Điểm sáng giao dịch tín dụng chính sách nơi vùng cao

05/11/2014
(VBSP News) Chưa có ngân hàng nào lại có hệ thống Điểm giao dịch ở khắp xã, phường. Với các Điểm giao dịch ngay địa phương mình ở, người dân, nhất là hộ nghèo vốn chịu nhiều thua thiệt đã được NHCSXH phục vụ tận nơi. Điểm giao dịch đã giúp người dân đỡ mất thời gian đi lại, đảm bảo được tài sản...
Quang cảnh Điểm giao dịch lưu động NHCSXH ở xã Măng Tố, huyện Tánh Linh (Bình Thuận)

Quang cảnh Điểm giao dịch lưu động NHCSXH ở xã Măng Tố, huyện Tánh Linh (Bình Thuận)

Đưa ngân hàng đến với dân

Tôi vốn đi lại khá nhiều trong tỉnh, đã thấy nhiều chuyện giao dịch của một số ngân hàng nhưng chưa thấy ngân hàng nào mỗi tháng lại “dời” cả “bộ sậu” 4 - 5 cán bộ, máy móc, tiền bạc về trụ sở UBND các xã để giao dịch với người dân. Mới đây khi thấy hàng chục người dân tộc K’ho, Rắclây ở xã Măng Tố, huyện Tánh Linh (Bình Thuận) hăm hở đi vay và kể cả đi trả nợ tôi không khỏi vui mừng về những điểm sáng mà NHCSXH đã mang lại cho dân. Nếu trước đây, muốn vay vốn, người dân các xã ở huyện Tánh Linh phải lên tận ngân hàng để làm thủ tục, nhiều người ở xa gần 30km đi lại rất mất thời gian, lại không hiểu rõ thủ tục vay vốn nên gây ra tâm lý ngại ngần. Nay có những Điểm giao dịch ngay tại xã, có thời gian làm việc cụ thể được báo trước, đã giúp người dân trong xã sắp xếp thời gian đến với ngân hàng. Đến ngày trả lãi, giải ngân, bà con chỉ cần đến làm việc tại các Điểm giao dịch nên mọi thứ đều rất thuận lợi, nhanh chóng.

Buổi giao dịch giống như một buổi gặp gỡ “người nhà”, không cầu kỳ “quần là áo đẹp” cũng chẳng phải mất nhiều thời gian chờ đợi. Ngược lại khi đến Điểm giao dịch, nhiều người còn biết thêm những thông tin mới về chính sách vốn, thay đổi về hộ vay… được niêm yết công khai và kịp thời. Hàng tháng, NHCSXH huyện đều cử cán bộ tín dụng đến từng Điểm giao dịch để tiếp nhận ý kiến, đơn thư của nhân dân và các hội, đoàn thể được ủy thác từng phần tham gia cho vay vốn. Đây cũng là dịp cán bộ ngân hàng giải thích, hướng dẫn những vấn đề người dân chưa hiểu về chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Nhờ vậy, người dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa của các chương trình cho vay vốn ưu đãi, tham gia giám sát, giúp hạn chế tối đa những sai sót, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn. Theo thống kê, NHCSXH huyện Tánh Linh hiện có 14 Điểm giao dịch cố định tại 14 xã, thị trấn với 229 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, xóm trong huyện.

Những người “lính xung kích”

Công tác giải ngân nguồn vốn ưu đãi được làm tốt hay không phải kể đến vai trò Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn, là một bộ phận cấu thành mô hình quản lý liên kết giữa ngân hàng với các tổ chức hội, đoàn thể và cộng đồng. Phía sau Điểm giao dịch, những Tổ trưởng được ví như người “lính xung kích” của tín dụng ngân hàng, trong tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy nguồn vốn ưu đãi được đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích, phát huy hiệu quả, góp phần vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và tạo thêm việc làm trên địa bàn. Các Tổ trưởng chính là những người trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của người dân, trực tiếp thu lãi, đôn đốc hộ vay trả nợ gốc khi đến hạn. Anh Huỳnh Tấn Thiện - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân xã Măng Tố huyện Tánh Linh tâm sự: “Giúp được bà con gặp khó khăn được tiếp cận vốn vay của NHCSXH là tôi thấy vui rồi”.

Măng Tố là xã vùng dân tộc khó khăn của huyện Tánh Linh. Thấu hiểu điều này, hễ rảnh rỗi là anh Thiện lại đến các gia đình để tìm hiểu nhu cầu, xác định chính xác đối tượng cần vay vốn; khi có vốn anh lại tư vấn sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả. “Hiện tổ của tôi đang quản lý trên 1,1 tỷ đồng với 43 khách hàng. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mình phải tư vấn cụ thể cho họ, với hộ này nên nuôi dê, hộ kia thì nuôi gà, vịt, hộ mua máy xới… nhưng làm gì thì làm, hiệu quả kinh tế là trên hết”, anh Thiện nói.

Mặc dù đã gần 60 tuổi, nhưng bà Đoàn Thị Năm - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2, xã Măng Tố vẫn rất nhiệt tình với công việc. Là cán bộ phụ nữ thôn, nhưng hơn 10 năm gắn bó với công việc cũng là những năm tháng bà được gặp gỡ, chia sẻ, gần gũi với người nghèo, giúp đỡ, tạo điều kiện để người dân nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn. Đến nay, nguồn vốn do bà quản lý đã lên đến 930 triệu đồng với 41 khách hàng. Mỗi người dân, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng điều bà trăn trở nhất là làm thế nào để khi được nhận vốn, người dân biết cách làm cho đồng vốn sinh lời để vừa trả được gốc và lãi, vừa cải thiện cuộc sống gia đình. Bà Năm rất vui khi có nhiều hộ ăn nên làm ra, thoát nghèo nhờ đồng vốn của NHCSXH.

Ông Trần Xuân Ngọc - thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn của bà Năm phấn khởi nói: “Được bà Năm giúp làm thủ tục vay vốn, rồi bày cho cách làm ăn, giờ gia đình tôi đã thoát nghèo rồi”.

Điểm sáng…

Chủ tịch UBND xã Măng Tố Lê Văn Đẻn phấn khởi cho biết: “Điểm giao dịch NHCSXH ở Măng Tố hoạt động rất hiệu quả, tạo thuận lợi cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Sau mỗi buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể, cán bộ xã đều tổ chức họp để giải quyết những tồn tại, rút kinh nghiệm và cùng đưa ra những giải pháp thực hiện các chương trình vốn vay phù hợp. Từ những hoạt động như vậy, Điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giảm nghèo xã, các tổ chức nhận ủy thác và NHCSXH thường xuyên tiếp xúc với người nghèo và các đối tượng chính sách, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, đưa ra các giải pháp cụ thể như: Lồng ghép tuyên truyền về các dự án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, hướng dẫn sử dụng vốn có hiệu quả. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng xã sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Điểm giao dịch ngân hàng phục vụ nhân dân tốt nhất”.

Theo Giám đốc NHCSXH huyện Tánh Linh Nguyễn Hữu Hiệp, tổng dư nợ của đơn vị đến nay đạt hơn 200 tỷ đồng, trong đó cho vay hộ nghèo gần 35 tỷ đồng, hộ cận nghèo 20 tỷ đồng, HSSV 71 tỷ đồng, số còn lại là cho vay theo các chương trình khác. Để đồng vốn đến sớm với người dân và đúng đối tượng cần vay, NHCSXH huyện đã thành lập 299 Tổ tiết kiệm và vay vốn theo nguyên tắc tự nguyện, đoàn kết tương trợ và giúp đỡ nhau.

Đầu tư có hiệu quả vào các chương trình kinh tế trọng điểm trên địa bàn, NHCSXH huyện Tánh Linh tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể và các Điểm giao dịch cố định tại các xã, thị trấn. Nâng cao chất lượng tín dụng, nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, để phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh thực hiện công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân…

Bài và ảnh Trần Thi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác