Đà Nẵng hỗ trợ hơn 199,5 nghìn hộ thoát nghèo
Những năm qua, chính quyền TP Đà Nẵng dành sự quan tâm lớn cả về chính sách và nguồn lực, cùng với sự tham gia của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân theo hướng bền vững. Các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an” được xây dựng và triển khai thực hiện, đến nay mang lại nhiều giá trị nhân văn và tạo thương hiệu riêng cho Đà Nẵng trở thành “Thành phố đáng sống”.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Đà Nẵng xác định một trong các giải pháp quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội đó là sử dụng hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội thông qua hệ thống NHCSXH.
Clip: Thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung cho biết: Để đảm bảo nguồn vốn cho vay bền vững, chi nhánh tập trung huy động các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua 20 năm hoạt động, nguồn vốn của chi nhánh tăng trưởng, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 18,68%; các chương trình cho vay được mở rộng. Tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 3.638 tỷ đồng so với năm 2002. Từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu đến nay, chi nhánh đang thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt trên 3.756 tỷ đồng, tăng 3.640 tỷ đồng so với năm 2002. Dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng chính sách chủ yếu như: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 68%; cho vay nhà ở xã hội chiếm tỷ trọng 12%; cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm tỷ trọng 8%; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chiếm tỷ trọng 4%…
Trong 20 năm qua, toàn thành phố có 422.602 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay 9.801 tỷ đồng. Giai đoạn 2003 - 2022, nguồn vốn chính sách đã giúp cho 199.518 lượt hộ thoát nghèo; duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới cho 158.592 lao động; 67.766 HSSV được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng 51.765 công trình NS&VSMTNT; 162 người lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động; 261 hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung; 88 doanh nghiệp vay vốn vừa và nhỏ vay vốn sản xuất kinh doanh; 1.396 khách hàng vay vốn mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, sửa chữa nhà để ở; 98 lượt doanh nghiệp trên địa bàn vay vốn trả lương 11.899 lượt lao động; cho vay 83 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh khẳng định: Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương. Nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách địa phương, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND các cấp của thành phố đã cân đối ngân sách chuyển 1.603 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết biểu dương nỗ lực của NHCSXH, các tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội, các chính quyền địa phương đã không ngừng nổ lực, tâm huyết trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển SXKD, góp phần cải thiện ổn định đời sống của người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt, góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng.
Cũng tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Thị Hằng nhấn mạnh: Có được kết quả đó, chính nhờ sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng, cùng với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác triển khai thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương. Tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhân dịp này, 7 tập thể và cá nhân nhận Bằng khen của các Bộ, ban, ngành Trung ương; 24 tập thể và 11 cá nhân nhận Bằng khen của UBND thành phố vì có thành tích xuất sắc trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78.
Công Thái
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng 20 năm gieo mầm no ấm (Bài 2: Kết nối sức mạnh đột phá tín dụng chính sách)
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng 20 năm gieo mầm no ấm (Bài 1: Nhịp cầu nối những bờ vui)
- » Quảng Bình tiếp tục thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách gắn với mục tiêu giảm nghèo
- » Thừa Thiên - Huế: Tín dụng chính sách là trụ đỡ giảm nghèo
- » Kon Tum tổng kết 20 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Vốn tín dụng chính sách phát huy vai trò “bệ đỡ” cho hộ nghèo Bến Tre
- » Hơn 6.100 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại Đắk Lắk
- » Thanh Hóa hỗ trợ việc làm cho 91 nghìn lao động (VTV1 - 17h00 - 20.9.2022)