Phú Thọ cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo

27/10/2014
(VBSP News) Từ năm 2005 đến nay, Phú Thọ đã huy động được trên 6.200 tỷ đồng đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ tín dụng ưu đãi, phát triển sản xuất, kinh doanh, giáo dục, dạy nghề... đã được địa phương triển khai có hiệu quả. Nguồn vốn hỗ trợ cộng với nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã tạo nên sức mạnh để Phú Thọ hoàn thành tốt việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo và cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo.
Chè - cây thoát nghèo của “tam giác nghèo” Phú Thọ

Chè - cây thoát nghèo của “tam giác nghèo” Phú Thọ

Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi phía Bắc với diện tích núi đồi nhiều hơn đồng ruộng, địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 31,08%, đến năm 2012 giảm xuống còn 14,1%. Và, năm 2013 là 12,5%. Theo đánh giá của UBND tỉnh, có được kết quả này, ngoài việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo, có sự đóng góp không nhỏ của NHCSXH - người bạn đồng hành của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Tính đến hết tháng 9/2014, tổng dư nợ của NHCSXH của tỉnh đạt 2.864 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cuối năm 2013; chiếm 11,86% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn. Trong đó, dư nợ lớn nhất ở chương trình: hộ nghèo 968 tỷ đồng; HSSV 749 tỷ đồng, NS&VSMTNT 343 tỷ đồng… Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế, giúp giảm nghèo tại các địa phương trong tỉnh, nhất là các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Ở Phú Thọ lâu nay khi nhắc đến 3 huyện cận kề là: Thanh Sơn, Tân Sơn và Yên Lập thì cái câu “tam giác nghèo” luôn hiện hữu. Tân Sơn là huyện “đệ nhất nghèo” tỉnh Phú Thọ và nằm trong “tốp” 62 huyện nghèo của cả nước, huyện có 17 xã nghèo với 82,3% dân cư là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo 62%. Đầu năm 2009, xây dựng Đề án thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, Tân Sơn đã chọn điểm đột phá đầu tiên là xóa nhà tạm, nhà dột cho các hộ nghèo. Nhờ sức mạnh “3 nhà chung tay” (gồm Nhà nước, Doanh nghiệp và NHCSXH), cuối năm 2011, Tân Sơn đã dẫn đầu tỉnh Phú Thọ xóa xong nhà tạm, xây dựng được gần 4.500 căn nhà mới cho hộ nghèo. Khi dân đã “an cư, lạc nghiệp”, huyện tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp. Đến nay, toàn huyện có 3.000ha chè chất lượng cao. Cùng với cây chè, cây sơn cũng “leo đồi” với diện tích 127ha cho sản lượng 27 tấn/năm, giá bán trên, dưới 100 nghìn đồng/kg, mỗi năm bà con thu nhập hàng chục tỷ đồng. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của Tân Sơn giảm xuống còn 29,07%; bình quân thu nhập người dân từ 3,5 triệu đồng năm 2007, tăng lên gần 13 triệu đồng năm 2013; bình quân lương thực từ 240 kg tăng lên 334 kg/người/năm.

Còn tại huyện Thanh Sơn, với diện tích tự nhiên 62 nghìn ha; dân số trên 12 vạn người, trong đó hơn 58% đồng bào DTTS, gần 12 nghìn hộ nghèo và hộ cận nghèo; 8 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 6 xã thuộc vùng chương trình 229; 133 thôn, bản ĐBKK, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những năm qua chính sách giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đáng kể, từ 51,35% năm 2005 xuống còn 20,39% năm 2013.

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Sơn Nguyễn Văn Lâm, với 8 chương trình tín dụng ưu đãi, đã có hơn 39 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với dư nợ 992 tỷ đồng. Bình quân 1 khách hàng vay 4,5 triệu đồng năm 2005, tăng lên 16,2 triệu đồng năm 2013. Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực giúp trên 10 nghìn hộ thoát nghèo và cải thiện đời sống; hơn 11 nghìn hộ chuyển biến về nhận thức và cách thức làm ăn, hơn 7 nghìn lao động được tạo việc làm mới.

Mặc dù có những đổi thay rõ rệt, nhưng đến năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo của huyện Yên Lập vẫn còn cao trên 30,35%. Qua rà soát cho thấy, nguyên nhân do 32% tổng số hộ nghèo thiếu vốn sản xuất; 14% thiếu đất sản xuất; 17,5% thiếu phương tiện, kiến thức sản xuất; 4,2% thiếu việc làm; 8,5% có người bệnh tật và mắc các tệ nạn xã hội; 15% thiếu lao động, đông người ăn theo; 3,5% chi tiêu không hợp lý, lười lao động…

Để công tác giảm nghèo tiếp tục đạt được những kết quả thiết thực, tỉnh Phú Thọ đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể trong việc thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo. Trong đó, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách giảm nghèo, cụ thể, thay đổi về quan điểm, tư duy, chuyển từ hình thức “cấp không” sang hỗ trợ cho vay. Từ hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo sang hỗ trợ hộ nghèo, nhóm hộ nghèo và cộng đồng bằng các mô hình sản xuất… Nội dung các chương trình, chính sách chuyển dần theo hướng cùng với hỗ trợ sẽ quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cho người dân giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bài và ảnh Đức Thọ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác