Tỉnh Ninh Bình có trên 547.870 lượt hộ nghèo được vay vốn chính sách

20/09/2022
(VBSP News) Chiều qua (19/9), tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78). Tới dự Hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Quảng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Tống Quang Thìn và Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Thị Hằng.
Ninh binh 1

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến 31/8/2022, tổng nguồn vốn tín dụng của chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình là 3.182 tỷ đồng, tăng gấp 24,8 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai Nghị định 78. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay, chi nhánh đang triển khai thực hiện 15 chương trình tín dụng ưu đãi, đều hướng tới giảm nghèo bền vững, cải thiện điều kiện sống, nâng cao mức sống và được dựa trên nền tảng của 3 chương trình tín dụng ban đầu.

Clip: Tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ

Tổng doanh số cho vay trong 20 năm qua đạt gần 9.844 tỷ đồng với 547.871 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Đến 31/8/2022, tổng dư nợ đạt 3.177 tỷ đồng, tăng 3.024 tỷ đồng và gấp 21 lần so với khi mới nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 18,5%, với 79.449 hộ còn dư nợ. Các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đang phối hợp hiệu quả với chi nhánh NHCSXH tỉnh với tổng dư nợ uỷ thác đạt 3.139 tỷ đồng, chiếm hơn 99% tổng dư nợ của chi nhánh NHCSXH tỉnh.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn thông qua 143 Điểm giao dịch xã, 2.243 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động tại các thôn xóm, tổ dân phố, từ đó, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện được tiếp cận đồng vốn tín dụng một cách thuận lợi, kịp thời.

NInh Binh 2

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hồng Quảng đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một cách quyết liệt, mạnh mẽ để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhìn nhận và đánh giá. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương một cách bền vững.
Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Nghị định 78, Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng cùng các hướng dẫn, kế hoạch, chương trình hành động của NHCSXH Việt Nam và của tỉnh về tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt là quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt các công việc được NHCSXH ủy thác bảo đảm cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả  cải thiện đời sống và có nguồn vốn trả nợ ngân hàng.

Ninh Binh 3

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Thị Hằng yêu cầu chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình chú trọng củng cố nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, nâng cao năng lực đối với đội ngũ cán bộ tín dụng; không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo thuận lợi nhất để người nghèo tiếp cận nguồn vốn chính sách hiệu quả.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, trong đó có giải pháp về tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định 78, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn nhấn mạnh: Trong 20 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định 78 được triển khai hiệu quả trên địa bàn Ninh Bình và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Đã tạo lập được nguồn vốn ổn định, bền vững cho hoạt động tín dụng chính sách, tập trung tăng trưởng dư nợ cho vay đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.
Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo; đặc biệt nguồn vốn tín dụng chính sách còn giúp các doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, giúp cho doanh ngiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vay vốn phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết của Chính phủ… Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội và NHCSXH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội.
Để bổ sung nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, thay mặt UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã phát động và kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân bằng hành động thiết thực, hưởng ứng phong trào “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” tại NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư phát triển SXKD, tạo sinh kế, tạo việc làm, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ngay tại Hội nghị, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phát động phong trào “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” theo kế hoạch của UBND tỉnh. Đã có 696 tập thể và cá nhân tham gia gửi và đăng ký gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo với số tiền trên 10 tỷ đồng.
Nhân dịp này, nhiều tập thể và cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng Giám đốc NHCSXH khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong 20 năm thực hiện Nghị định 78 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Ninh Binh 4

Ninh bInh 5

Ninh Binh 6

Hai Giang

Các tin bài khác