Bắc Kạn: Biết sử dụng vốn, mỗi năm hàng nghìn hộ thoát nghèo
Bắc Kạn có hơn 30 vạn dân sinh sống trên 124 xã của 8 huyện, thị; trong đó Ba Bể và Pác Nặm là 2 huyện được điều chỉnh theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Tổng số xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng theo Chương trình 135 là 57 xã và 96 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc 33 xã khu vực II.
Giảm nghèo - nhìn từ huyện nghèo nhất tỉnh Bắc Kạn
Thời điểm được điều chỉnh theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, huyện Pác Nặm có gần 50% số hộ nghèo, là huyện nghèo nhất của tỉnh Bắc Kạn. Đến nay, Pác Nặm có 6.361 hộ (31.601 khẩu), trong đó còn 2.248 hộ nghèo (chiếm 35,3%), hộ cận nghèo 597 hộ (chiếm 9,3%). Số hộ nghèo giảm đáng kể trước hết là nhờ vào chính sách ưu việt của Nghị quyết 30a, bên cạnh đó có sự đóng góp không nhỏ của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn.
Giám đốc NHCSXH huyện Pác Nặm Vũ Mạnh Hùng, cho biết: “Phần lớn số hộ nghèo của Pác Nặm được vay vốn theo các chương trình đều phát huy hiệu quả”. Cụ thể, hộ anh Dương Văn Chúng ở bản Khuổi Ỏ, xã Nhạn Môn vay 30 triệu đồng hộ nghèo từ năm 2008 mua trâu giống, nay đã có đàn trâu 3 con trị giá 65 - 70 triệu đồng, gia đình đã từng bước thoát nghèo. Năm 2012, chị Hoàng Thị Nhâm ở bản Phai Khỉn, xã Nhạn Môn được vay 26,5 triệu đồng cho chồng đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập, nay chị Nhâm đã trả hết nợ còn gửi tiết kiệm được 52 triệu đồng.
Chương trình tín dụng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn cũng đang phát huy tác dụng ở vùng quê này. Năm 2010, anh Sằm Văn Dỵ, dân tộc Mông ở thôn Khuổi Ỏ, xã Nhạn Môn đã mạnh dạn vay 99,7 triệu đồng, chi phí cho 3 con học đại học và trung học chuyên nghiệp. Hiện có một con đã ra trường, đi làm tại Công ty Samsung Thái Nguyên, bắt đầu giúp đỡ bố mẹ nuôi các em và tính chuyện trả nợ…
Giám đốc huyện Pác Nặm Vũ Mạnh Hùng còn cho biết, các chương trình cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay đầu tư chăn nuôi và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Pác Nặm đến nay đang từng bước sử dụng vốn vay đạt hiệu quả. Tổng dư nợ thực hiện đến ngày 30/9/2014 là 143 tỷ đồng, hoàn thành 98,1% chỉ tiêu kế hoạch, tăng gần 9 tỷ đồng so với cuối năm 2013. Trong đó, dư nợ cho hộ nghèo vay 77 tỷ đồng; dư nợ cho vay hộ cận nghèo là hơn 2,5 tỷ đồng; dư nợ cho vay giải quyết việc làm gần 3 tỷ đồng; dư nợ cho vay xuất khẩu lao động là trên 7,7 tỷ đồng; dư nợ cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn là 4 tỷ đồng…
Mong muốn phát huy hiệu quả vốn giảm nghèo
Nhìn rộng ra toàn tỉnh Bắc Kạn, từ nhiều năm qua, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn được đánh giá là công cụ giảm nghèo đạt hiệu quả với nhiều chương trình giảm nghèo được triển khai. Theo thống kê của UBND tỉnh Bắc Kạn, sau khi rà soát đánh giá và phúc tra, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Bắc Kạn giảm từ 20,39% năm 2012, đến cuối năm 2013 xuống còn 18,55%; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,05% so với cùng kỳ năm 2012, đến cuối năm 2013 còn 34.974 hộ cận nghèo, chiếm 11,2%. Tuy số hộ nghèo và cận nghèo giảm nhưng cần một cơ chế vay vốn tiếp nối để các hộ thoát nghèo có đà giảm nghèo bền vững là mong muốn của nhiều hộ dân và các tổ chức hội cũng như chính quyền cơ sở.
Theo mục tiêu HĐND tỉnh Bắc Kạn đặt ra, năm 2014 Bắc Kạn phấn đấu giảm 5% hộ nghèo (tương đương 3.748 hộ). Để giảm hộ nghèo theo mục tiêu này, Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Côn, cho biết: “Việc giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn, chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể rà soát nắm bắt nhu cầu vay vốn, giải ngân các chương trình tín dụng, tăng cường giám sát không để tồn đọng nguồn vốn, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng dư nợ từ 5 - 10%, tỷ lệ nợ quá hạn nhỏ hơn hoặc bằng 0,3%”. Điều này đang từng bước thực hiện và đạt được các tín hiệu rất khả quan. Theo ông Hà Sỹ Côn, tổng dư nợ đến nay đạt 1.254 tỷ đồng, tăng hơn 67 tỷ đồng so với năm 2013; hoàn thành 98,1% chỉ tiêu kế hoạch, tốc độ tăng trưởng 5,62%; dư nợ quá hạn chỉ còn 5 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,39%), giảm 1,4 tỷ đồng so với năm 2013.
Bài và ảnh Lê Trọng Hùng - Hoàng Thủy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm: Đã xử lý được “điểm nghẽn” vốn ưu đãi
- » Đồng hành cùng chương trình thoát nghèo bền vững
- » Vốn cho vay giải quyết việc làm: Cầu nhiều cung ít
- » Cần Thơ đảm bảo đủ nguồn vốn vay cho HSSV năm học mới
- » 100% hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn sử dụng vốn đúng mục đích
- » Dựng nghiệp, mở nghề từ đồng vốn ưu đãi
- » Nghiên cứu thí điểm cho vay hộ mới thoát nghèo
- » Sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- » Kon Tum - những câu chuyện thoát nghèo như cổ tích
- » Giúp hộ cận nghèo phát triển kinh tế