Giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

01/11/2014
(VBSP News) Đắk Nông là một trong những tỉnh nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 32% dân số toàn tỉnh, sống tập trung chủ yếu ở vùng khó khăn, biên giới. Những năm qua, được Nhà nước đầu tư, tỉnh luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đến nay diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực.
Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số Đắk Nông được vay vốn ưu đãi của NHCSXH phát triển kinh tế gia đình

Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số Đắk Nông được vay vốn ưu đãi của NHCSXH phát triển kinh tế gia đình

Theo UBND tỉnh, nhờ thực hiện tốt công tác dân tộc, cùng các chính sách, chương trình, dự án lớn của Chính phủ, như: Chương trình 135, Quyết định 1592, chính sách định canh, định cư, Nghị quyết 30a… đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề quan trọng làm cho tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông giảm dần qua các năm, từ 42,4% năm 2011 xuống còn 33,09% năm 2013.

Nhiều chính sách đã và đang được triển khai thực hiện có ý nghĩa thiết thực, như Chương trình 135, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; giai đoạn 2013 - 2015, tỉnh Đắk Nông có 31 xã và 56 buôn được thụ hưởng chương trình này với tổng vốn bình quân trong những năm qua khoảng 28 tỷ đồng/năm. Với chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Đắk Glong được hỗ trợ gần 28 tỷ đồng/năm để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất.

Trong 2 năm 2014 - 2015, tỉnh Đắk Nông dự kiến sẽ chi hơn 180 tỷ đồng để cấp đất sản xuất, đất ở và xây dựng công trình nước sinh hoạt cho bà con dân tộc thiểu số nghèo trong tỉnh; giúp bà con chuyển đổi nghề nghiệp, mua dụng cụ sản xuất và học nghề. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 74 tỷ đồng, vốn vay từ NHCSXH gần 63 tỷ đồng, vốn từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn lồng ghép trên 43 tỷ đồng. Năm 2014, Đắk Nông đẩy mạnh việc thu hồi đất từ các dự án nông, lâm nghiệp của các doanh nghiệp tư nhân thuê nhưng đầu tư không hiệu quả; thu hút lao động là đồng bào dân tộc thiểu số vào các doanh nghiệp và nông, lâm trường; hướng dẫn đồng bào phát triển ngành nghề, tạo việc làm tăng thu nhập.

Cùng với nguồn vốn các chương trình, dự án của Nhà nước cho tỉnh Đắk Nông, năm 2013 NHCSXH tỉnh đạt tổng dư nợ cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể trên 1.369 tỷ đồng, chiếm 98% dư nợ cho vay. Năm 2014, chi nhánh đang phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt mức 10% so với năm 2013. Trong những năm qua, các tổ chức hội, đoàn thể ở Đắk Nông đã tích cực phối hợp với NHCSXH triển khai chương trình hỗ trợ cho hội viên nghèo và gia đình chính sách vay vốn đạt hiệu quả cao. Cùng với Tuy Đức, Đắk Glong là một trong 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất tỉnh. Toàn huyện hiện có gần 5.000 hộ vay vốn NHCSXH, với dư nợ trên 125 tỷ đồng. Nhờ được vay vốn, bà con dân tộc thiểu số đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi và phát triển kinh tế gia đình. Ông K’Sớ - một trong những hộ nghèo được vay vốn, cho biết: “Năm 2009 gia đình tôi được Hội Nông dân huyện bình xét cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi. Có vốn, gia đình mua 2 con heo về nuôi, phần còn lại mua giống bắp về trồng và phân bón cho diện tích cà phê lâu nay kém năng suất. Rồi, heo lớn gia đình đã bán thịt và mua heo con về nuôi xoay vòng, nên kinh tế gia đình cũng khá hơn. Ngoài ra, cà phê được bón phân, tưới nước đều nên cũng ra trái nhiều hơn. Đến nay, gia đình tôi đã trả hết nợ và lãi cho ngân hàng”.

Theo đánh giá của UBND tỉnh và các ngành chức năng ở Đắk Nông, khó khăn lớn nhất trong công tác giảm nghèo tại địa phương chính là tình trạng di dân ngoài kế hoạch. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng các kế hoạch, đề án cũng như phân bổ các nguồn vốn, triển khai các chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Bên cạnh đó, tập quán canh tác truyền thống khá lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số là chỉ trồng những cây, nuôi những con vật đã gắn bó bao đời với họ mà chưa mạnh dạn nuôi, trồng những cây con mới có giá trị kinh tế cao, ít bệnh tật, vẫn đang là xu thế phổ biến trong đồng bào.

Qua khảo sát thực tế, tỉnh ủy Đắk Nông đã đề ra nhiều giải pháp yêu cầu các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững các thôn, buôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới. Cụ thể, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay, nhất là các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước qua NHCSXH. Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thôn, buôn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bài và ảnh Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác