Vốn cho vay giải quyết việc làm: Cầu nhiều cung ít

31/10/2014
(VBSP News) Thời gian qua, Chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH tỉnh Phú Yên đã góp phần tích cực trong việc tạo việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho lao động địa phương; đồng thời giúp khôi phục và phát triển một số làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nguồn vốn của chương trình này còn quá ít ỏi nên chưa thể đáp ứng hết nhu cầu vay ngày càng tăng của người dân.
Chị Đinh Thị Kim Yến ở xã An Chấn vay vốn giải quyết việc làm để làm nghề tráng bánh tráng

Chị Đinh Thị Kim Yến ở xã An Chấn vay vốn giải quyết việc làm để làm nghề tráng bánh tráng

Xếp hàng chờ vay

Cách đây 2 năm, chị Đinh Thị Kim Yến ở thôn Phú Quý, xã An Chấn, huyện Tuy An vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH để mua cối, mê, gạo…, sửa lại lò rồi tráng bánh tráng, kiếm tiền trang trải chi phí trong gia đình. Chị Yến cho biết: Nhà tôi có nghề tráng bánh tráng nhưng trước đây, do đời sống còn khó khăn nên thiếu thốn đủ bề. Cối xay bột không có, tôi phải gánh gạo đi nơi khác thuê họ xay rồi về tráng bánh; gạo cũng phải mua chịu, sau khi bán được bánh mới có tiền trả… Vì phải xoay đủ bề nên lợi nhuận còn lại chẳng đáng là bao. Từ ngày được vay vốn, tôi dùng tiền sắm sửa thêm dụng cụ, sửa lại lò, mua gạo dự trữ để làm bánh nên thu nhập có ổn định hơn. Những ngày bình thường, sau khi trừ chi phí, chị Yến có thể kiếm được từ 70 nghìn - 100 nghìn đồng từ việc tráng và bán bánh tráng; đến mùa giáp tết, chị kiếm được gấp đôi, gấp ba. Tháng 12 năm nay là đến hạn chị phải trả nợ tiền vay vốn giải quyết việc làm. “Không biết ngân hàng có cho tôi vay lại không? Số tiền này giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều trong việc phát triển kinh tế. Nếu được vay tiếp và làm ăn hiệu quả, tôi sẽ xây thêm lò, tráng thêm bánh để kiếm thêm thu nhập”, chị Yến nói.

Hộ anh Trần Văn Trọng ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân cũng muốn vay vốn giải quyết việc làm từ NHCSXH. Nhiều lần liên hệ với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn để đăng ký làm hồ sơ vay, anh Trọng vẫn chưa lọt vào danh sách. Anh Trọng chia sẻ: Vợ chồng trẻ, đất sản xuất ít ỏi nên chúng tôi phải làm thuê làm mướn thêm mới có đủ tiền nuôi con. Vì không thuộc diện nghèo, cận nghèo nên tôi muốn vay vốn giải quyết việc làm để nuôi bò nhưng cán bộ ngân hàng giải thích rằng, nguồn vốn này hiện rất hạn hẹp, trong khi người muốn vay thì nhiều nên tôi đành phải chờ.

Theo bà Nguyễn Thị Hà - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, với Chương trình cho vay giải quyết việc làm, những hộ khó khăn không thuộc diện nghèo, hộ cận nghèo vẫn được vay vốn với lãi suất ưu đãi để làm ăn. Vì vậy, nhu cầu vay vốn này của người dân, nhất là ở vùng nông thôn là rất lớn. Thế nhưng, vì nguồn vốn còn hạn chế nên ngân hàng không thể đáp ứng đầy đủ. “Mỗi năm, Hội Phụ nữ xã chỉ được phân bổ khoảng150 triệu đồng vốn giải quyết việc làm nên việc lựa chọn hộ cần vay để cho vay rất khó khăn. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn này của hội viên nhưng phải ưu tiên những hộ ngặt nghèo trước, số còn lại phải xếp hàng chờ tới lượt”, bà Hà nói.

Giải bài toán vốn

Năm 2014, UBND tỉnh Phú Yên phân bổ gần 29,2 tỷ đồng từ nguồn vốn của Quỹ giải quyết việc làm năm nay. Trong đó, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ giải ngân chương trình cho vay giải quyết việc làm gần 27,2 tỷ đồng cho các hộ cần vốn; 2 tỷ đồng còn lại, UBND tỉnh giải quyết cho vay các dự án có mức vay trên 100 triệu đồng để phát triển kinh tế tập thể, làng nghề, Hợp tác xã, Tổ hợp tác… Tuy nhiên, trong 29,2 tỷ đồng vốn giải quyết việc làm mà UBND tỉnh phân bổ cho năm nay, chỉ có 5 tỷ đồng là vốn mới, còn lại là vốn đến hạn thu hồi.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Yên Đào Thái Hòa, cho biết: Tại địa phương, theo Nghị quyết HĐND, từ năm 2011 trở đi, mỗi năm, tỉnh sẽ chuyển cho NHCSXH tỉnh Phú Yên 5 tỷ đồng để ủy thác cho vay giải quyết việc làm nhưng do nguồn thu ngân sách còn khó khăn nên năm 2011, tỉnh chưa chuyển số vốn này; năm 2012, tỉnh chuyển được 5 tỷ đồng, năm 2013 chỉ chuyển 3 tỷ đồng, năm 2014 chuyển đủ 5 tỷ đồng. Đối với vốn từ Trung ương, hàng năm, nguồn cấp về rất hạn chế; đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Trung ương gần như không cấp vốn này, ngân hàng chỉ thu hồi nợ để có vốn xoay vòng cho các hộ khác vay. So với nhu cầu vay thực tế của người dân hiện nay thì số vốn có thể giải ngân hàng năm còn quá khiêm tốn.

Theo ông Hòa, thời gian qua, Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã mang lại hiệu quả thiết thực, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để chương trình này tiếp tục phát huy hiệu quả, NHCSXH tỉnh Phú Yên sẽ kiến nghị Trung ương phân bổ thêm nguồn vốn hàng năm. Về phía tỉnh, ngân hàng cũng đề nghị các cấp, ngành cùng chung tay tìm lời giải cho bài toán vốn vay giải quyết việc làm; các địa phương cân đối ngân sách để bổ sung vốn cho vay chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu vay ngày càng tăng của người dân.

Theo NHCSXH tỉnh Phú Yên, hiện dư nợ chương trình trên địa bàn tỉnh là 76,9 tỷ đồng với 5.443 hộ còn dư nợ, tăng 3,6% so với đầu năm. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã giải ngân hơn 21,7 tỷ đồng cho khoảng 1.086 hộ vay. NHCSXH tỉnh Phú Yên phấn đấu đến cuối năm, dư nợ của chương trình này đạt hơn 80,2 tỷ đồng.

Bài và ảnh Hoàng Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác