Hơn 6.100 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại Đắk Lắk
Sau 20 năm thực hiện Nghị định 78, đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk hơn 6.172 tỷ đồng, tăng gấp 59,4 lần so với khi mới thành lập. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay, chi nhánh đã và đang thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đến 31/8/2022 đạt gần 6.154 tỷ đồng, tăng hơn 6.088 tỷ đồng, gấp 94 lần so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm 28%, với trên 160.000 hộ đang dư nợ,. Trong đó, dư nợ của hộ đồng bào DTTS đạt 2.263 tỷ đồng, chiếm 36,7% tổng dư nợ.
Clip: Tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ
Trong 20 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ nói chung và hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã không ngừng phát triển và ngày càng ổn định; nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ngày càng tăng. Đến nay, tỉnh đã có trên 803.186 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi; 87.509 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn mua máy tính, thiết bị học tập và trang trải các chi phí; thu hút, tạo việc làm cho 37.840 lao động; xây dựng 139.491 công trình nước sạch và 135.641 công trình vệ sinh môi trường theo chuẩn quốc gia; xây 19.437 căn nhà cho hộ nghèo không có nhà ở; 1.616 lao động được vay vốn xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…
Tốc độ tăng trưởng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh 20 năm qua luôn ổn định, đạt bình quân trên 10%/năm. Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt 363 tỷ đồng, tăng 341 tỷ đồng (gấp 15,5 lần so với thời điểm mới thành lập) và tăng 243 tỷ đồng so với thời điểm bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Từ đây, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hơn 264 nghìn hộ dân thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2005 - 2010 từ 27% xuống còn 10%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 20,8% xuống còn 6%; giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 19,39% còn 6,34% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định: Sau 20 năm thực hiện Nghị định 78, tín dụng chính sách xã hội là kênh tín dụng đặc biệt truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đến tận tay đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ, tiết giảm chi phí cho người vay và ngân hàng. Nguồn vốn cho vay đã thực sự góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần bám sát Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 của NHCSXH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm triển khai thực hiện tích cực và hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn của Trung ương, địa phương đối với một số chương trình tín dụng quan trọng; rà soát, quan tâm bổ sung thêm chính đối với những hộ nghèo, cận nghèo còn thiếu đất sản xuất để tạo điều kiện cho các hộ dân có tư liệu sản xuất, nâng cao hiệu quả nguồn vốn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát của các cấp, các ngành, nhất là sự giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay để đảm bảo mục tiêu “Tăng trưởng dư nợ đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách”.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng, năng lực đối với đội ngũ cán bộ tín dụng và hoạt động tín dụng; không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tạo thuận lợi nhất để người nghèo tiếp cận tín dụng chính sách xã hội.
Dịp này, UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen cho 21 tập thể, 29 cá nhân; 6 tập thể và 35 cá nhân được Tổng Giám đốc NHCSXH tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Dung
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Hành trình 20 năm tận tâm, đồng hành phục vụ người nghèo Hải Dương
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng 20 năm gieo mầm no ấm (Bài 2: Kết nối sức mạnh đột phá tín dụng chính sách)
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng 20 năm gieo mầm no ấm (Bài 1: Nhịp cầu nối những bờ vui)
- » Thanh Hóa hỗ trợ việc làm cho 91 nghìn lao động (VTV1 - 17h00 - 20.9.2022)
- » Tỷ lệ hộ nghèo của Ninh Bình còn 3% (VTV1 - 11h00 - 20.9.2022)
- » Tỉnh Ninh Bình có trên 547.870 lượt hộ nghèo được vay vốn chính sách
- » Tuyên Quang huy động các nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách
- » Long An thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội 20 năm qua
- » Hà Nam chỉ còn 1,55% hộ nghèo, hộ cận nghèo (VTV1 - 16h00 - 19.9.2022)