Những người giỏi sử dụng đồng vốn
Hết mình với đồng vốn của Nhà nước
Tới nay, bà Vũ Thị Quý đã trải qua 7 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Bến Trăm, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế (Bắc Giang). Tổ tiết kiệm và vay vốn của bà nhiều năm liền không có nợ quá hạn. “Tổ của tôi có 42 hộ vay vốn, trong đó vay vốn hộ nghèo có 15 hộ, vay vốn HSSV có 14 hộ, vay vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 11 hộ, vay vốn hộ cận nghèo 1 hộ. Tổng dư nợ là hơn 892 triệu đồng” - bà Quý cho biết.
Công việc của bà cần đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, mà trên hết phải là tấm lòng mong muốn bà con ai cũng được thoát nghèo. Bà bảo: “Lúc đầu, nhiều người dân chưa hiểu về chính sách cũng như cách làm hồ sơ, thủ tục vay vốn nên mỗi lần họp tổ, họp thôn tôi đều tranh thủ giảng giải cho bà con. Đối với các hộ muốn được vay vốn, tôi đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể. Có hiểu rõ thì mình mới giúp đỡ người ta hiệu quả được”.
Nhờ có bà Quý, NHCSXH đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với người dân thôn Bến Trăm. Từ chỗ phải đến từng nhà để thu lãi, giờ đây người dân đã tự nguyện ra nộp lãi ở điểm thu tập trung. Chị Ngô Thị Tình, nhà thôn Bến Trăm, nhờ vay vốn NHCSXH từ năm 2012, cùng với sự sát sao của bà Quý, đến nay đã làm lại được nhà. Chị vẫn đang vay vốn NHCSXH để chăn nuôi và trồng bạch đàn. “Nhờ có bà Quý giúp đỡ mà gia đình tôi mới khá được như hôm nay. Có những Tổ trưởng như bà Quý, đồng vốn sẽ luôn phát huy hiệu quả”, chị Tình chia sẻ.
Tận dụng nguồn vốn vay hiệu quả
Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn là một trong số hàng nghìn phụ nữ biết tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Gia đình chị thuộc hộ nghèo, có 3 đứa con thì đứa lớn thần kinh không bình thường, mẹ chị lại ốm đau, nằm liệt giường, gia cảnh càng thêm khó khăn. Đến khi chị được ông Ngô Xuân Thanh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đồi Lánh giới thiệu cho vay vốn hộ nghèo. Từ số tiền vay đầu tiên chị mua 2 con bê (1 đực, 1 cái). Bê lớn, chị bán con đực được hơn 10 triệu đồng, mua 2 con lợn nái về nuôi. Chỉ sau vài năm, gia đình chị đã có đàn lợn hơn chục con, mỗi năm cho thu nhập gần 60 triệu đồng. Kinh tế gia đình từng bước được cải thiện, có tiền nuôi con ăn học và xây được ngôi nhà khang trang.
Giống như chị Hương, chỉ 3 năm sau khi được vay vốn NHCSXH, anh Hà Văn Thế ở thôn Đồi Lánh đã thoát nghèo. Năm 2007, anh vay 7 triệu đồng từ NHCSXH. “Sau khi nhận tiền vay, tôi mua lợn, gà về nuôi. Cả gia đình đã không ngừng nỗ lực chăn nuôi, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi lợn ở gần nhà và còn được cán bộ thú y của xã hướng dẫn cách chăm sóc, phòng và trị các loại bệnh thường gặp và cách nuôi lợn… nên đàn lợn phát triển rất tốt. Sau 3 năm chăn nuôi có hiệu quả, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo và tôi vẫn đang tiếp tục vay 10 triệu đồng từ vốn vay cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để tái đầu tư”, anh Thế cho hay.
San Nguyễn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Điểm sáng giao dịch tín dụng chính sách nơi vùng cao
- » Cà phê - cây giảm nghèo ở Mường Ảng
- » Bắc Kạn: Biết sử dụng vốn, mỗi năm hàng nghìn hộ thoát nghèo
- » Cho vay hộ cận nghèo và giải quyết việc làm: Đã xử lý được “điểm nghẽn” vốn ưu đãi
- » Đồng hành cùng chương trình thoát nghèo bền vững
- » Vốn cho vay giải quyết việc làm: Cầu nhiều cung ít
- » Cần Thơ đảm bảo đủ nguồn vốn vay cho HSSV năm học mới
- » 100% hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn sử dụng vốn đúng mục đích
- » Dựng nghiệp, mở nghề từ đồng vốn ưu đãi
- » Nghiên cứu thí điểm cho vay hộ mới thoát nghèo