24 chị em hộ nghèo ở cùng ấp đan lát kiếm thêm thu nhập”. Thiết nghĩ, nếu không có sự hỗ trợ bằng chính sách cho vay ưu đãi, thì những hộ nghèo rất khó cải thiện được đời sống và thoát nghèo.

Tiếp tục làm cánh tay nâng đỡ

Trong thời gian qua, với nhiều chương trình tín dụng NHCSXH tỉnh Hậu Giang giữ vai trò là cánh tay nâng đỡ đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thoát nghèo bền vững.

Điển hình như xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp. Ông Cao Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, nhận xét: Mỗi năm, xã Hòa An có trên 100 hộ thoát nghèo. Năm 2013, toàn xã có 125 hộ thoát nghèo, trong năm 2014 xã phấn đấu 150 thoát hộ nghèo. Hộ nghèo ở xã đều được tiếp cận với nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo.

Theo ông Lê Út Em - Bí thư chi bộ ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho rằng: Ấp Xẻo Trâm là vùng đất nhiễm phèn nặng nên sản xuất nông nghiệp không mang lại hiệu quả. Toàn ấp còn đến 121 hộ nghèo. Cuộc sống của hộ nghèo nơi đây. Nếu không có sự hỗ trợ từ phía ngân hàng thì hộ nghèo ở đây khó thoát được nghèo.

Giám đốc Nguyễn Thanh Triều cho biết thêm: Vốn chương trình cho vay hộ nghèo là đòn bẩy cho hộ nghèo vươn lên làm ăn. Để nguồn vốn này phát huy hiệu quả, ngân hàng đầu tư vốn cho những hộ nghèo chí thú làm ăn, có phương án sản xuất hiệu quả, tiếp tục làm tốt vai trò cánh tay nâng đỡ, hỗ trợ đắc lực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bài và ảnh Thanh Xoàn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác