Sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi

29/10/2014
(VBSP News) Nguồn tín dụng ưu đãi đang ngày càng thể hiện vai trò then chốt trong công cuộc giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Song để nguồn vốn này thật sự phát huy hiệu quả, cơ quan quản lý (trực tiếp là NHCSXH) cần tiếp tục củng cố và nâng cao tính bền vững dựa trên nguyên tắc chủ động, sáng tạo, giảm phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách Nhà nước.
Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao khi thành lập với dư nợ 8.631 tỷ đồng, đến nay NHCSXH đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến hết tháng 8-2014, doanh số cho vay của NHCSXH đạt 271.553 tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 153.701 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 126.349 tỷ đồng, tăng 117.718 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 29,4%; với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập. Dư nợ bình quân một khách hàng tăng từ 2,5 triệu đồng (năm 2003) lên hơn 18 triệu đồng.

Anh Phạm Văn Nguyên ở thôn Chằm, xã Phương Hưng, huyện Gia Lộc (Hưng Yên) là một người biết tính toán, lo toan. Nhưng do không có vốn, kinh tế gia đình anh vẫn quanh năm thiếu trước, hụt sau. Biết tin NHCSXH có chương trình cho vay hộ cận nghèo, sau khi bàn bạc với gia đình, anh Nguyên tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân và được cán bộ NHCSXH hướng dẫn thủ tục, đăng ký vay 30 triệu đồng. Số tiền này được anh đầu tư cải tạo ao, mua cá giống về thả. Lần hồi chắt bóp vay mượn thêm của người thân, anh tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn nái và trồng cây cảnh. Đến nay mô hình phát triển kinh tế này bước đầu đã giúp gia đình anh vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống.

Không riêng gia đình anh Nguyên, theo báo cáo số liệu mới nhất của NHCSXH, đến nay, cả nước đã có hơn 24,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính

sách được vay vốn tín dụng chính sách. Nguồn vốn ưu đãi này cũng góp phần giúp hơn 3,2 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo (tính đến hết năm 2013); thu hút, tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, trong đó hơn 103 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;… Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 2 thôn Chằm, chị Nguyễn Thị Vằn cho biết: Thực tế hiện nay, kinh tế của các hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đều có sự thay đổi rõ rệt so với lúc chưa có vốn. Nguồn vốn ưu đãi đã tạo đà cho họ vươn lên chủ động sản xuất, không lo tái nghèo. “Điều người dân mong mỏi bây giờ là làm sao những hộ cận nghèo còn lại trong tổ sớm được xét duyệt vay vốn ưu đãi để ổn định cuộc sống”, chị Vằn bày tỏ.

Đề cập tới hiệu quả của đồng vốn chính sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hà Hùng cũng cho rằng, vốn tín dụng chính sách đã góp phần xóa bỏ tâm lý ỷ lại của người nghèo, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo đối với hiệu quả sử dụng đồng vốn, nhờ đó giúp người nghèo có thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lý tài chính gia đình. Ở hầu hết các địa phương đều xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, khi tham gia vào các Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ nghèo vay vốn được tham gia vào sinh hoạt cộng đồng, học hỏi lẫn nhau về kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, kinh nghiệm trong đời sống xã hội. Bản thân người nghèo đã xóa bỏ được mặc cảm, tự ti, hòa nhập cộng đồng, góp phần ổn định kinh tế gia đình.

Lập nguồn vốn bền vững

Các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi được triển khai có hiệu quả đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế nhiều thành phần từng bước phát triển. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng ưu đãi thời gian qua vẫn còn không ít vấn đề đáng quan tâm. Trong đó, giải pháp nào để hướng tới sự phát triển bền vững cũng đặc biệt được coi trọng.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hà Hùng, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các chương trình tín dụng còn hạn chế. Mặc dù cán bộ tín dụng và các tổ chức có liên quan đã có nhiều nỗ lực nhưng người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các khoản vay ưu đãi dành cho họ. Vì vậy, họ không thể phân biệt được các chính sách ưu đãi, cũng như mức vay, thời gian vay, nghĩa vụ, trách nhiệm của người vay. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và sử dụng vốn vay của người dân và công tác giám sát, quản lý các khoản tín dụng của ngân hàng và chính quyền địa phương.

Với mô hình quản lý như hiện nay, có thể thấy, NHCSXH đã tạo điều kiện tối đa để người nghèo, các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn để thoát nghèo, thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình để giúp nắm bắt chính xác hơn số hộ nghèo thật sự cần vốn để sản xuất, tránh tình trạng nguồn vốn phân bổ sai đối tượng. Vấn đề lãi suất cho vay cũng cần được xem xét để tránh sự lợi dụng nguồn vốn rẻ, dẫn đến nảy sinh rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng. Với đặc thù phục vụ khách hàng là các đối tượng chính sách và các hộ nghèo, cận nghèo, NHCSXH cần thiết kế cơ cấu lãi suất phù hợp. TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho hay.

Các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét và quyết định về khoản vay, kỳ hạn, mức vay tối đa đối với từng hộ dân, đây là hình thức bảo đảm công khai, dân chủ, song cũng dễ xảy ra tình trạng một số hộ có nhu cầu vay vốn nhưng không được vay, hoặc người dân không tự quyết định việc sử dụng vốn vay theo phương án của mình. Việc bình xét còn chưa căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng hộ. Vì vậy, để khắc phục những khó khăn hiện nay, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng ưu đãi, ông Hà Hùng kiến nghị NHCSXH cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổ chức và bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiện đại hóa, giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí và tăng cường đội ngũ cán bộ tín dụng cơ sở. Đặc biệt, cần thực hiện tốt công tác huy động vốn theo chỉ đạo của Chính phủ để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương, kể cả nguồn vốn từ các Ngân hàng thương mại.

Liên quan đến việc tạo lập và sử dụng nguồn vốn của NHCSXH, TS Vũ Đình Ánh - Bộ Tài chính cho biết: Tính đến năm 2014, vốn điều lệ của NHCSXH đã tăng lên đạt 10.000 tỷ đồng, góp phần tích cực tăng tính bền vững của ngân hàng này. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước vẫn cần tiếp tục bổ sung tăng vốn điều lệ cho NHCSXH để bảo đảm tỷ lệ an toàn cùng với tăng quy mô hoạt động do tỷ lệ vốn điều lệ trên tổng dư nợ cho vay tính đến giữa năm 2014 đạt 7,1%. “Tính bền vững của NHCSXH đã và đang thể hiện ngày một rõ ràng cả về mặt huy động và sử dụng nguồn vốn cũng như tổ chức quản lý.

Nhưng để tăng tính bền vững cho NHCSXH trước những yêu cầu mới về tín dụng ưu đãi nhằm xóa đói giảm nghèo và thực hiện chính sách xã hội, NHCSXH cần tiếp tục củng cố và nâng cao tính bền vững dựa trên nguyên tắc chủ động, sáng tạo, giảm phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách Nhà nước, tiến tới tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ trong những hoạt động của mình theo đúng tôn chỉ mục đích kể từ khi thành lập”.

TS. Nguyễn Ngọc Thao - Chủ nhiệm Khoa Tài chính công Học viện Hành chính Quốc gia cũng cho rằng, Chính phủ cần tăng cường bố trí nguồn vốn với quy mô lớn hơn nữa để ngân hàng cho vay. Bởi lẽ, tính đến hết tháng 8/2014, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH đạt hơn 126 nghìn tỷ đồng, mới chỉ chiếm khoảng hơn 3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của toàn ngành ngân hàng, kể cả dư nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và nợ ngoại bảng của các tổ chức tín dụng. “Tỷ lệ này là còn thấp. Do vậy, Chính phủ cần chủ động bố trí thêm nguồn vốn có tính chất ổn định hàng năm cho NHCSXH để cho vay”, TS. Nguyễn Ngọc Thao đề xuất.

Bài và ảnh Hồng Anh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác