Chắt chiu đồng vốn chính sách

10/11/2014
(VBSP News) Tô Mậu là vùng đất nghèo. Nguyên nhân là xa trung tâm, trình độ dân trí thấp, ruộng đất ít… vì vậy, một trong những giải pháp nâng cao mức sống người dân, đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo chính là sử dụng nguồn vốn chính sách hiệu quả.
Nhờ sử dụng đồng vốn chính sách hiệu quả, nhiều hộ nghèo ở Yên Bái đã vươn lên thoát nghèo

Nhờ sử dụng đồng vốn chính sách hiệu quả, nhiều hộ nghèo ở Yên Bái đã vươn lên thoát nghèo

Những cán bộ NHCSXH huyện Lục Yên (Yên Bái) cho biết, các cấp chính quyền và người dân trong huyện rất coi trọng đồng vốn chính sách, coi đó là nguồn lực quan trọng trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Thông qua việc ủy thác vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội đã củng cố tổ chức, phát triển phong trào… Trong số các xã, thị trấn của huyện, Tô Mậu là xã tiêu biểu trong việc sử dụng hiệu quả đồng vốn này.

Đón chúng tôi tại trụ sở UBND xã, Chủ tịch xã Lương Xuân Độ, cho biết: “Tô Mậu là vùng đất nghèo. Nguyên nhân là xa trung tâm, trình độ dân trí thấp, ruộng đất ít… Vì vậy một trong những giải pháp nâng cao mức sống người dân, đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo chính là sử dụng nguồn vốn chính sách hiệu quả!”. Đảng ủy, chính quyền xã đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện tổ chức chỉ đạo việc các tổ chức hội, đoàn thể ký hợp đồng ủy thác vay vốn; hướng dẫn người dân sử dụng đồng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả; tổ chức lồng ghép việc vay vốn với các chương trình khuyến nông - lâm, triển khai vận động thực hiện các phong trào và công tác khác.

Đi đầu trong việc nhận ủy thác vay vốn là Hội Phụ nữ xã với 642 hội viên (trong đó có 534 hội viên sinh hoạt thường xuyên, chiếm tỷ lệ 76,24% số phụ nữ trong độ tuổi sinh hoạt của toàn xã). Phụ nữ Tô Mậu, chịu nhiều thiệt thòi vì thuộc hộ nghèo, ở vùng nông thôn hẻo lánh, nhiều hội viên là người dân tộc thiểu số còn lưu giữ những phong tục lạc hậu. Giúp chị em vươn lên trong cuộc sống, bình đẳng và tiến bộ luôn là nhiệm vụ xuyên suốt của hội.

Các Câu lạc bộ phụ nữ, Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập, thu hút ngày càng đông chị em tham gia. Tranh thủ buổi tối hoặc những hôm trời mưa, không ra đồng, lên nương được, hội viên tập hợp lại, bàn cách làm ăn, trao đổi kinh nghiệm sử dụng đồng vốn chính sách và nghe cán bộ xã, huyện hướng dẫn các biện pháp KHKT, áp dụng vào chăn nuôi, trồng cấy hoặc xóa bỏ những tập tục lạc hậu… Ít có điều kiện phát triển thương mại - dịch vụ, ruộng đất lại không nhiều (toàn xã có chưa đầy 90ha ruộng, trong đó hơn 10ha thuộc đất bán ngập trên hồ Thác Bà), Tô Mậu đã hướng nhân dân phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Từ định hướng của Đảng ủy, chính quyền xã, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ ngoài việc đầu tư cho việc làm nhà ở, đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường… tập trung toàn bộ cho vay phát triển kinh tế như mua cây, con giống, đặc biệt là mua trâu, bò, gà lợn về nuôi.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lương Thị Thức, cho biết: “Chủ trương của xã rất đúng nhưng quá trình triển khai không dễ. Việc chăn nuôi trâu bò là một thí dụ. Người dân đã hiểu rõ lợi ích của việc chăn nuôi trâu, bò, có nhiều bãi chăn thả, nhiều bà con có tư tưởng chủ quan “khỏe như trâu” nên việc chăm sóc, bảo vệ đàn trâu bò còn thiếu khoa học. Hậu quả, vụ rét năm 2010 - 2011, xã có tới 48 con trâu chết đói, chết rét, năm 2012, nhiều con trâu mắc dịch lở mồm long móng, nhiều nhà dù chưa bị cũng phải bán vội để “chạy” dịch. Sau hai vố “thua đau” ấy, bà con đã rút ra bài học, tích cực học tập các biện pháp phòng trừ bệnh tật, làm chuồng trại, chuẩn bị tốt nguồn thức ăn cho trâu, bò trong mùa rét; hăng hái vay vốn để mua trâu, bò giống về chăn thả. Hàng trăm con trâu đã được mua từ nguồn vốn chính sách, đặc biệt, khi hạn mức cho vay hộ nghèo tăng lên gần gấp đôi, bà con càng phấn khởi vay vốn đầu tư cả cặp trâu về cho bõ công chăn thả hoặc mua luôn một con đã trưởng thành về để có thể sinh sản và cày kéo được ngay. Ngoài ra, người dân Tô Mậu đã mạnh dạn đầu tư nuôi thêm dê, lợn”.

Theo thống kê, toàn xã Tô Mậu hiện có 416 hộ gia đình vay vốn NHCSXH, dư nợ đạt hơn 6 tỷ đồng. Số dư nợ này không lớn nhưng điều đáng quý là bà con đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích và hiệu quả. Theo đồng chí Nguyễn Quang Sơn - cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Lục Yên, Tô Mậu tuy chưa có những mô hình thật sự xuất sắc về vay và sử dụng đồng vốn chính sách, nhưng những hộ vay vốn lúc đầu mua đôi trâu nái rồi nuôi gây lên cả đàn trâu hoặc đầu tư đàn gà, đàn ngan, mua cái máy tuốt lúa, tẽ ngô, đi làm thuê thoát nghèo đếm không xuể.

Năm 2014, Tô Mậu sẽ đạt 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tốc độ giảm nghèo đạt 5% cùng nhiều chuyển biến quan trọng về kinh tế - xã hội nhờ một phần đóng góp của đồng vốn chính sách.

Lê Phiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác