Cà phê - cây giảm nghèo ở Mường Ảng
Mường Ảng là một trong 4 huyện khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, đã và đang được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện có 9 xã và 1 thị trấn, thì 8 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Theo đánh giá của UBND huyện, sau 5 năm (2009 - 2013), triển khai thực hiện Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững đã thu được những kết quả tích cực. Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo đã tạo cơ hội cho người dân tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi, đời sống ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 68,43% năm 2010, xuống còn 42,22% năm 2013. Cùng với nâng cao đời sống, cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện cũng được tăng cường đáng kể. Với tổng số vốn đầu tư gần 120 tỷ đồng, toàn huyện đã có 29 công trình điện, đường, trường, trạm được xây dựng phục vụ sản xuất, đời sống văn hóa, xã hội, tạo nên diện mạo mới bộ mặt nông thôn nghèo Mường Ảng.
Với diện tích tự nhiên 44.320ha, khoảng 4,2 vạn dân, 9 dân tộc anh em cùng chung sống, Mường Ảng chỉ có 1.600ha ngô, gần 2.000ha lúa (chủ yếu đất bãi bồi, khai hoang), 3.300ha cà phê, trong đó có gần 1.500ha kinh doanh. Diện tích cà phê vẫn tiếp tục được mở rộng. Ông Nguyễn Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng lý giải: “Khi thấy cà phê đem lại hiệu quả kinh tế thì không cần phải tuyên truyền, vận động bà con vẫn tích cực trồng và mở rộng diện tích. Điều đó cũng là đương nhiên. Vì, từ khoảng chục năm nay chưa có loại cây trồng nào đem lại hiệu quả kinh tế như cây cà phê. Người dân tức thời trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế như vậy là điều đáng mừng”. Nếu như trước đây cà phê được trồng chủ yếu ở thị trấn Mường Ảng và các xã Ảng Cang, Ảng Nưa, Ảng Tở, thì ngày nay màu xanh của loại cây công nghiệp có giá trị này đã phủ màu xanh khắp huyện. Cà phê lên đồi, cà phê vào vườn, các trang trại. Ông Hiệp cho biết thêm: “vụ cà phê 2011 được mùa, trúng giá toàn huyện đạt doanh thu kỷ lục khoảng 180 tỷ đồng. Nếu so với các loại cây trồng truyền thống như ngô, lúa thì lợi nhuận cây cà phê cao gấp 2,5 - 3 lần. Hiên nay, tuy mới vào mùa thu hoạch cà phê năm 2014, nhưng thông tin về giá cà phê đã ở mức khá cao, khoảng 8.000 đồng/kg quả tươi. Người dân Mường Ảng lại hy vọng, chuẩn bị cho một vụ mùa bội thu…
Cùng với nguồn vốn 30a, các chương trình, dự án khác, NHCSXH huyện Mường Ảng đã giải quyết cho 4.042 lượt hộ dân vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ 154,5 tỷ đồng. Người dân đã dùng phần lớn nguồn vốn này đầu tư cho cây cà phê và không ít hộ đã lập nghiệp thành công từ nguồn vốn vay ưu đãi. Năm 2008, anh Tống Văn Cường ở bản Co Hắm, xã Ảng Nưa được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng, cộng thêm số tiền vay mượn bạn bè, anh em, anh đầu tư cải tạo hơn 4ha đất đồi hoang hóa ông cha để lại cách nhà hơn 2km, thành trang trại kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Đất đồi anh trồng cà phê, chỗ nào bãi thoải, bằng phẳng khai hoang thành ruộng bậc thang; chỗ trũng không gieo cấy được đắp đập làm ao thả cá. Hiện nay, anh có hơn 3ha cà phê kinh doanh năm thứ 3, gieo cấy hơn 5.000m2 ruộng bậc thang, 3ha ao thả cá. Để chủ động nước làm 2 vụ lúa, nuôi cá anh mua ống dẫn nước từ đầu nguồn về dài hơn 1km. Chưa dừng lại, có vốn anh nuôi thêm 12 con trâu, bò sinh sản. Thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Với quyết tâm đưa cà phê trở thành cây mũi nhọn, cây chủ lực trong giảm nghèo, tháng 7/2013 huyện ủy Mường Ảng đã ban hành “Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển cây cà phê bền vững giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Với mục tiêu tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng sạch, thân thiện với môi trường, có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định; đến năm 2015 diện tích đạt 3.700ha, sản lượng đạt khoảng 9.000 tấn cà phê/năm; đến năm 2020 phát triển ổn định 4.200ha, sản lượng đạt bình quân 13.500 tấn cà phê/năm. Cùng với huyện, tiếp sức cho nông dân trồng cà phê phát triển thành vùng chuyên canh, tỉnh Điện Biên có chính sách ưu đãi hỗ trợ 50% giá giống đối với diện tích trồng mới, hỗ trợ 70% lãi suất tiền vay cho đến khi kết thúc dự án.
Bài và ảnh Bình Minh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Bắc Kạn: Biết sử dụng vốn, mỗi năm hàng nghìn hộ thoát nghèo
- » Cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm: Đã xử lý được “điểm nghẽn” vốn ưu đãi
- » Đồng hành cùng chương trình thoát nghèo bền vững
- » Vốn cho vay giải quyết việc làm: Cầu nhiều cung ít
- » Cần Thơ đảm bảo đủ nguồn vốn vay cho HSSV năm học mới
- » 100% hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn sử dụng vốn đúng mục đích
- » Dựng nghiệp, mở nghề từ đồng vốn ưu đãi
- » Nghiên cứu thí điểm cho vay hộ mới thoát nghèo
- » Sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- » Kon Tum - những câu chuyện thoát nghèo như cổ tích