Vốn đến kịp thời, nông dân vượt khó

12/11/2014
(VBSP News) Những năm qua, hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) được nâng lên rõ rệt. Không chỉ số hộ khó khăn giảm, mà gần 8.000 hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi... Có được những điều đó, theo ông Nguyễn Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Chấn là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH.
Có vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ nông dân ở Văn Chấn đã đầu tư phát triển nghề rừng và chế biến lâm nghiệp rất hiệu quả

Có vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ nông dân ở Văn Chấn đã đầu tư phát triển nghề rừng
và chế biến lâm nghiệp rất hiệu quả

Người nghèo luôn cần vốn

Ông Giàng A Vư - người dân tộc Mông ở xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, chỉ vào đàn trâu tới hơn 10 con đang thong dong gặm cỏ bên chân núi, bảo: “Tôi cũng vươn lên từ một hộ nghèo nên thấm thía cái khó khăn, khao khát có được một nguồn vốn để đầu tư thoát nghèo. Người nghèo không dám mơ vay được cả mấy trăm triệu đồng, mà chỉ mơ ước được vay mấy triệu đồng để mua con lợn giống, đàn gà giống, con dê nái… hoặc lớn hơn là con trâu, con bò trị giá hơn 10 triệu đồng. Nhưng cái vốn người nghèo muốn vay ấy phải đảm bảo lãi suất thấp hoặc không có lãi, không cần thế chấp, thời hạn cho vay kéo dài đủ để họ làm đồng vốn sinh lời và thủ tục vay phải đơn giản, giải ngân nhanh”.

Nói thêm về những yêu cầu khi vay vốn của dân nghèo như lời ông Vư nói, anh Lò Văn Hòa - dân bản Khe Căng, xã Cát Thịnh, bảo: “Tôi là hộ nghèo nên hiểu rõ điều ông Vư nói. Người nghèo chúng tôi không giỏi làm ăn, không biết tính toán, lại phụ thuộc thời vụ nên cứ “nước đến chân mới nhảy”. Khi vào vụ mới thấy mình thiếu giống, thiếu phân bón, thiếu sức kéo… thế là chạy cuống lên đi vay vốn”.

Nhưng nhiều ngân hàng, nhiều tổ chức, cá nhân cho vay vốn yêu cầu phải có bìa đỏ hoặc tài sản có giá trị để thế chấp. Thế là người nghèo đành chịu. Một số thủ tục vay quá phức tạp, thấy mất công, khó hiểu, viết rồi xin chữ ký nhiều quá nên cũng bỏ luôn. Còn vay tư nhân với lãi suất cao thì chẳng nói anh cũng biết, chục mái gà hay 1 con lợn nái mỗi năm chỉ cho lãi được mấy trăm nghìn, không đủ trả lãi đâu. Vì thế người nghèo luôn đói vốn…

Vốn đến kịp thời…

Là địa bàn có tới 18 dân tộc anh em sinh sống, trong đó hơn nửa thuộc diện đặc biệt khó khăn, nên việc hỗ trợ nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu luôn được huyện Văn Chấn chú trọng. Hội Nông dân huyện là một trong những tổ chức có sự gắn bó rất chặt chẽ với nông dân, theo sát định hướng và hỗ trợ người nông dân bứt phá vươn lên. Theo ông Nguyễn Ngọc Chiến: “NHCSXH ở đây đã đồng hành với chúng tôi, hỗ trợ nông dân tạo việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo và làm giàu. Đến nay, dư nợ ủy thác tại 147 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 23 xã trong huyện đã lên tới gần 68 tỷ đồng với 5.070 hộ vay”. Do có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ngân hàng với hội và nông dân nên nguồn vốn này đến với dân rất kịp thời và phát huy hiệu quả.

“Cùng với tạo vốn, chúng tôi còn tư vấn cho nông dân những cách làm ăn hay, quản lý đồng vốn tốt để sinh lời nhanh, bền vững. Cũng nhờ nguồn vốn này, từ đầu năm đến nay chúng tôi đã tạo được việc làm mới cho 3.383 lao động (đạt 96,7% kế hoạch). Năm nay, toàn huyện cũng phấn đấu giảm 4,6% số hộ nghèo. Mục tiêu ấy có sự hỗ trợ lớn và kịp thời từ nguồn vốn NHCSXH”, ông Chiến cho hay.

Bài và ảnh Kiều Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác